(Pháp thoại của Thiền sư Thích Nhất Hạnh)
Kính thưa đại chúng,
Hôm nay là ngày 13 tháng 2 năm 2011, chúng ta đang ở tại chùa Từ Nghiêm xóm Mới, Làng Mai, trong mùa an cư kiết đông.
Chúng ta đang ngồi đây, ở một ngôi làng nhỏ của miền Nam nước Pháp. Chúng ta tới đây để làm gì? Ngồi đây chúng ta hãy phóng tâm, lấy con mắt của tâm mà nhìn người đó. Người đó không ở đây, người đó ở xa, có thể ở Á châu, Mỹ châu hay Phi châu. Người đó hiện bây giờ đang làm gì? Người đó là người mà ta thương hay ta ghét? Người đó hiện đang ở đâu và giờ này đang làm gì? Hãy lấy con mắt của tâm thức mà nhìn! Người đó đang thức, đang ngủ hay đang làm gì?
Nếu chúng ta biết ngồi yên và nhìn người đó từ xa, chúng ta có cơ hội thấy người đó rõ hơn. Ta ngồi yên một lúc và nhìn người đó đang lui hui, cắm cúi làm một việc gì ở một góc nào đó. Chỉ cần ngồi và nhìn bằng tâm thức của ta thì chỉ trong năm hay mười phút, ta đã cảm thấy niềm thương trong mình trào lên. Tội nghiệp cho người đó, ngày xưa có lúc ta đã từng giận hờn, trách móc và nói những lời nặng nề với người đó. Bây giờ ngồi đây một mình, ở một vùng rất xa, ta có cơ hội nhìn lại. Và nhờ ở xa cho nên ta thấy rất rõ.
Nhiều khi chúng ta phải đi rất xa mới thấy được cái mà chúng ta muốn thấy. Đôi khi ở sát một bên, chung đụng hàng ngày, trong mỗi giờ mỗi phút nhưng ta không thấy. Đợi cho đến khi ta đi rất xa, xa cách tưởng như không còn có cơ hội gặp lại nhau thì lúc ấy ta mới bắt đầu thấy được người đó và bắt đầu cảm thấy tội nghiệp, tội nghiệp cho người đó và cho chính mình. Vì mình đã không biết hành xử, không biết trân quý.
Đứng từ trên cao nhìn xuống
Ngày xưa khi đọc truyện của Hans Andersen, có một chuyện mà thầy rất thích. Đó là chuyện có hai đứa nhỏ đứng trên sân thượng của một nhà lầu rất cao nhìn xuống. Bên dưới có một đám con nít đang chơi với nhau. Có một con chó vừa mới chết nên bọn trẻ bàn với nhau là sẽ chôn con chó. Sau khi chôn xong, chúng đắp cho con chó một nấm mồ và chơi với nhau rất vui.
Chúng đắp mồ cho con chó đẹp quá mà không cho bọn con nít ở xóm thấy thì uổng, cho nên bọn trẻ mới tổ chức một buổi viếng thăm mồ của con chó. Chúng báo tin cho tất cả trẻ con trong xóm. Đứa nào muốn vào thăm thì phải có vé, nghĩa là phải có một cái nút, nút áo hay nút quần gì cũng được nhưng phải nạp vô. Con nít có nhiều đứa mặc quần treo, nó giật bớt nút bên này, vì còn cái nút bên kia cho nên cái quần không bị tụt xuống. Có đứa thì có năm, sáu cái nút trên áo nên giật bớt một cái cũng không sao. Đứa nào cũng rất muốn vào xem cái mồ của con chó. Thấy những đứa khác vô hết rồi mà mình chưa được vô cho nên dù nút áo hay nút quần thì chúng đều giật ra để làm vé đi vào.
Khi bọn trẻ đều đã vào bên trong để thăm quan mộ của con chó, có một bé gái rất nhỏ và nghèo ở bên ngoài, nó không được vào vì nó không có cái nút nào hết. Áo quần của nó rất tơi tả, vì vậy theo luật thì không được vô. Tất cả bọn con nít đều được vô thăm mộ con chó, còn nó thì phải đứng ở bên ngoài nên nó khóc than, đau khổ. Nó khóc như mưa như gió. Nó là đứa con nít duy nhất trong xóm không được đi vào vì không có cái nút.
Đứng từ trên sân thượng của tòa nhà là hai anh em, chúng thấy tất cả những gì xảy ra từ đầu đến cuối. Đứa em nói: Đứng từ trên cao nhìn xuống, mình thấy nỗi khổ niềm đau đó đâu có lớn lao gì, không có cái nút đi vào mà khóc như mưa như gió. Nỗi khổ niềm đau đó đâu có đáng gì đâu! Vậy mà đứa trẻ ở phía dưới đâu hề biết. Đứng từ trên cao nhìn xuống, mình có cái thấy rất khác về khổ đau của chính mình cũng như của người khác. Thầy không nhớ từng câu từng chữ, nhưng ý là như vậy. Truyện đó rất hay, chỉ khoảng một trang hay một trang rưỡi thôi mà thầy nhớ hoài.
Trên đường lên nguyệt cầu
Lần đầu tiên loài người tổ chức một chuyến đi rất xa, đi lên mặt trăng. Apollo 11 là tên của đoàn thám hiểm đó. Tốn không biết bao nhiêu công sức, tiền bạc để gửi các phi hành gia lần đầu tiên lên mặt trăng.
Khi phi thuyền bay ra ngoài bầu khí quyển, các phi hành gia đã chụp được những hình ảnh của trái đất lần đầu tiên trong lịch sử. Ngày xưa, thầy đã viết một bài thơ (về sự kiện này) có tên An tịnh tâm hành:
Trên đường lên nguyệt cầu
Quay nhìn lại
Tôi thấy em
Và tôi không ngừng kinh ngạc:
Em xinh đẹp quá chừng
Em là một chiếc bong bóng nước
Nổi trên biển không gian mông mênh
Em là đại địa
Em là hành tinh xanh
Hiển nhiên và mầu nhiệm
Nhưng rất đỗi mong manh.
Earthrise, 1968, William Anders
Nguồn hình ảnh: https://www.nasa.gov/image-feature/apollo-8-earthrise.
Đi ra ngoài không gian, nhìn lại mới thấy hành tinh của chúng ta thật đẹp. Trong Thái Dương hệ và trong vũ trụ này chưa bao giờ thấy một cái gì đẹp và mong manh như vậy. Khi các phi hành gia lên tới mặt trăng và đi trên mặt trăng thì thấy mặt trăng rất khác, không có sự sống. Ban đêm trên mặt trăng, sở dĩ thấy đường được là nhờ ánh sáng của mặt trời phản chiếu bởi trái đất. Đứng ở dưới đất thì ta thấy trăng lên, còn ở trên mặt trăng, ta thấy trái đất đang lên. Trái đất nổi lên, không phải màu vàng mà xanh xanh trắng trắng, rất đẹp. Những hình ảnh đó đã được gửi về trái đất.
Các phi hành gia của Apollo 11 đều có cảm xúc rất sâu sắc khi nhìn lại những hình ảnh của trái đất. Các anh mô tả không gian trên mặt trăng lạnh lùng và khắc nghiệt vô cùng. Màu đen ở trên đó rất đen, ở dưới đất chưa bao giờ thấy màu đen như vậy. Dầu ở dưới đất có những đêm đen kịt, nhưng cái đen vẫn rất linh động, có sức nóng, có âm thanh và mùi hương. Còn màu đen trên mặt trăng rất lạnh lùng, đen tuyệt đối. Tuy là có vầng thái dương soi chiếu, nhưng không thấy được gì. Tại vì vũ trụ trên đó trống rỗng, ánh sáng phải chạm vào một cái gì đó thì mình mới thấy nó, còn ánh sáng đi trong khoảng không thì mình không thấy có ánh sáng. Trên mặt trăng không có màu xanh mà mình thấy mỗi khi ngửa mặt lên trời. Nhờ có bầu khí quyển và ánh sáng mặt trời chiếu lên đó nên mình mới thấy màu xanh của bầu trời. Khi đi ra ngoài khí quyển thì không còn màu xanh đó nữa, nó đen tuyệt đối, đen lạnh lùng.
Nhìn thấy trái đất, một niềm cảm thương lớn trào ra trong trái tim của các phi hành gia. Mấy tỷ người trên trái đất đang làm gì? Họ đang ăn, ngủ, làm việc, chọc nhau giận, đánh và giết nhau hay tranh nhau từng tấc đất. Rất tội nghiệp. Người da trắng chống người da đen, người da đen chống người da trắng, người miền Bắc chống người miền Nam, người miền Nam chống người miền Bắc… Khi ngồi ở một điểm rất xa và nhìn lại, ta có cái thấy rất khác. Ta thấy loài người chúng ta đang rất điên rồ và dại dội. Chúng ta có một hành tinh xinh đẹp và mầu nhiệm, vậy mà chúng ta đang làm cho nó tan nát.
Một phi hành gia không gian, khi về lại trái đất đã nói: khi đi, chúng tôi đi với tư cách những nhà chuyên môn, nhưng khi trở về, chúng tôi là những con người thật sự (“We went to the moon as technicians; we returned as humanitarians”). Chúng ta cần có một chuyến đi như vậy để thấy rõ mình là ai, hành tinh của mình quý giá đến thế nào, để thấy rằng chúng ta quá dại dột. Chúng ta ở trong đó mà không biết cái đó là cái gì, không trân quý nó và để cho nó mất đi.
Đối với sự sống cũng vậy. Mỗi người chúng ta đều đang có sự sống, nhưng chúng ta không biết trân quý sự sống. Chúng ta để thì giờ qua đi một cách dại dột và oan uổng. Chúng ta tiêu phí thì giờ và sự sống giống như lấy tờ 100 đô-la đem đốt. Đốt hết tờ này đến tờ khác. Chúng ta làm khổ nhau và đi tìm những cái chúng ta cho là hạnh phúc, trong khi đó chúng ta chất chứa khổ đau và tạo ra khổ đau cho nhau. Điều đó đang xảy ra bây giờ, ở đây, vậy mà chúng ta không thấy. Nhiều khi phải đi rất xa để nhìn lại, chúng ta mới thấy thiên đường chính là nơi chúng ta đang sống.
Các phi hành gia nói rằng trăng sao rất đẹp, nhưng rất lạnh lùng. Đó không phải là chỗ của mình. Chỉ có hành tinh nhỏ xíu, xanh xanh trắng trắng đó mới là nhà của mình, là nơi đón chào mình thôi. Chúng ta đang ở trong nhà, nhưng ta không biết trân quý ngôi nhà của mình, không biết trân quý thời gian chúng ta đang được ở nhà. Vì vậy những bức hình mà các phi hành gia gửi về là những tiếng chuông chánh niệm. Nhìn vào những bức hình ấy cũng giống như nghe một tiếng chuông, mình phải thức dậy. Thức dậy để thấy, để hiểu, để thương và để trân quý.
Con mắt của thế gian
Số lượng các phi hành gia có cơ hội đi ra ngoài trái đất chỉ có mấy trăm người thôi. Nhưng đó là anh em, là đại diện của chúng ta. Những người ấy đi ra ngoài nhìn và báo cáo lại cho chúng ta biết. Cũng như cơ thể của chúng ta nặng mấy chục ký, trong khi đó con mắt chỉ có mấy chục gram, nhưng con mắt thấy và báo cáo lại cho toàn bộ cơ thể biết. Mình đã có con mắt, đó là những phi hành gia đầu tiên bay ra khỏi quỹ đạo trái đất để lên mặt trăng. Họ biết rằng chuyến đi rất nguy hiểm, có thể đi và không bao giờ trở về nữa. Đi như vậy không phải là đi cho một mình họ mà đi cho cả nhân loại. Nhân loại cần có những bước tiến, cho nên cần có những người hy sinh đi trước. Các phi hành gia cũng có vợ con, họ biết những hiểm nguy đang chờ đợi mình. Một phi hành gia được hỏi: Hồi đêm anh có ngủ được không? Anh trả lời: Có, tôi có ngủ! Anh có uống thuốc ngủ không? Anh trả lời: Không! Tôi không uống thuốc ngủ, nhưng tôi có những cơn ác mộng rất khủng khiếp. Tại vì anh biết rằng ngày bước lên phi thuyền đó, có thể anh sẽ không bao giờ trở lại.
Những phi hành gia là con mắt của mình gửi ra ngoài không gian để nhìn cho mình. Khi con mắt báo cáo về, mình có nghe, có thấy không? Chúng ta cần giáo dục con cái chúng ta như thế nào để thấy được sự quý giá của hành tinh này, của sự sống, cũng như sự quý giá khi ta có cơ hội được sinh ra, lớn lên, bước đi và thở trên hành tinh này. Đó là giác ngộ. Thấy được rồi thì bước một bước là hạnh phúc, nói ra một lời là hạnh phúc. Mình chạm tới đất Mẹ thì bước chân của mình đầy thương yêu, mình nói ra một lời thì lời nói đó đầy thương yêu. Cái thấy đó làm thay đổi con người của mình.
Đức Thế Tôn cũng là con mắt của chúng ta. Ngài không cần du hành ra ngoài không gian, mà chỉ ngồi dưới cội Bồ Đề. Nhưng với con mắt của tâm, Ngài đã thấy được và báo cáo cho chúng ta biết rằng có một thế giới của tự do. Đó là niết bàn. Và có một con đường đi tới tự do, đó là con đường của Bát chánh đạo. Ngày xưa có nhiều vị đệ tử đã xưng tán Ngài là con mắt của thế gian. Các phi hành gia cũng đi theo con đường đó. Họ tình nguyện làm con mắt, tình nguyện nhìn cho ta và truyền cho ta cái thấy. Chúng ta có thấy hay không? Biết bao tiếng chuông đã được thỉnh lên, biết bao hình ảnh đã được gửi về, nhưng chúng ta vẫn sống trong ngủ mê, tiếp tục làm khổ nhau và tiếp tục làm hư hoại trái đất – tác phẩm có một không hai này của vũ trụ. Nếu quý vị là cha mẹ, là cô giáo, thầy giáo, là anh, là chị, quý vị phải có cái thấy đó và truyền lại cho con cháu chúng ta. Chúng ta phải thức dậy đi thôi, nếu không thì quá trễ! Đạo Bụt được gọi là đạo tỉnh thức. Tỉnh thức nghĩa là như vậy.
Theo langmai.org