Đi săn

Một hôm Trang Chu dạo chơi trong vườn ở Điêu Lăng, thấy một con chim khách kỳ lạ ở phương Nam bay lại, cánh rộng bẩy thước, mắt tròn một tấc, bay sát trán Trang Chu rồi đậu ở một cây giẻ.

Trang Chu tự hỏi: “Loài chim nào đây? Cánh lớn như vậy mà không bay đi chỗ khác, mắt lớn như vậy mà không thấy gì cả. Ông bèn vén áo tiến nhanh lại, giương cung nhắm thì thấy một con ve đương hưởng bóng mát mà quên thân nó đi (không để ý chung quanh) và một con bọ ngựa núp sau một cái lá, rình bắt con ve mà quên chính thân nó đi; còn con chim khách kì dị kia thì muốn thừa cơ vồ mồi, tham lợi mà quên tính mạng.

Trang tử kinh hoàng, bảo: “Ôi! Vật vẫn làm hại lẫn nhau, mưu hại vật khác mà khiến vật khác nữa lại mưu hại chính mình”.

Rồi ông liệng cây cung, trở về nhà, người coi vườn (tưởng ông là kẻ trộm) đuổi theo mắng ông.

Về nhà, Trang tử ba ngày không vui. Một môn đệ tên là Lận Thư lấy làm lạ hỏi:

– Sao mấy ngày rồi thầy không được vui?

Trang tử đáp:

– Ta giữ cái hình hài của ta mà quên cái chân thân, nhìn dòng nước đục mà quên cái vực trong. Vả lại ta nghe thầy ta dạy rằng: “Vô miền nào thì theo tục lệ miền đó”. Khi dạo chơi ở Điêu Lăng, ta quên mất thân ta, cũng như con chim khách kì dị kia bay sát trán ta để lại cây giẻ mà quên mất thân nó. Người giữ vườn tưởng ta ăn trộm giẻ. Vì vậy mà ta không vui.

(Trang tử, chương XX Cây trong núi – Nguyễn Hiến Lê)

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *