HÒA THƯỢNG TINH VÂN
(1927-2023)
Năm 1967, tại Đài Loan, tổ chức Phật Quang Sơn (Buddha’s Light International Association- BLIA/PQS) ra đời dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Tinh Vân. Từ đó đến nay tổ chức này không ngừng phát triển về mọi mặt. Bề ngoài, PQS là một sự cố gắng khôi phục lại nền kiến trúc cổ thẩm mỹ, tráng lệ nhằm giới thiệu cho mọi người một giáo lý nhiệm mầu của đức Phật. PQS là một tổ chức có đủ mọi thiết bị, kỹ thuật rất tinh vi, một trung tâm viễn thông với nhiều thiết bị tốt nhất, một hội trường gồm 2.200 chỗ ngồi dành cho các cuộc hội nghị Phật giáo quốc tế với các thiết bị nghe nhìn của mỗi chỗ ngồi được trang bị một cách hoàn hảo. PQS có thể xem là một tu viện Phật giáo đầu tiên trên thế giới có sự quản lý công việc bằng máy điện toán. Khách tham quan PQS đều được đài thọ ăn ở miễn phí và cảm thấy thoải mái như đang ở nhà. Người ta cho rằng PQS là tài sản quý báu của phương Đông. Quả thật, đây là một minh chứng hùng hồn của diện mạo Phật giáo ở thế kỷ 21 này như là một tôn giáo, một nền văn hóa, giáo dục, từ thiện và một cảnh quan hấp dẫn cho mọi người trong xã hội. Như vậy, PQS là một tổ chức như thế nào ? Trong bài viết này, chúng tôi cố gắng giới thiệu một số nét chính của tổ chức này và người khai sáng, lãnh đạo PQS.
* Đôi nét về Đại sư Tinh Vân, người khai sáng và lãnh đạo Phật Quang Sơn
Đại Sư Tinh Vân (Hsing Yun), thế danh Lý Quốc Thâm (Li Kuo Shen (李 國 深) sinh ngày 22/07/1927 (Đinh Mão) tại Giang Tô (Chiang Su), Trung Quốc. Thân phụ là cụ ông Lý Thành Bảo (Li Cheng Pao (李 成 寶) và Thân mẫu là Cụ Bà Lưu Ngọc Vân (Liu Yu Ying (劉 玉 英). Ngài là người con thứ ba trong một gia đình có bốn anh trai và một chị gái. Năm lên 5 tuổi, Ngài đến ở với bà Nội và bắt đầu ăn chay. Tám tuổi ngài đi học trường làng và năm 13 tuổi đi xuất gia với Hòa Thượng Chí Khai (Chinh Kai) tại chùa Đại Giác ở Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô và được Sư Phụ ban cho pháp danh là Kim Giác, pháp hiệu là Ngộ Triệt, về sau trở thành đệ tử truyền thừa đời thứ 48 của Thiền Phái Lâm Tế Trung Hoa.
Vốn tư chất thông minh lanh lợi, đam mê đèn sách, năm 1947, Ngài được Sư Phụ cho theo học Đại học Phật Giáo Tiêu Sơn, Tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Đại sư đã trải qua một nền giáo dục Phật học hoàn chỉnh và các bộ luật Phật giáo.
Năm 1948, Ngài đến Trụ trì một ngôi chùa ở Nam Kinh và làm chủ bút một tờ báo PG. Năm 1949, nội chiến bùng nổ trong nước. HT đến Keelung, Đài Loan và đến trú ngụ tại chùa Yuan Kuang. Tại đây Ngài đã cho xuất bản cuốn sách đầu tay của mình là “Tiếng Hát Trong Thầm Lặng” (Singing in silence). Năm 1950 Ngài bắt đầu học tiếng Nhật và làm chủ bút tờ nguyệt san “Đời sống” (Life). Năm 1953, cho in quyển “Kinh Phổ Môn”. Năm 1954, ở chùa Tei Yin và bắt đầu đi thuyết giảng ở các vùng nông thôn và trại giam. Năm 1955 đi diễn thuyết khắp Đài Loan và cho in quyển “Lịch Sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni”. Năm 1956 xây dựng một giảng đường và thành lập trường mẫu giáo Phật pháp đầu tiên tại Đài Loan. Năm 1957 thành lập và làm Chủ bút tờ tuần san “Giác Thế”. Năm 1959 thành lập Hội từ thiện PG ở Sanchung, cho in quyển “Đức Phật Thích Ca Và Mười Đại Đệ Tử”. Năm 1960 in “Kinh Giác Ngộ”. Năm 1963, chiêm bái Phật tích Ấn Độ và các nước PG ở Á châu, gặp vua Phật tử Thái Lan Bhumibol (1927-2016). Năm 1964 in bộ Từ Điển Phật Học Hoa-Anh.
Năm 1967, Đại Sư Tịnh Vân muốn dung hợp cổ kim, hiện đại hóa qua chương trình hoằng pháp “Phật Giáo Nhân Gian” cho nên Đại Sư cho thành lập tổ chức Phật Quang Sơn (Buddha’s Light Mountain) với 4 tông chỉ:
1/Dùng văn hóa để hoằng dương Phật pháp
2/Dùng giáo dục để đào tạo nhân tài
3/Dùng từ thiện để mang phúc lợi cho xã hội
4/Dùng cộng tu để tịnh hóa lòng người.
Cũng cùng năm này, Đại Sư cho xây dựng Phật học viện Quang Sơn và mở Trường Phật Pháp Chủ Nhật cho các lớp thiếu nhi. Năm 1970, xây dựng Ni viện Tatzu. Năm 1971 khánh thành Giảng Đường Đại Từ Bi và được bầu vào chức Chủ tịch Hội Phật Giáo Sino Nhật Bản. Năm 1973, thành lập Viện Nghiên Cứu PG Trung Hoa. Năm 1975 tổ chức thuyết giảng ba ngày tại hội trường Nghệ thuật quốc gia, trụ sở của Chính phủ Đài Loan.
Năm 1976, Đại Sư cho phát hành tờ Phật Quang Học Báo, xây dựng Trường Phật Học Phổ Môn, in bộ Đại Tạng Phật Quang và tổ chức lễ khánh thành tượng đài 10.000 vị Phật tại PQS. Năm 1978 được trao văn bằng Tiến sĩ danh dự tại Trường Đại Học Đông Phương, Hoa Kỳ; được bầu vào chức Chủ tịch Hội PG Quốc Tế về xã hội. Năm 1979, cho in tờ tạp chí “Phổ Môn” Universal Gate) và phát chương trình “Cam Lồ” trên Đài Truyền hình Đài Loan. Năm 1980 được bầu vào chức Chủ tịch Hội Nghiên Cứu Văn Hóa Ấn Độ tại Đại học Văn hóa Trung Hoa. Năm 1981, là Giáo sư thỉnh giảng khoa Triết học PG tại Đại học Trung Hoa. Năm 1982, tổ chức Hội nghị PG quốc tế lần thứ 5 tại Đài Loan. Năm 1984, xây dựng Đại học Phật giáo tại chùa Pháp Hiền, Cao Hùng. Năm 1987, thành lập và làm Chủ tịch Hội Thanh niên Phật tử Hoa Kỳ. Năm 1988, khánh thành chùa Tây Lai (Hsi Lai Temple) tại Mỹ và cho in bộ Bách Khoa Phật Quang Đại Từ Điển. Năm 1989, tổ chức Đại hội Thiền học quốc tế tại PQS. Năm 1990, Phó Tổng thống Mỹ Al Gore viếng thăm PQS và sau đó Hòa Thượng tổ chức đi hoằng pháp tại Châu Mỹ và Châu Âu. Năm 1992 thành lập Hội PQS Quốc Tế (The Buddha Light International Association); tổ chức chuyến hoằng pháp đầu tiên tại Châu Phi. Năm 1994 được công nhận là công dân danh dự Hoa Kỳ và cho in bộ Nhật Ký (20 quyển).
Những tác phẩm quan trọng của Đại Sư Tinh Vân có thể đúc kết như sau:
1/ “Thích Ca Mâu Ni truyện”
2/ “Phật giáo Tùng thư”
3/“Phật Quang Giáo khoa thư”
4/“Vãng sự Bách ngữ”
5/“Phật Quang Kỳ nguyện văn”
6/“Giữa Mê và Ngộ”
7/“Nhân gian Vạn sự”
8/“Dòng Tư duy của người Đương đại”
9/“Liệt kê Hệ thống Phật giáo Nhân gian”
10/ “Ngữ lục Phật giáo Nhân gian”
11/“Tăng sự Bách giảng” (僧事百講),
12/“Bách niên Phật duyên” (百年佛緣),
13/“Ngọc Lâm Quốc Sư Truyện” (viết về cuộc đời và hành trạng của Quốc sư Ngọc Lâm (1614-1675), truyện được xuất bản vào năm 1954, gần 10 năm sau, tác phẩm này xuất hiện ở Việt Nam và được Hòa Thượng Thích Quảng Độ dịch sang tiếng Việt với tựa đề là “Thoát vòng tục lụy” xuất bản đầu tiên năm 1962, một tiểu thuyết Phật Giáo ấn hành và bán chạy nhất trong mấy mươi năm qua ở VN; đến năm 1992, tác phẩm này được hãng phim danh tiếng Đài Loan TVB chuyển thành phim với tựa đề “Tái Thế Tình Duyên”; phim này được dịch sang tiếng Anh là “Continued Fate of Love”)
Do những đóng góp tận tụy trường kỳ về văn hóa, giáo dục, và tôn giáo, Đại sư Tinh Vân đã được 15 trường Đại học trên thế giới trao tặng học vị Tiến sĩ danh dự như sau:
1/Đại học Đông phương, Hoa Kỳ,
2/Đại học Tây Lai, Hoa Kỳ,
3/Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya (MCU), Thái Lan,
4/Đại học Santo Dominican, Chile
5/Đại học Dongguk, Hàn Quốc,
6/Đại học Phật giáo Mahamakut (MBU), Thái Lan,
7/Đại học Griffith, Queensland, Australia,
8/ Đại học Phụ Nhân, Đài Bắc,
9/Đại học Trung Sơn, Cao Hùng,
10/Đại học Hồng Kông,
11/ Đại học Kim Cương, Hàn Quốc,
12/Đại học Macao,
13/Đại học Gia Nghĩa Trung Chính, Đài Loan
14/Đại học Uy Đức, Hàn Quốc
15/Đại học Bình Đông, Đài Loan
Từ năm 1994 đến cuối đời, Đại Sư Tinh Vân dành nhiều thời gian để phát triển PG tại các quốc gia phương Tây thông qua Hội Phật Quang Sơn quốc tế, một tổ chức PG gây ấn tượng rất mạnh mẽ đối với thế giới phương Tây (Hội đã tổ chức đại hội thường niên tại Canada, Úc, Pháp, Mỹ).
* Một số nét chính của tổ chức Phật Quang Sơn quốc tế:
1/ Tổ chức Phật Quang Sơn vì nền giáo dục và văn hóa Phật giáo: Tổ chức PQS được thành lập không chỉ quan tâm đến lãnh vực giáo dục mà còn cung cấp những chương trình văn hóa đến với con người thông qua lời Phật dạy. Trên cơ sở đó PQS đã đến với hàng vạn người trên khắp thế giới. Công việc chính của Hội về mặt giáo dục gồm có: 1. Bảo trợ các cuộc mít tinh, hội thảo về văn hóa và giáo dục cộng đồng. 2. Bảo trợ các hội thảo, hội nghị giáo dục phổ cập và giáo dục Phật giáo trong và ngoài nước. 3. Tuyển chọn và đào tạo Tăng, Ni tài năng để đại diện cho PQS đi hoằng pháp trên khắp thế giới. 4. Cung cấp tài chánh để in ấn kinh sách Phật giáo vì mục đích phát triển Chánh pháp đem lại hạnh phúc, an lạc cho mọi người. 5. Bảo trợ các cuộc trao đổi về văn hóa và giáo dục của xã hội. 6. Và những hoạt động văn hóa có liên quan đến Phật giáo (PG)….
Từ lúc khởi đầu, tổ chức PQS có những phát triển tích cực và những ủng hộ khác nhau về hoạt động văn hóa. Năm 1988, PQS đã bảo trợ các hoạt động như sau: Bảo trợ Hội Nghệ Sĩ Đài Loan triển lãm thư pháp; tổ chức in bộ “Trung Hoa Bách Khoa PG“; bảo trợ hội nghị về triết học lần thứ 18 được tổ chức tại Anh quốc; bảo trợ Đại Hội Liên Hữu PG Quốc Tế lần thứ 16 tổ chức tại Mỹ, và lần thứ 20 tổ chức tại Úc tháng 10 năm 1998). Từ năm 1989 đến nay, PQS đã bảo trợ cho các hoạt động như giúp đỡ trao học bổng cho các học giả nổi tiếng đến tu nghiệp tại Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước ở châu Âu; bảo trợ cho các trại hè PQS và các buổi hội thảo PG; bảo trợ cho báo Chinese Daily trong chiến dịch bài trừ ma túy; tổ chức cuộc thi giáo lý cho Phật tử thế giới vào năm 1991, bao gồm 65 phòng thi cho 50.000 Phật tử trên khắp thế giới về dự thi.
2/ Phật Quang Sơn với đại tạng kinh Trung Hoa và Phật Quang đại từ điển: Con người thời nay thường gặp khó khăn và tỏ ra chán nản khi gặp những bản kinh cổ, vì khó đọc và rất khó hiểu. Nhìn thấy việc này, năm 1977, Đại Sư Tinh Vân đã thành lập một Ủy ban Biên tu Đại Tạng Kinh với sự tham gia của những bậc Trưởng lão đủ tài đức và những học giả nổi tiếng. Nhiệm vụ của Ủy ban này là chuyển dịch lại bộ Đại Tạng trong một dạng ngôn ngữ hiện đại, với hy vọng rằng kỳ ấn hành mới này sẽ giúp cho người đọc dễ hiểu hơn. Ngoài công trình Đại Tạng PQS, PQS còn cho phát hành bộ Phật Quang Bách Khoa Đại Từ Điển (Fo Kuang Encyclopedia) in năm 1988 sau mười năm làm việc cực nhọc. Năm 1978, HT Tinh Vân khởi xướng công trình biên soạn bộ Phật Quang Đại Từ Điển (PQĐTĐ), Ngài đã thành lập một Ủy ban biên tu gồm 20 Tỳ kheo Ni do Sư bà Từ Di làm trưởng ban. Công trình biên soạn này đã quy tụ trên hai trăm người tham gia, phần lớn là xuất thân từ PQS Học viện. Năm 1988, công trình đã hoàn thành. Đây là một bộ từ điển PG tập hợp được hàng trăm nghìn tư liệu, gồm 9 quyển, 23.000 mục từ, 7.000.000 thuật ngữ và 5.000 hình ảnh, biểu đồ nhằm giải thích từ cạn đến sâu, bổ túc cho những chỗ văn tự giải thích chưa hết, chưa đủ.
3/ Nhà xuất bản Phật Quang Sơn: Với mục đích truyền bá giáo lý, từ năm 1959, nhà Xuất Bản Phật Quang Sơn (NXBPQS) đã ấn hành hơn 3000 kinh sách, các loại băng cassettes và băng video bằng tiếng Hoa, Anh và Triều Tiên. Ngoài việc phát hành nhiều ấn phẩm khác nhau như kinh điển, lịch sử, văn học, nghi lễ, báo chí, nghệ thuật, sách tham khảo, truyện ngụ ngôn, truyện cổ tích, truyện tranh v.v… NXBPQS còn ấn tống hàng trăm nghìn đầu sách và băng giảng để phát không cho Phật tử trên khắp thế giới. Chẳng hạn năm 1992, có 200.000 đầu sách các loại được ấn tống; 200.000 băng giảng và 30.000 băng video cũng được ấn hành.
4/ Trung tâm nghe nhìn Phật Quang Sơn: Với mục đích truyền bá lời Phật dạy đến khắp tất cả mọi người để họ có được sự an lạc và hạnh phúc từ giáo pháp nhà Phật, HT Tinh Vân đã cho thành lập Trung tâm Nghe-Nhìn PQS từ năm 1998. Trung tâm có đủ mọi thiết bị máy móc hiện đại để thu, sang và chế tạo các loại băng hình để phục vụ cho cộng đồng. Nổi bật nhất là ĐàiTruyền thanh PQS, từ thành thị đến thôn quê, từ miền duyên hải đến cao nguyên, mọi người ở Đài Loan đều có thể nghe được tiếng nói Phật giáo của Đài phát thanh này. Đặc biệt là Đài Truyền hình Phật Quang, từ năm 1962 đến nay PQS đã ký hợp đồng với Đài Truyền hình Đài Loan – TTV – để phát đi chương trình Phật giáo của tổ chức này vào mỗi buổi tối. Bằng phương tiện truyền thông hiện đại như thế, lời Phật dạy đã được truyền đi khắp nơi để cho mọi người dân nghe thấy và nâng cao đời sống tâm linh của họ. PQS là tổ chức Phật giáo đầu tiên trên thế giới quản lý công việc bằng máy tính và mạng lưới Internet.
5/ Tạp chí Giác Thể và tạp chí Phổ Môn: Tạp chí Giác Thế (Awaken The World) là một chiếc cầu nối giữa tổ chức PQS và thành viên, tín đồ của tổ chức này trên khắp thế giới. Mục đích chính của tờ báo là để thăng hoa đời sống tinh thần của mọi người, để đánh thức con người và để làm lợi ích cho đời. Trong 30 năm, tờ báo là món ăn tinh thần của hàng vạn độc giả trên khắp thế giới. Hàng năm có hơn 36 triệu tờ được phát đi. Hiện nay tờ báo được phân phối cho trên 42 quốc gia và hy vọng rằng con số quốc gia đặt báo sẽ gia tăng trong một tương lai gần. Thứ hai là tạp chí Phổ Môn (Universal Gate). Tạp chí này được phát hành lần đầu tiên vào 1979 cũng do HT Tinh Vân làm Chủ bút. Hiện nay tờ báo được phát hành đi trên 30 quốc gia, bao gồm ở châu Âu, châu Mỹ và Đông Nam Á… Cả hai tờ báo trên đều ấn hành bằng tiếng Hoa, nhưng mỗi số đều có bảng tóm tắt bằng tiếng Anh.
6/ Nhà sách Phật Quang Sơn: Dựa trên bốn mục đích của PQS để cho người được niềm tin, hạnh phúc, hy vọng và thuận lợi, PQS đã xây dựng nhiều nhà sách và shop bán quà lưu niệm. Điều đó rất thuận lợi cho Phật tử đi mua sắm: Kinh sách, pháp khí, băng giảng, tranh tượng… Mục đích chính là giúp cho mọi người có cơ hội đọc nhiều kinh sách hơn để họ vun vén Phật tánh, thanh lọc thân tâm và mang lợi ích đến cho xã hội. Hiện nay ở Đài Loan có bốn nhà sách lớn và ở tiểu bang California có một nhà sách được thành lập từ năm 1991.
7/ Viện Bảo tàng Văn hóa Phật Giáo Quang Sơn: HT Tinh Vân xây dựng viện bảo tàng (VBT) này năm 1965 để tái tạo lại thời kỳ phục hưng văn hóa PG, để tuyên dương lịch sử PG và bảo vệ các bộ sưu tập điêu khắc, chạm trổ PG. Trong 30 năm qua, PQS đã sưu tập nhiều cổ vật nghệ thuật quý hiếm của PG, chia thành nhiều loại, rồi trưng bày trong VBT với mục đích giúp cho khách tham quan thưởng lãm, hiểu đúng và chính xác về nghệ thuật PG cũng như cốt lõi của văn hóa PG. Xây dựng từ năm 1973 đến 1983, VBT đã hoàn thành với diện tích rộng 4.800 m2. VBT đã trưng bày tượng Phật, Bồ Tát, các vị La Hán được điêu khắc, chạm trổ trên nhiều vật liệu khác nhau như gỗ, đá, đồng, gốm, sứ, ngọc bích… được sưu tập và đem về từ nhiều quốc gia khác nhau. Thêm vào đó có nhiều cổ vật quý hiếm, tranh ảnh, thư pháp… VBT PQS là một kho tàng quý báu để cho mọi Phật tử trên khắp thế giới về thăm viếng và tìm hiểu về nghệ thuật và văn hóa PG quốc tế.
8/ Thư viện Phật Quang Sơn: Phật dạy: “Bằng phương tiện lắng nghe, suy nghĩ và tu tập, mọi người đều có thể tự giác ngộ và thành Phật“. Học tập Kinh điển là một trong những Bồ Tát hạnh quan trọng. Để khuyến khích cho tín đồ học tập chăm chỉ, HT Tinh Vân đã xây dựng nhiều thư viện và phát hành nhiều loại kinh sách để cho Phật tử thuận tiện học hỏi. Vì thế PQS và tất cả mọi chi nhánh khác trên thế giới đều có xây dựng thư viện PQS và phòng học giáo lý, không phải cho riêng tín đồ PG mà cho tất cả mọi người muốn tìm hiểu đạo Phật và thăng hoa trí tuệ của họ. Hiện nay có 4 thư viện PG cộng đồng cho dân chúng Đài Loan và 12 thư viện khác dành cho sinh viên Phật học đọc và nghiên cứu.
9/ Phật Quang Sơn với công cuộc hoằng pháp: PQS rất nỗ lực trong việc truyền bá lời Phật dạy trong mọi phương tiện tích cực nhất. Khởi đầu PQS đi diễn thuyết khắp Đài Loan, sau đó mở rộng sang các nước Đông Nam Á, rồi qua Châu Âu và Châu Mỹ, từ chùa đến trường học, từ tổ chức chính phủ đến tổ chức tư nhân, từ nhà tù đến trung tâm quân sự… PQS đều quan tâm và đến thuyết giảng. Những năm gần đây, hình thức thuyết giảng của PQS đã được cải thiện tối đa và được công chúng khắp nơi thừa nhận. Những cơ sở tự viện, chi nhánh của PQS, các khóa dạy Thiền, tập huấn thuyết giảng, câu lạc bộ Ưu-Bà-Di, gia đình thanh niên Phật tử, các lớp dạy cắm hoa, dạy nấu ăn, dạy vẽ tranh, thư tháp… được tổ chức cho tín đồ đến tu học cùng nhau và tiếp xúc với nhau. Trong các năm qua PQS đã có tổ chức nhiều hoạt động khác nhau để truyền chất Phật vào đời, cụ thể là tổ chức thuyết giảng và biểu diễn văn nghệ PG tại Đài Loan và gởi các đoàn Giảng sư đi thuyết giảng. Trong mỗi dịp như vậy thính giả có hơn 10.000 người đến nghe. Vào tháng 10-1990, có khoảng 70.000 người đến nghe HT Tinh Vân thuyết giảng trong ba đêm liên tiếp tại sân vận động ở Hồng Kông. Sự kiện này đã gây chấn động mạnh mẽ và đánh thức quần chúng quan tâm đến giáo lý nhà Phật.
10/ Phật Quang Sơn với công tác đào tạo tăng tài: Theo số liệu thống kê từ năm 1994 đến nay, người xuất gia tu học tại PQS có trên 1.000 vị, trong đó có 300 Tăng sinh và 900 Ni sinh. Trung bình hàng năm con số này được nâng lên 100 vị. Phần lớn tuổi từ 21 đến 40, 70% là đều tốt nghiệp đại học, trong đó có 35 vị có bằng Cao học và 3 vị có bằng Tiến sĩ. Hầu hết là người Đài Loan và có trên 10% là Tăng Ni ngoại quốc đến từ Hông Kông, Indonesia, Malaysia, Nepal, Singapore, Thailand, Việt Nam, Pháp, Hoa Kỳ và nhiều nước Châu Âu khác. HT Tinh Vân cho rằng “Phật giáo phải là hiện đại, tiến bộ và sinh động, nó không phải là một bức tranh u sầu, ảm đạm và buồn chán“. Ngài nói “Phật giáo cần có giới trẻ và những người trẻ tuổi cũng cần đến Phật giáo”. Trường Đại Học PQS phần lớn là Tăng Ni sinh trẻ tuổi, yêu đời, tự tin và cống hiến. HT Tinh Vân đã ban tặng cho các tu viện PG Trung Hoa một không khí sinh hoạt hoàn toàn mới mẻ.
11/ Chùa Nam Thiên tại Australia, một công trình quy mô của Phật Quang Sơn ở nước ngoài: Từ ngày thành lập Hội PQS đến nay, số lượng người theo quy y (hơn 1 triệu người) và hành trì Phật pháp ngày càng đông trên khắp thế giới. Với sự lãnh đạo tinh thần tài đức của HT. Tinh Vân, 120 chi nhánh được dựng lên ở khắp năm châu lục, một trong những công trình điển hình, đó là Chùa Nam Thiên (Nan Tien Temple), một ngôi chùa PG lớn nhất ở vùng Nam bán cầu, tọa lạc tại thành phố Wollongong, tiểu bang New South Wale, Australia, khánh thành năm 1995 với tổng chi phí xây dựng là 50 triệu đô la Mỹ. Chùa Nam Thiên đóng một vai trò quan trọng như là một chiếc cầu nối liền giữa các nền văn hóa Đông-Tây, được xây dựng theo kiểu phối hợp giữa kiến trúc cổ truyền của phương Đông và hiện đại của phương Tây, đem truyền thống cổ xưa hòa vào với những cái độc đáo của thời hiện đại để tạo nên một cái chung nhất.
12/ Phật Đà kỷ niệm quán: Đây là công trình mới nhất và cuối đời của Đại Lão Hòa Thượng Tinh Vân. Công trình tọa lạc ngay tại trụ sở chính của Phật Quang Sơn, Cao Hùng, Đài Loan. Sau 9 năm xây dựng mới viên thành, và ngày 25/12/2015, Tổng thống Đài Loan, Ông Mã Anh Cửu đã đến tham dự và cắt băng lạc thành với diện tích 100 hécta, lưng tựa vào núi, mặt hướng ra sông nước, tạo nên một quần thể kiến trúc hùng vĩ, sơn thủy hữu tình, đẹp như tranh vẽ.
Khách tham quan đi qua Chánh Quán Đường là đại lộ “Thành Phật Đại Đạo” rộng thênh thang và thẳng tắp. Cuối con đường là “Bồ Đề Quảng Trường”, phía sau là tôn tượng “Phật Quang Đại Phật”, tượng ngồi bằng đồng cao nhất thế giới hiện nay, với chiều cao 108m. Bên trong Kim thân Đại Phật này được tôn trí 100.000 bản Bát Nhã Tâm Kinh viết tay. Ngoài ra, Pháp bảo quý báu nhất được tôn thờ ở đây là Phật Nha Xá Lợi (Răng của Phật) để Phật tử trong mười phương về đây chiêm bái. Đặc biệt Kỷ Niệm Quán Phật Đà tại Đài Loan có 8 Bảo tháp, biểu trưng cho “Bát Chánh Đạo” và 4 Chánh Giác Đại Tháp tượng trưng cho “Tứ Thánh Đế”.
Lời kết: Suốt cuộc đời của Đại Lão Hòa Thượng Tinh Vân luôn tận tụy với chương trình Phật Pháp tại nhân gian, mang niềm vui đến cho mọi chúng sanh. Ngài luôn khuyên nhắc mọi người cố gắng thực hành Tam Hảo và Tứ Cấp.
Tam Hảo là 3 điều tốt:
1/Thân làm điều tốt
2/Miệng nói lời tốt
3/Lòng mang ý tốt.
Tứ cấp (cung cấp 4 thứ cho đời):
1/Cho người niềm tin,
2/Cho người hoan hỷ,
3/Cho người hy vọng,
4/Cho người phương tiện.
Ngài cũng dạy rằng: “Hãy để cho ánh hào quang của Đức Thế Tôn tỏa sáng đến ba nghìn cõi giới và áng sáng của Chánh Pháp được truyền bá đến khắp năm châu bốn biển” (Let the Buddha’s Light shine over three thousand realms; and the Dharma’s current flow throughout the five continents), Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Tinh Vân đã một phần nào đạt được ước nguyện hoằng Pháp của mình, mong rằng thế hệ kế thừa của Ngài tiếp tục gánh vác Phật sự để cho bánh xe Chánh Pháp lăn chuyển mãi mãi về sau.
Thích Nguyên Tạng tổng hợp từ các tài liệu: Our Report: What has Fo Kuang Shan achieved (1991), Buddha ‘s Light Newsleter từ 1991 đến 2016; Handing Down the Light: The Biography of Venerable Master Hsing Yun (1995); Star And Cloud: Venerable Master Hsing Yun (2003); Fo Guang Shan Monastery Worldwide Web: https://www.fgs.org.tw/en (2017)
(Nguồn quangduc.com).