Học thuyết Đạo, Đức của Lão Tử

Đạo Đức Kinh chia làm hai quyển, quyển thượng bàn đạo, quyển hạ luận đức với 81 chương. Trong đó viết cảm nhận cả đời của Lão Tử đối với đạo đức, bao gồm cách thức trị quốc, trị gia và trị thân. Hai chữ “đạo đức” là quy tắc chung trong đó cũng là nền tảng của vạn sự vạn vật.

Đạo là thứ ẩn hình. Đức là thứ thể hiện. Đức không thể tách đạo. Đạo càng không thể tách đức. Vô đức thì sẽ vô đạo. Đạo là thể, đức là dụng. Tức là lấy cái có để làm lợi, cái không làm cái dụng.

Đạo là cốt của trời đất, là rễ của vạn vật, nó không có hình cũng không có dạng, bản tính theo tự nhiên. Trời đất vì nó mà sinh, nhật nguyệt vì nó mà chuyển, người, vật vì nó mà thành; không vì thiện ác của người mà thay đổi. Nó là một thứ bất biến ở trong thế giới vạn vật luôn luôn biến đổi.

Đức là thứ Đạo sử dụng, tuy hai mà một. Người có được chữ Đức nhờ Đạo; vật có thứ tự nhờ Đạo, ngược lại tức là làm trái Đạo. Đức và thứ tự đem đến thiên hạ, nếu làm trái ngược thì loạn thiên hạ.

Hài hòa là một trong những điều cơ bản của học thuyết Đạo Đức. Tự nhiên hài hòa, tinh tú rõ ràng, trời yên đất ổn, mưa thuận gió hòa, vạn vật phồn vinh.

Con người hài hòa, thiên hạ thái bình, xã hội vững chắc, đao thương vào kho, ngựa phóng lam sơn. Triều chính hài hòa, trên dưới đồng lòng, bá quan tận chức, thợ thuyền dụng công, sản nghiệp thịnh vượng, dân chúng an nhàn. Gia đình hài hòa, lục thân hòa thuận, vợ chồng liền tâm, gia đạo hưng thịnh, vui hưởng thiên luân.

Cơ thể hài hòa, âm dương cân bằng, mạch tượng ổn định, sức khỏe dồi dào, vui vẻ thoải mái, bảo dưỡng tuổi thọ.

***

Tư tưởng của Đạo Đức Kinh có mười đặc tính lớn, đó là: hư vô, tự nhiên, thanh tịnh, vô vi, thuần tuý, mộc mạc, khiêm tốn, điềm tĩnh, nhu nhược, không tranh. Học thuyết đạo đức nhìn thì có vẻ thâm sâu, ảo diệu khó giải nhưng thực ra vô cùng dễ hiểu, dễ làm. Đạo có tam bảo: Một là Từ, hai là Kiệm, ba là Không dám đứng trước thiên hạ.

Từ tính tự nhiên. Lấy lòng dạ nhân từ để đối xử với vạn sự, vạn vật. Lấy lòng khoan từ cảm hoá vạn vật. Vạn vật thay đổi cũng sẽ khoan từ. Nếu cả thiên hạ khoan từ, dân chúng tự an, quốc gia tự trị. Từ tạo nên hùng mạnh.

Kiệm tính thanh tịnh. Thanh tịnh, yên tịnh không làm ra chuyện ác. Thuận thiên ứng nhân, phù hợp tự nhiên, ban phát vạn vật, vạn vật có lợi. Mỗi người có lợi, Kiệm tạo nên rộng rãi.

Không dám đứng trước thiên hạ là cần biết khiêm tốn, vô trí, vô dục, không tranh với đời, không tự khoe khoang. Đặt mình ra sau, không lấn người trước. Giống như dòng nước, dòng nước không tranh với vạn vật. Ta không tranh, người cũng không tranh và không có thứ gì sánh bằng không tranh. Không dám đứng trước thiên hạ mới được người tuyên dương.

Khi ta làm việc, phải tuân thủ chúng, nghe theo tam bảo. Mọi chuyện đều thành, đạo tự nhiên đắc. Nếu phạm ba tính này, lòng tham sẽ sinh. Tranh cường háo thắng, tranh quyền đoạt lợi, chiếm trước đoạt sau, mất hết nhân từ. Tranh chấp như vậy, thì càng ly đạo. Dù thân không chết nhưng thần đã vong.

***

Muốn trị tâm “thanh tịch vô dục”;

Muốn trị thân “uyên uyên chân nhu”;

Muốn trị thế “tự nhiên, vô vi”;

Muốn trị gia “hợp hoà hành nhất”;

Muốn trị thần “bảo nhất hoàn nguyên”;

Muốn trị vạn vật “Vạn vật đắc nhất vi sinh”.

Trời mất chữ nhất thế gian trong xanh biến thành vẩn đục, vạn vật huỷ diệt tự nhiên không còn. Đất mất chữ nhất núi non sụp lở, sông ngòi ngập lụt, vạn vật từ nay không còn yên ổn. Thiếu mất chữ nhất vạn vật không sinh cũng không lớn lên, âm dương bất thông, bản thân bị tận diệt. Người mất chữ nhất thân hình phân ly, chỉ còn cái vỏ, đần độn ngu dốt, sống mà không bằng chết. Quân mất chữ nhất, muôn dân muốn sống phải tàn hại nhau, các nước phân tranh, thiên hạn sẽ đại loạn.

***

Người sinh ra ở trong thiên địa, là cùng một thể với thiên địa. Thiên địa là vật tự nhiên, đời người cũng chính là vật tự nhiên. Người khi nào sinh ra, khi nào mất, được vinh lộc hay hổ thẹn, là lý của tự nhiên, là đạo của tự nhiên.Người trị thế nên trừ bỏ dục vọng, không được làm bậy, tích tụ tinh lực, hợp nhất trên dưới, không phân sang hèn, dân sẽ tự phục. Không sinh tranh chấp, thiên hạ thái bình, quân dân đồng tâm, tôn đạo quý đức. Như vậy, tức không cần thống trị, không cần giáo hoá. Trị quốc như vậy, thì giang sơn vững chắc, thiên thu muôn đời.

***

Nước đứng đầu thiện, có lợi cho vạn vật mà không tranh. Biển sở dĩ có thể làm vua của trăm sông ngàn suối là do nó giỏi ở chỗ thấp, đó là đức khiêm nhường. Thiên hạ không có gì yếu hơn nước, nhưng lại không có thứ gì mạnh mẽ rắn chắc mà thắng được nó cả, đó là đức nhu. Do đó nhu thắng cương, nhược thắng cường. Vì nước không có hình thái cố định nên xâm nhập dễ dàng vào từng góc cạnh, do vậy có thể thấy vô ngôn chi giáo (giáo hóa không cần nói), vô vi chi ích (lợi ích mà không cần phải làm)”. Nước cũng giống đạo. Đạo ở đâu cũng có, nước chỗ nào cũng lợi. Nên thánh nhân nhìn thời mà làm. Hiền giả tuỳ cơ ứng biến. Trí giả vô vi mà trị. Đạt giả thuận theo ý trời. Không tranh với đời thì thiên hạ không ai tranh với mình. Đây là noi theo tính của nước.

***

Hoạ trong thiên hạ đều là do tư dục. Thiên hạ đại loạn đều là do tranh chấp. Ăn uống đi lại là chuyện thường tình, nhưng cũng là căn nguyên của dục vọng. Dân thường tranh lợi, quan lại tranh quyền, chư hầu tranh đất đều là do tư dục, đương nhiên thiên hạ sẽ loạn. Binh đao là vật không tốt, ai cũng căm gét. Quân mệnh khó mà cãi, thiên mệnh lại càng khó cãi. Binh sĩ cầm kiếm giết người chỉ là bất đắc dĩ thôi. Không thể thấy thắng mà vui. Xảy ra chiến tranh, thi thể khắp nơi, dân chúng lầm than, vốn nên dùng trái tim thương xót. Người sinh ra trong thiên địa, sinh, lão, bệnh, tử vốn dĩ nên tuân theo tự nhiên, càng không thể đi ngược lại nó. Chiến tranh sẽ cướp đi sinh mạng người khác, đó là tà đạo.

***

Cây cao cứng cáp, sinh từ mầm nhỏ. Đài cao chín tầng, xây từ gò thấp. Hành trình ngàn dặm, xuất phát dưới chân. Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên. Thánh nhân không có lòng, xem lòng dân như của mình. Làm khi chưa bắt đầu. Trị khi chưa khởi loạn. Nói nhiều chẳng hết, không bằng thủ đạo.

Tài liệu tham khảo

1. Lão Tử – Nguyễn Hiến Lê

2. Đạo giáo – Trần Trọng Kim

3. Lão Tử tinh hoa – Nguyễn Duy Cần

4. Lão Tử – Wikipedia tiếng Việt

Bạn cũng có thể thích..

1 Bình luận

  1. Tác giả cho em hỏi chữ Nhất trong bài nghĩa là gì. Em chưa hiểu. Vui lòng bổ túc thêm. Em cảm ơn nhiều ạ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *