Hà tiện

Giàu thì ba bữa khó thì hai,

Lần đổi cho qua tháng thiếu đầy.

Nón đổi lá ngoài quần đổi ống,

Dép thay da mặt, túi thay quai.

Dặn vợ có cá đừng gắp mắm,

Bảo con bớt gạo bỏ thêm khoai.

Thế gian mặc kẻ cười hà tiện,

Ta chẳng phiền ai chẳng lụy ai.

Tác giả: Quan Thượng thư Nguyễn Minh Triết

Nhớ hồi mới đi làm, tiền lương hợp đồng không đủ ăn sáng và đổ xăng xe. Ngày hai bữa ăn, rồi việc hiếu, việc hỷ, việc trong, việc ngoài… đều phải nhờ gia đình trợ cấp thêm. Thậm trí, hồi cha còn sống, ông rặn bác hàng xóm bán bánh mỳ và chè đỗ đen ở đầu ngõ “bác cứ cho cháu nó ăn thoải mái, cuối tháng em sẽ trả tiền…”. Thi thoảng thấy ông bảo mượn xe máy của mình đi có việc. Khi ông về, bình xăng đã được đổ đầy.

Nhà không nghèo, nhưng tính mình tiết kiệm. Phần để hạn chế việc chi tiêu, phần không muốn nói là đi làm, mà vẫn ăn bám gia đình, nên hôm thì mình nghêu ngao trên chiếc xe đạp, bữa lững thững vừa đi vừa ngắm cảnh đường phố, thi thoảng có việc đi lại nhiều mới đi làm bằng xe máy. Quần áo may những vải dày để lâu sờn mông, ít bị rách. Dép làm đôi nhựa tiền phong, đôi năm mới phải thay một lần. Có lần đôi dép đứt cả hai quai, u định bỏ đi, mình tiếc, hàn lại rồi đi tiếp…

Có lần u nhắc “trông anh nhếch nhác quá, chẳng giống cán bộ gì cả”. Mấy bác hàng xóm vui tính hay trêu, người nói mình giản dị, người nói liêm khiết, người nói… anh hà tiện. Biết các bác nói cho vui, nên mỗi lần như vậy mình chỉ cười trừ, rồi đem bài thơ này ra đọc. Đọc xong còn kể cho các bác nghe về vị quan thanh liêm một thời. Các bác nghe xong cũng cười trừ rồi nói “chúng tôi chịu thua anh rồi…”.

Giờ lương có khá hơn, nhưng mình vẫn giữ phong cách ấy. Vợ thi thoảng  phàn nàn, đồng nghiệp cũng góp ý. Nhưng phần vì quen, phần vì sống như vậy mình thấy thoải mái và ít lụy phiền.

Mình không nhớ rõ là biết bài thơ này từ khi nào, nhưng mỗi khi nhắc đến việc tiết kiệm, hà tiện hay đôi khi gặp phải những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống, mình lại ngẫm về bài thơ và về cuộc đời cụ quan Thượng thư.

Thấy bài thơ có nhiều ý nghĩa, mình viết ra đây và tổng hợp thêm một số thông tin về cụ quan Thượng thư để mọi người cùng biết.

***

Nguyễn Minh Triết (1578 – 1673) là đại thần nhà Lê Trung Hưng trong lịch sử Việt Nam. Ông người làng Dược Sơn, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ông là cháu của tiến sĩ Nguyễn Minh Thiện đời Mạc.

Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng là người học giỏi, nhưng thi cử lận đận nhiều lần chưa đỗ. Mãi tới năm 1631, niên hiệu Long Đức đời Lê Thần Tông, khi đã 54 tuổi ông mới thi đỗ Thám hoa. Khoa đó thi Hội và thi Đình, ông đều đỗ đầu. Triều đình cho ông làm Huyện doãn huyện An Lão.

Đến niên hiệu Vĩnh Thọ (1658 – 1661) đời Lê Thần Tông, trong phủ chúa Trịnh có việc kinh sách. Bá quan thấy ông là người già cả thông thạo sách vở, bèn đề cử ông làm việc bưng kinh sách. Khi đó ông đã ngoài 80 tuổi.

Ít lâu sau ông được thăng làm Thượng thư Bộ Binh, tước Cẩn quận công. Sau đó ông về hưu nhưng tinh thần vẫn khỏe mạnh. Mỗi khi triều đình có lễ lớn, ông lại được mời vào triều. Là người học rộng biết nhiều, đương thời ông được mọi người suy tôn.

Năm 1673 đời Lê Gia Tông, Nguyễn Minh Triết qua đời, thọ 96 tuổi. Ông được triều đình truy tặng là Thượng thư Bộ Hộ, tên thụy là Văn Đẩu.

Giai thoại kể rằng Nguyễn Minh Triết học giỏi nhưng thi cử lận đận. Một hôm ông nằm mộng thấy mình gặp một vị thần nói rằng: “Đến già cũng chưa thành thân”. Ông giận nói với thần: “Ta thử cố sức xem thần làm gì nổi ta!. Cuối cùng ông vẫn thành sự nghiệp mặc dù tuổi đã khá cao./.

Đ.Đ.D

Tham khảo:

1. Nguyễn Minh Triết (quan nhà Lê) – Wikipedia tiếng Việt.

2. Phan Huy Chú (2008), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Nhà xuất bản giáo dục.

3. Trần Trung Viên, Văn đàn bảo giám (quyển 1). Nhà in Trịnh Văn Bích, Hà Nội, 1929.

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *