GS. Hồ Ngọc Đại: Đưa Trẻ Em Trở Thành Chính Mình

NĐT: Thưa Thầy, cuộc trò chuyện này diễn ra vào lúc mà những ồn ào xoay quanh Thầy và chương trình Công nghệ giáo dục của Thầy đã lắng xuống. Tôi nghĩ đây là lúc thật thuận lợi, bình tĩnh hơn để nhìn lại câu chuyện của Thầy. Và thú thực, tôi càng tò mò hơn về Thầy, mặc dù đã đọc nhẵn các bài báo có sự xuất hiện của Thầy. Thưa thầy, tại sao một Tiến sĩ ngành Tâm lý học ở Liên Xô về lại rẽ thế nào mà trở thành ông thầy giáo Hồ Ngọc Đại?

GS. Hồ Ngọc Đại: Thực ra, trước khi đi học ở Liên Xô, tôi có hơn 10 năm làm thầy giáo dạy toán ở Hải Phòng. Và vì là thầy giáo mà tôi học tâm lý học.

Hồi đó, có phong trào dạy mẫu, một lần tôi được chọn dạy thao diễn cho giáo viên toàn thành phố. Các thầy cô giáo ngồi ở dưới, tôi và học sinh của mình ở trên sân khấu.

Theo giáo án, tôi có 15 phút đầu để kiềm tra bài cũ. Gọi một em học sinh lên kiểm tra, tôi hỏi câu đầu thì cậu đó tắc, tôi lại hỏi cả lớp, cả lớp cùng sửa sai. Tôi lại hỏi câu thứ hai, cậu ấy lại không làm được, cả lớp lại chỉ dẫn, cậu ấy lại làm được. Hỏi đến câu thứ ba, cậu ấy lại tiếp tục tắc, không làm được… Cứ như thế thì hết giờ luôn, tôi giải tán lớp.

Cả hội trường lúc đó nhao nhao, thắc mắc, có người cho tôi là vô kỷ luật, coi thường anh em, nhưng cũng có người cho rằng tôi phải có cái lý nào đó mới làm thế.

Có người đến hỏi tôi, tôi trả lời rằng được chọn thao giảng là một vinh dự cho tôi, nhưng khi kiểm tra bài cũ, thấy học sinh thiếu hụt kiến thức thì tôi phải dành thời gian để củng cố lại kiến thức, thay vì dạy bài mới như quy định. Tôi thà bị mang tiếng là vô kỷ luật còn hơn là cố dạy mà không “vá” được những kiến thức bị thủng của học sinh.

Sau vụ đó, tôi gặp anh Đặng Nghiêm Vạn (sau này là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dân tộc học) – một người vừa là thầy vừa là bạn, tôi nói: Anh Vạn ơi, em được chọn làm giáo viên giỏi toàn thành, nhưng thật ra em không giỏi, nhưng em muốn giỏi thật. Vậy phải làm thế nào?

Anh Vạn bảo: Nếu cậu có gan để giỏi thật thì học Tâm lý học.

Sau buổi trò chuyện đó, tôi quyết định cắp sách sang Liên Xô đi học Tâm lý học, và đây là một trong những quyết định đúng đắn của cuộc đời tôi.

NĐT: Không quá nếu nói rằng đó là một cuộc trò chuyện đã làm thay đổi nghề nghiệp của ông giáo Hồ Ngọc Đại bấy giờ. Vậy, Thầy nhận được gì trong suốt 8 năm làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô để khẳng định đó là quyết định đúng đắn?

GS. Hồ Ngọc Đại: Tôi sang Liên Xô, tôi mới nhận ra được thế nào Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Và một điều nữa là tôi học về triết học.

Vào cái Tết đầu tiên khi mới sang Liên Xô năm 1969, thầy của tôi là Davydov (Vasily Vasilovich Davydov, nhà tâm lí học, lãnh đạo Viện tâm lí của Học viện giáo dục Nga) mời tôi đến bữa tiệc mừng năm mới. Ngay khi tôi bước vào cửa, ông thầy đã giới thiệu với mọi người rằng: Xin giới thiệu với các bạn, đây là anh bạn rất đáng thương từ Việt Nam đến, cái mà chúng ta chứng minh là sắp sụp đổ thì anh ta sang học. Tôi hoàn toàn bất ngờ vì câu nói đó, bởi vì Liên Xô vĩ đại như thế mà sao lại sụp đổ được.

Ngồi xuống, tôi mới nhận ra rằng toàn những nhà bác học lớn nhất của Liên Xô thời bấy giờ. Một triết gia lỗi lạc ngồi cạnh và bảo tôi: “Anh Đại này, anh sang Liên Xô học với Davydov là đúng rồi. Nhưng nếu anh muốn có trách nhiệm với đất nước anh thì anh phải có thêm triết học.”

Đáp lại, tôi hỏi ngay: Tôi muốn có trách nhiệm với đất nước, vậy làm thế nào để có được thêm triết học?

Và ông ấy trả lời tôi: Nếu muốn có triết học anh chỉ cần đọc 4 tác giả kinh điển nhất của nền triết học thế giới: Marx, Hegel, Kant, Platon.

Rồi ông ấy lại khuyên tôi thế này mới hay: Gặp ai đọc nấy, gặp gì đọc nấy, đọc không hiểu thì giở trang khác, đừng bực tức bởi vì mới đọc triết thì bao giờ cũng không hiểu được, nhưng mà hãy cứ đọc.

Tôi đọc theo cách của ông ấy, càng đọc càng thấy rất hay tất nhiên cũng có chỗ mình hiểu, có chỗ mình không hiểu nhưng tôi không lấy làm bực tức. Qua thời gian đó, khoảng 1-2 năm sau, tôi có nhu cầu đọc hệ thống và bài bản hơn, trong đó tôi đọc kỹ nhất về Marx. Càng đọc tôi càng thấy được sự vĩ đại của Marx, Marx có hệ thống lý lẽ vững chắc và khách quan. Nhờ có những tư tưởng của nhà triết học đó đã giúp tôi có những triết lý giáo dục của mình.

NĐT: Vậy triết lý giáo dục của Thầy là gì?

GS. Hồ Ngọc Đại: Giáo dục là một vấn đề vừa lý luận mà vừa thực tiễn, nó có liên quan đến hàng triệu người. Và tôi cũng đã nói về giáo dục hàng chục năm nay chứ không phải gần đây mới nói, như những thứ ồn ào của dư luận.

Vấn đề giáo dục có 3 nhân tố, đó là lịch sử, triết học và nghiệp vụ sư phạm. Do đó, mỗi một giai đoạn lịch sử sẽ có cách định nghĩa khác nhau về giáo dục. Từ những năm 1970, tôi đã nhận thấy sự thay đổi về nhận thức của thế hệ thanh niên, đến năm 80 bắt đầu lộ rõ, 90 càng bộc lộ ra những cái mới. Và trẻ em thế kỷ XXI đã có những nhận thức và tư duy mới mà các thế hệ trước chưa có, khác hẳn với ông bà bố mẹ của chúng. Một thế hệ chưa hề có trong lịch sử rất cần có một nền giáo dục mới, chưa hề có, chính là căn bản và toàn diện.

Mỗi xã hội đều có triết lý sống của mình, là gốc rễ của mọi vấn đề. Một nền giáo dục cũng được xây dựng theo triết lý đó. Ông Tổ của giáo dục phương Đông là Khổng Tử, với khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, “lễ” ở đây là sự phục tùng, nhưng phục tùng ở xã hội nào là đúng, ở xã hội nào là sai. Thời Khổng Tử, cả nước phục tùng một ông Vua, cả nhà phục tùng người cha, cả trường phục tùng người thầy.

Nhưng thời cuộc ngày nay, nền giáo dục đúng ra là phải dạy cho các cá nhân, thay cho triết lý phục tùng của Khổng Tử. Chúng ta đừng sợ hãi “cái bóng” của Khổng Tử.

Nếu Khổng Tử trung thành với xã hội của ông ấy, thì tôi trung thành với xã hội của tôi. Và tôi đã đưa ra khẩu hiệu “Mỗi cá nhân học tập để trở thành chính mình, để xứng đáng với chính mình”. Bởi thực sự trong cuộc sống, không ai giống ai, mà cứ phải noi gương, phấn đấu được như người này, người khác là làm khổ cá nhân. Hãy để cho mỗi cá nhân trở thành chính mình và xứng đáng với chính mình. Vì là phạm trù cá nhân nên mọi người đều có quyền như nhau nhưng quan hệ với nhau trên cơ sở hợp tác, phân công.

Thế nên trong xã hội của tôi, tôi nêu khẩu hiệu hợp tác. Đó là hợp tác giữa các nước, hợp tác giữa các giai cấp, hợp tác giữa các cá nhân. Trong giáo dục là hợp tác giữa thầy với trò, trò với trò, nhà trường với gia đình và xã hội. Và đã là hợp tác thì ai cũng vì lợi ích của mình, nhưng đây là lợi ích cốt lõi của cuộc sống. Lợi ích lớn nhất của chúng ta là sống như thế nào, lợi ích thứ hai là sống như thế nào cho tốt hơn.

Và trong hoàn cảnh đó, cách dạy của tôi là dành cho các cá nhân. Theo đó, mỗi cá nhân phải tự làm lấy mọi việc để trở thành chính mình, xứng đáng với chính mình. Ai làm nhiều thì có giá trị nhiều, làm ít có giá trị ít. Muốn vậy, mỗi cá nhân phải tự học, tự làm. Thầy giáo giao việc, học trò làm việc để tự tạo ra sản phẩm cho chính mình. Mỗi sản phẩm học trò làm ra chính là xác thực cá nhân. Trong xã hội hiện đại, chúng ta phải thừa nhận những cái mang dấu ấn cá nhân.

NĐT: Sự nhấn mạnh tính cá nhân trong triết lý giáo dục của Thầy có lẽ va chạm nhiều tính cộng đồng, tính tập thể mà vốn dĩ xã hội phương Đông rất coi trọng?

GS. Hồ Ngọc Đại: Tính cá nhân phải hiểu là tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân và lấy người học làm trung tâm. Điều đó có nghĩa là lợi ích cơ bản của nhà trường là lợi ích của học sinh, nghe lời thầy giáo nghĩa là nghe các sự việc thông qua lời của thầy, chứ không phải “nghe lời”. Bởi một trong những hành vi tàn bạo nhất là bắt trẻ con “Vâng lời người lớn”.

Giáo dục không được coi trẻ em là nguồn thu, không được coi trẻ em là nguồn sống. Mà phải coi, trẻ em là lý tưởng, trẻ em là mục đích, trẻ em là sự nghiệp của mình, là lợi ích của đất nước.

Thời kỳ trước kia quan trọng nhất là ông Vua thì thời nay quan trọng nhất là đứa trẻ. Vì có đứa trẻ nên mới mở trường, mở trường mới có thầy giáo, có thầy giáo mới có hiệu trưởng, có Phòng Giáo dục, có Sở Giáo dục, có ông Giám đốc, có ông Bộ trưởng.

NĐT: Thầy đưa ra khẩu hiệu “mỗi cá nhân học tập để trở thành chính mình”, nhưng liệu một đứa trẻ có thực sự biết mình là ai để trở thành hay không?

GS. Hồ Ngọc Đại: Sự thật, mục đích của nền giáo dục phải là đào tạo mỗi người trở thành chính họ. Người lớn sẽ là người định hướng dựa trên một lý thuyết mới, thực tiễn mới. Điều này tôi đã đưa vào trường Thực nghiệm.

Chúng tôi đưa ra khẩu hiệu đi học là hạnh phúc, mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui. Tại sao vui vì hợp với các em nên vui. Ở trường của tôi học sinh muốn gì phải tự làm lấy.

Tôi đưa ra khẩu hiệu “Mỗi cá nhân học tập để trở thành chính mình, để xứng đáng với chính mình”, nhiều người cho là ảo tưởng. Họ cho rằng học hay làm công việc gì cũng cần phải cố gắng. Nhưng không phải thế. Khi trẻ em làm điều gì đó một cách tự nhiên sẽ rất say sưa, háo hức. Còn khi cố gắng, ra sức làm do bị cưỡng ép thì chúng không hào hứng, mất đi sự sáng tạo, nhiều khi chúng làm như một cái máy đã được hướng dẫn, sắp đặt sẵn.

NĐT: Vậy chúng ta phải tìm kiếm thế nào về một nền giáo dục mới?

GS. Hồ Ngọc Đại: Trẻ con hiện đại là nhân vật lần đầu tiên xuất hiện và cần một nền giáo dục của riêng các em, của chính các em. Không bắt chước, lai tạp theo ai mà học tập vì chính mình.

Nền giáo dục của chính học sinh nghĩa là nếu trẻ em chấp nhận thì may ra nền giáo dục đó đúng, còn nếu trẻ em không chấp nhận thì dứt khoát là nền giáo dục sai.

Chấp nhận ở đây là việc các em tiếp thu, các em hạnh phúc, sống cho chính các em, lấy lợi ích của các em làm mục tiêu, mục đích chứ không phải lợi ích của người lớn, hay của một ai. Và lợi ích của các em là được trở thành chính các em chứ không phải là một ai khác.

NĐT: Nhưng rồi mỗi cá nhân đều là một phiên bản khác biệt, vậy thì làm sao để tạo lập môi trường giáo dục mà ai cũng cảm thấy vui?

GS. Hồ Ngọc Đại: Cái cốt ở sự tôn trọng. Anh tôn trọng anh, anh tôn trọng cái vui của mình thì anh cũng phải tôn trọng người khác, tôn trọng cái vui của người khác, chứ không thể lấy cái vui của anh làm chuẩn được.

NĐT: Thầy vừa nói về nền giáo dục đúng nghĩa là nền giáo dục được trẻ em chấp nhận. Hỏi vui thế này, thế nếu có học sinh ở trường Thực nghiệm không thích học, không muốn đi học thì Thầy làm như thế nào?

GS. Hồ Ngọc Đại: Tôi ủng hộ chứ. Sai lầm người lớn, phải tìm lý do gì khiến học sinh nó không muốn học, chứ không phải lỗi của nó.

NĐT: Thầy nói những điều của nền giáo dục cần hướng tới trong đó không ít thứ được xã hội thừa nhận, nhưng tại sao mà việc biến nền giáo dục đó thành hiện thực lại khó khăn đến thế.

GS. Hồ Ngọc Đại: Có một lần ông Đỗ Mười (khi ấy đang là Tổng bí thư) hỏi tôi: “Trong công việc của mình, ai gây khó khăn cho anh nhiều nhất?”.

Tôi trả lời là “Toàn người tốt gây khó khăn cho tôi”.

“Tại sao lại thế?”, ông Đỗ Mười ngạc nhiên.

Tôi trả lời: “Vì những người tốt đó họ tưởng tôi làm sai, để bảo vệ nền giáo dục đương thời nên họ phải chống lại lý thuyết của tôi”. Và thực tế toàn những người lương thiện hoặc nghĩ mình lương thiện hoặc giả vờ lương thiện làm khó cho tôi.

Tôi mở trường Thực nghiệm tức là sẽ có một số người phải chịu đựng để cho những người khác không phải chịu đựng nữa. Nên ý nghĩa thực nghiệm là thử xem có đúng không, đó là lời hỏi đối với trẻ con: Thầy làm thế có đúng không?

Thế nên tôi biết ơn phụ huynh vì dám cho con học Thực nghiệm vì tôi hiểu với họ lợi ích lớn nhất chính là đứa con. Lúc đầu họ chưa quen với cách dạy của tôi, nhưng dần dần phụ huynh cảm thấy có lý. Cái khó khăn khi đưa triết lý giáo dục của mình vào giảng dạy đó là phải thuyết phục được phụ huynh hiểu được cái lý của mình, nắm được triết lý của mình. Và trên thực tiễn con họ phải muốn đi học thật. Con họ thực sự yếu mến thật.

NĐT: Đó là phản ứng của những người khác. Còn tôi đang tò mò hơn về phản ứng của ông cụ (Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn) về những việc làm của Thầy làm nhất là những thứ mà Thầy phá cách lúc bấy giờ. Ông Lê Duẩn có ý kiến gì không?

GS. Hồ Ngọc Đại: Ông chấp nhận.

NĐT: Thầy có phải giải thích những việc mình làm với ông Duẩn để nhận được sự chấp nhận đó không?

GS. Hồ Ngọc Đại: Không. Ông ủng hộ những việc làm của tôi

Tôi có một kỷ niệm về học thuật với ông thế này. Hồi mới về nước, tôi có viết bài báo đầu tiên được đăng trên tờ Tạp chí là cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Việt Nam bấy giờ, nội dung cụ thể tôi không nhớ rõ, nhưng đại ý nói rằng mấy nghìn năm lịch sử, đất nước ta như một con thuyền trôi trên dòng sông, hai bên là rặng tre, bờ lũy che chắn, nên con thuyền ấy cứ thong thả trôi. Giờ con thuyền ấy đã ra đến cửa biển thì sao? Phải cắm thuyền lại hay ra khơi? Nếu ra khơi phải đổi thuyền, đổi lái.

Bấy giờ sau khi báo xuất bản, ông Tố Hữu mang bài báo sang cho ông Lê Duẩn bảo: “Anh xem Đại viết đây này”.

NĐT: Và ông Lê Duẩn phản ứng thế nào?

GS. Hồ Ngọc Đại: Thường thường hai cha con cùng ăn trưa, nhưng hôm nay ba tôi ăn trước rồi dặn: “Đại ăn xong nói chuyện với ba”. Ăn xong tôi lên gặp, ông cầm tờ báo và nói:“Ba đọc rồi”, rồi ông chỉ tôi và bảo một câu khiến tôi ngạc nhiên “Ở cái tuổi này, Mác đã chín chắn lắm rồi”. Và không nói gì hết. (Cười lớn) ông ấy lại so sánh tôi mới Mác hồi trẻ.

Nhưng tôi hiểu ông tôn trọng những suy nghĩ trong bài báo của mình, nhưng với ông, cách tư duy của một người 40 tuổi như tôi lúc đó vẫn còn quá sách vở.

Hồi đấy, có lúc ba tôi “tiên tri” với tôi rằng “sẽ phải mất vài chục năm người ta mới hiểu được cách làm này”. Thời ấy, tuổi trẻ, nghe ông nói phải mất mấy chục năm cho mô hình giáo dục của mình, tôi thấy thật kinh khủng, nhưng đến giờ, suy nghĩ của ông hoàn toàn đúng.

NĐT: Tức là ông Lê Duẩn chia sẻ nhiều quan điểm với Thầy?

GS. Hồ Ngọc Đại: Đúng vậy, tôi với ông thân tình lắm.

Tôi vẫn hay nói thế này: Trong đời, tôi có 3 cái may lớn. Thứ nhất, đó là được học, nghiên cứu ở trường Lômônôxốp, ở đó là tinh hoa của tri thức và ở đó mới dám chấp nhận những điều tôi làm. Thứ hai là làm việc ở Hà Nội, hưởng được văn hoá, trí tuệ Hà Nội và thứ 3 là sống mấy chục năm với ông Lê Duẩn, ông là một nhà chính trị rất thật, rất thông cảm. Với tôi, ba vợ của tôi có ba tư cách, một là người cha, hai là người thầy, ba là người bạn thân tình. Ông có tôi cũng vui, mà tôi có ông cũng hay.

Ông và tôi thống nhất với nhau về nhiều thứ. Phạm trù cá nhân của tôi và tư tưởng làm chủ tập thể của ông về bản chất là giống nhau và cùng gặp nhau ở chỗ ấy. Chỉ tiếc là lúc bấy giờ và thậm chí là cả hiện tại, không mấy người hiểu được cả hai điều đó.

NĐT: Thưa Thầy, tôi có nghe về chuyện lúc bấy giờ Thầy từ chối chức tước, từ chối sự nghiệp chính trị rộng mở để theo đuổi sự nghiệp làm ông thầy dạy học của mình. Lúc bấy giờ, ý ông Lê Duẩn về việc ông theo đuổi sự nghiệp chính trị thế nào?

GS. Hồ Ngọc Đại: Ông tôn trọng những việc tôi làm. Ngay như việc tôi thích làm trường Thực nghiệm thì ông cũng để cho làm chứ ông không vận động tôi làm chính trị. Chứ có lẽ, ở thời kỳ đó, với những gì tôi có, tôi là ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí Bộ trưởng Bộ Giáo dục hay một chức vụ gì đó lúc bấy giờ. Nhưng đất nước cần tôi ở những chỗ khác, tôi có giá trị với đất nước ở những chỗ khác.

Hồi lúc tôi mới về nước, có lúc ông Bùi Thanh Khiết là Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) nói với tôi: Anh Đại ơi, một Tiến sĩ khoa học như anh mà làm một trường nhỏ thì nó phí.

Tôi hỏi lại ngay: Anh quan niệm thế nào là phí?

Ông ấy không nói gì nữa. Rồi đến ông Tố Hữu cũng khuyên tôi.

Một thời gian sau, tôi và ông Lê Duẩn, hai cha con ngồi ăn cơm với nhau, ông nói: Các chú đã nói chuyện với ba rồi. Các chú đầy thiện chí, thật bụng và ba xem ra chuyện này cũng có tiền đồ.

Tôi đáp: Ba quan niệm thế nào là tiền đồ?

Ông im lặng, năm phút sau ông hỏi: Bao nhiêu năm thì Đại có nghề?

Tôi lại hỏi: Ba quan niệm thế nào là nghề?

Ông bảo: Ba con mình đang ngồi đây (phòng ăn), muốn ra khỏi chỗ này thì không phải chỗ sáng sáng kia đâu (cửa sổ), mà chỗ tối tối đằng sau kia (cửa ra vào).” (PV: Chỗ mà người ta nhìn thấy một cách trực quan, nhưng đó chưa chắc là lối ra. Mà lối ra chính là chỗ cánh cửa đang đóng.)

Tôi đáp: Nếu mà nghề như thế, con phải mất 30 năm, ba mất bao nhiêu năm?

Ông bảo: Ba mất 10 năm.

Một thời gian sau, ông Lê Đức Thọ (bấy giờ là Trưởng ban Tổ chức Trung ương) gọi tôi sang gặp trực tiếp, ông Thọ bảo: Mấy chú ấy không hiểu hết ý bác, ba cháu cũng thế. Bây giờ lơ lửng giữa hai kỳ Đại hội, cháu ngồi tạm ghế Thứ trưởng cái đã. Đại hội sắp đến cháu vào Trung ương, rồi sau đó cháu làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục hoặc Thị trưởng Hà Nội, ngồi chỗ nào thì ngồi.

Tôi nói: Cả hai việc đấy, nhiều người, không hàng trăm thì hàng chục người làm giỏi hơn cháu. Nhưng việc của cháu, không mấy ai làm giỏi hơn cháu.

Đến mãi sau này, khi ông Lê Đức Thọ bị bệnh nặng nằm trong Quân y Viện 108 có mấy lần nhắn tôi vào. Hồi đó thanh niên, cứ cuối buổi chiều là đi uống bia, thành ra không vào được. Một buổi tối có người tức tốc đến nói: “Bác Sáu (Lê Đức Thọ) nói anh vào ngay gặp Bác”. Khi tôi vào, ông Lê Đức Thọ đã yếu lắm, ông nắm tay tôi nói: “Bác cả đời làm tổ chức mà không bảo được cháu…” rồi giây lát ông buông tay, rồi qua đời.

NĐT: Nhiều người thích quyền lực thậm chí dành cả đời để theo đuổi nó. Vậy ông Hồ Ngọc Đại không thích quyền lực, có phải thế không Thầy?

GS. Hồ Ngọc Đại: Họ không hiểu. Quyền lực lớn nhất là quyền lực về tri thức. Làm việc của tôi là quyền lực nhất. Tôi có “quyền lực”, nhưng là “quyền lực” khác. (Cười lớn)

Làm nhưng họ không biết, tôi nhìn nhận khác. Trong xã hội này, những vị trí quyền lực khác, nếu làm thì không hàng trăm cũng hàng chục người làm giỏi hơn tôi, nhưng cũng công việc của tôi không mấy ai làm giỏi hơn tôi. Mà họ sẽ không tồn tại lâu như tôi đâu, vì hết nhiệm kỳ là hết.

NĐT: Có một điều có thể dễ cảm nhận ở Thầy đó là sự thẳng thắn. Vậy Thầy có bao giờ nghĩ sự thẳng thắn đó đã cản trở những điều mà Thầy muốn thực hiện hay không?

GS. Hồ Ngọc Đại: Cũng có nhiều người bảo tôi quyết liệt quá, nhưng tôi bảo nó phải như thế, bảo vệ sự thật nó phải quyết liệt như thế, lúc đó không phải tính cá nhân đâu. Người ta không theo tôi, chính người ta mới là kẻ thiệt thòi. Và đằng nào nó cũng sẽ trở thành hiện thực, đó là tất yếu, không thể khác được. Tôi tin là thế, bởi tôi hiểu bản chất của sự vật. Tôi là người giác ngộ đấy (cười lớn).

NĐT: Có một điều tôi suy nghĩ, giá như Thầy lựa chọn làm chính trị, trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục chẳng hạn, thì Thầy có thể làm được nhiều điều hơn, ít nhất là áp dụng mô dụng thực nghiệm của mình rộng rãi hơn mà không cần chờ sự chứng minh của thời gian như Thầy vừa nói. Liệu có phải không, thưa Thầy?

GS. Hồ Ngọc Đại: Không phải đâu. Đó là vấn đề lịch sử và phải dựa vào số đông. Anh phải làm thật cái đã, anh phải thuyết phục dân bằng lợi ích của chính họ, chứ không phải bằng ý chí áp đặt của anh, không phải bằng quyền lực của anh. Thế nên tôi vẫn lựa chọn làm Trường Thực nghiệm. Tôi cần chứng minh sách giáo khoa phải như thế nào, chương trình học phải như thế nào, bố mẹ cần như thế nào, thầy cô giáo phải như thế nào. Tôi phải làm thật.

NĐT: Nhưng một trường Thực nghiệm liệu có quá nhỏ để chứng minh một vấn đề mang tính tất yếu không thưa Thầy?

GS. Hồ Ngọc Đại: Nếu anh làm đúng thì một giọt nước hay cả đại dương cũng như nhau cả thôi.

NĐT: Rất nhiều câu chuyện và hy vọng, chúng tôi – những thế hệ sau có thể chứng kiến được lẽ tất nhiên mà Thầy nói đến. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, xin kính chúc Thầy nhiều sức khỏe, minh triết và tiếp tục cống hiến cho những điều tốt đẹp của cuộc đời.

Thực hiện: Mạnh Quốc – Hoa Trà

Ảnh: Trọng Tùng

Thiết kế: Hoàng Yến

NGUOIDUATIN.VN|

Mẹ Âu Dương Tu: Bậc hiền mẫu sẽ giáo dục nên hiền tài

Chu Tử gia huấn: Ba yếu tố chính để gia đình hưng vượng

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *