Cây trong núi

Trang tử đi trong núi, thấy một cây lớn, cành lá sum suê, mà một người đương tìm cây để đốn, đứng ngay bên cạnh lại không đụng tới. Trang tử hỏi tại sao. Người đó đáp: “Tại gỗ nó không dùng được vào việc gì”.

Trang tử bảo: “Cây đó nhờ vô dụng mà hưởng hết tuổi thọ của trời”.

Ra khỏi núi, thầy ghé nhà một người bạn cũ. Ông bạn mừng rỡ, sai một đứa ở giết ngỗng đãi khách. Đứa ở hỏi:

– Giết con nào, con biết kêu hay con không biết kêu?

– Giết con không biết kêu.

Sáng hôm sau, môn đệ Trang tử hỏi thầy:

– Hôm qua, cây trong núi vì vô dụng mà được hưởng hết tuổi trời mà bây giờ con ngỗng của chủ nhà vì vô dụng mà bị giết. Thầy muốn ở cảnh nào?

Trang tử cười đáp:

– Thầy muốn ở giữa hữu dụng và vô dụng; nhưng ở trung gian như vậy, chỉ mới gần Đạo thôi chứ chưa phải là Đạo, cho nên chưa tránh khỏi lụy.

Ai mà hóa hợp với Đạo Đức, mà tiêu dao thì không vậy (không nghĩ tới hữu dụng hay vô dụng).

Vượt ra ngoài sự khen chê, hoặc xuất hiện như con rồng, hoặc ẩn nấp như con rắn, cùng biến hóa với thời, không cố chấp chuyên theo một thái độ nào, lúc lên lúc xuống mà hòa đồng với vũ trụ, trở về cái thời chưa sinh ra vạn vật, sai khiến vạn vật mà không bị vạn vật sai khiến, như vậy thì có cái gì làm lụy mình được nữa? Đó là phép tắc của Hoàng Đế, Thần Nông.

Còn người nào theo cái tình lý của vạn vật, cái truyền thống của nhân luân thì không như vậy.

Có hợp thì có tan, có thành thì có bại, tôn quý thì bị công kích, hành động thì bị chê, hiền năng thì bị mưu hại, bất tài thì bị kinh bỉ.

Ôi! Như vậy thì biết riêng theo cách nào? Các con nhớ lấy: (Xử thế muốn khỏi bị lụy thì) chỉ nên tiêu dao ở cảnh giới Đạo Đức thôi!

(Trang tử, chương XX Cây trong núi – Nguyễn Hiến Lê)

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *