Đại tiểu, quý tiện

Tâm Khởi nói với Nghĩa Hành:

– Người ta sinh ra đã có sẵn cái tâm tính, cái đó là thiên lý của trời phú cho. Nó được thể hiện ở bốn đầu mối: Lòng trắc ẩn là mối của nhân, lòng tu ố là mối của nghĩa, lòng từ nhượng là mối của lễ, lòng thị phi là mối của trí. Ai không có bốn mối đó thì không phải là người. Ai biết mở rộng bốn mối đó ra cho thông thì như lửa mới bắt đầu cháy, như suối mới bắt đầu khơi. Từ cái tâm tính sẵn có ấy mà lập lấy cái chính mệnh của mình. Rồi từ cái chính mệnh lại cố gắng học để giữ lấy cái tâm, nuôi lấy cái tính để biết được rõ lẽ trời.

Nghĩa Hành hỏi:

– Theo anh nói như vậy, người ta sinh ra đều đã như nhau cả. Thì sao lại có đại nhân và tiểu nhân, có quý có tiện?

Tâm Khởi đáp:

– Trong thân thể người ta có phần quý, có phần tiện, có phần lớn, có phần nhỏ, đừng lấy phần nhỏ hại phần lớn, đừng lấy phần tiện hại phần quý. Nuôi phần nhỏ thì làm tiểu nhân, nuôi phần lớn thì làm đại nhân. Phần lớn là tâm của mình, phần nhỏ là tai mắt của mình. Tai mắt của người ta không phải để suy nghĩ, mà lại hay bị ngoại vật che tối, và chỉ là vật nọ giao với vật kia rồi tiếp dẫn nhau mà thôi. Tâm là để suy nghĩ. Suy nghĩ thì được, nghĩa là biết rõ đạo lý. Không suy nghĩ thì không được, nghĩa là không biết đạo lý. Trong những cái của trời phú cho ta, trước hết ta phải gây dựng lấy cái lớn thì cái nhỏ không lấn lên được, bởi thế mới làm đại nhân.

Có cái tước vị của trời cho, có cái tước vị của người cho. Nhân nghĩa trung tín, vui làm điều lành không mỏi là cái tước của trời cho; công danh, quan lộc là cái tước của người cho. Người đời xưa lo sửa cái thiên tước, thì cái nhân tước theo sau. Người đời nay lo sửa cái thiên tước để cầu lấy cái nhân tước, khi đã được cái nhân tước rồi thì bỏ cái thiên tước, như thế thật là mê hoặc lắm vậy, sau thành ra mất hết cả.

Lòng muốn cái tôn quý thì ai ai cũng như nhau cả. Thế mà người ta ai cũng có cái tôn quý ở trong mình mà mình không nghĩ đến. Cái tôn quý của người cho không phải là thật tôn quý, người đã cho được tôn quý thì cũng làm cho đê tiện được. Vậy ta nên cầu cái tôn quý của trời cho, tức là ta cầu lấy nhân nghĩa đạo lý để làm cho tôn cái phẩm giá của ta. Cái phẩm giá ấy không ai cho được ta mà cũng không ai cướp được của ta. Song muốn có phẩm giá ấy thì ta phải tự tìm lấy, chứ nếu ta tự hại, tự bỏ đi thì không bao giờ có được. Vậy nên mới nói: Không thể nói chuyện được với người tự hại mình; không thể làm được điều lành với người tự bỏ mình. Nói không phải lễ nghĩa gọi là tự hại mình. Thân ta không ở chỗ nhân, không theo điều nghĩa, gọi là tự bỏ mình. Nhân là cái nhà của người ta ở yên. Nghĩa là con đường chính của người ta đi. Bỏ vắng cái nhà yên mà không ở, bỏ con đường chính mà không đi, thế có thảm không?

Tài liệu tham khảo

1. Nho giáo, chương Mạnh Tử – Trần Trọng Kim.

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *