Học trò của Khổng Tử

Khổng Tử lấy những lời huấn cáo, những tư tưởng và các chế độ của các thành hiền đời trước làm tông chỉ, rồi đem những ý kiến và những sở đắc của Ngài mà dạy bảo các môn đệ. Lối Ngài dạy học là lối truyền miệng. Hễ ai học điều gì không hiểu hay là nghĩ việc gì không ra thì đem hỏi Ngài. Ngài sẽ tuỳ tư chất từng người mà lựa lời ôn hoà chỉ bảo cho. Ai nghe Ngài giảng dụ điều gì thì ghi nhớ lấy để ngẫm nghĩ mà sửa mình, hoặc để ứng dụng ở đời. Lối Ngài dạy như thế cho nên lắm điều như nhân, hiếu, chính, v.v… Ngài nói với mỗi người một khác. Tuy thế, cái chủ đích sự dạy dỗ của Ngài bao giờ cũng lấy đạo nhân mà khiến người ta sửa đổi tâm tính cho thành người quân tử hoàn toàn.

Học trò của Khổng Tử, tương truyền tới ba ngàn, song thường nhật thì có khoảng ba mươi người thường được nhắc đến, trong đó có hai người trong giới quý tộc là Nam Cung Quát và Tư Mã Canh, còn thì đều ở trong giới bình dân. Có gia đình đời cha học Ngài, đời con cũng học, như Nhan Lộ và con là Nhan Hồi, Tăng Tích và con là Tăng Sâm. Cha chỉ kém Ngài 5-10 tuổi, con thì kém Ngài trên dưới 40 tuổi, như Nhan Hồi kém ông 39 tuổi, Tăng Sâm kém ông 46 tuổi.

Một số học trò ra làm quan ngay khi Ngài còn sống, số này đa phần là lớp trước lớn tuổi. Những người này học Ngài có ý học để làm quan, cho nên họ theo Ngài tới già, cả trong những năm Ngài bôn ba ở các nước. Họ cần được thầy giới thiệu với các vua Chư hầu và cần hỏi ý kiến thầy trong khi họ tham chính. Trái lại lớp sau cũng gồm nhiều người thông minh nhưng theo học Ngài để hiểu đạo, sửa mình, không thích làm chính trị mà về dạy học. Có thể họ thấy tài giỏi như thầy mình mà còn không làm được gì nên họ chán; cũng có thể họ sống sau Ngài ba, bốn, năm mươi năm, càng thấy xã hội loạn hơn nên càng chán nản.

Những người có tiếng đạo đức và tài giỏi, tinh thông lục nghệ thì chỉ bẩy mươi hai người, hậu thế gọi là “thất thập nhị hiền”. Trong bẩy mươi hai người đó, có 10 người nổi tiếng nhất về bốn lĩnh vực: Đức hạnh, ngôn ngữ, chính sự, văn học, hậu thế gọi là “Khổng môn thập triết” hay “tứ khoa thập triết”. Đường đức hạnh có Nhan Uyên, Mẫn Tổn Khiên, Nhiễm Bá Ngưu, Trọng Cung; đường ngôn ngữ có Tể Ngã, Tử Cống; đường chính sự có Nhiễm Hữu, Quý Lộ; đường văn học có Tử Du, Tử Hạ. Đại khái những người có đạo đức và tài năng mà các sách thường nói đến là những người này.

Trong những người ấy có người tài cao đức hậu nhưng vẫn không ai được hoàn toàn như Khổng Tử. Xem câu chuyện sau này thì biết rõ đức độ của Ngài hơn người là thế nào.

Một hôm Tử Hạ hỏi Khổng Tử: “Nhan Hồi là người thế nào?- Khổng Tử nói: Cái tin của Hồi hơn ta – Tử Cống là người thế nào? – Cái nhanh của Tứ hơn ta – Tử Lộ là người thế nào – Cái dũng của Do hơn ta – Tử Trương là người thế nào – Cái nét trang nghiêm của Sư hơn ta – Tử Hạ đứng dậy mà thưa rằng: Thế sao bốn gã ấy lại phải đến học thầy? – Khổng Tử nói: Ở đây ta bảo: Ôi! Hồi biết tin mà không biết nghĩ lại. Tứ biết nhanh là không biết có lúc đáng chậm, Do có dũng mà không biết có lúc nên nhát, Sư có nét nghiêm trang mà không biết ung dung để hoà đồng với mọi người. Gồm tất cả những cái nết hay của bốn gã ấy có, mà đổi lấy cái của ta không bằng bốn gã, ta không thuận. Vì thế bốn gã phải thờ ta làm thầy, mà không có hai lòng vậy”.

Khổng Tử bao giờ cũng có thái độ “vô khả vô bất khả” rất hoà nhã và tôn nghiêm, rất khoan hoằng mà vẫn cương nghị. Ngài làm việc gì cũng ung dung và trúng tiết, nghị luận điều gì cũng công chính và đắc kỳ trung, cho nên không ai theo kịp. Đức độ của Ngài như thế, nên chi ai đã biết Ngài là cũng phải kính phục.

Đạo của Ngài thì có phần rất giản dị bình thường, mà vẫn có phần rất quảng đại cao viễn, không mấy người lĩnh hội hết được. Dẫu môn đệ Ngài có muốn nối cái đạo của Ngài, cũng chỉ hiểu được một phần mà thôi. Bởi thế cho nên sau khi Ngài mất rồi, đạo của Ngài chia ra làm mấy phái, mội phái theo một ý nghĩa khác nhau.

Khổng Môn Thập triết là 10 môn đệ do Khổng Tử trực tiếp truyền dạy, được chia thành 4 nhóm nhỏ: “đức hạnh”, “ngôn ngữ”, “chính sự” và “văn học”, do đó còn có tên gọi khác là Tứ Khoa Thập triết.

I. Đức Hạnh

1. Nhan Hồi

Nhan Hồi, tự Tử Uyên, còn gọi là Nhan Uyên, hậu thế truy tặng là “Duyện công”, người nước Lỗ. Ông là cao đồ của Khổng Tử, đứng đầu hàng Tứ Phối. Người sau xưng là Phục Thánh Nhan Uyên. Ông theo Khổng Tử từ năm 16, 17 tuổi, từng chia sẻ hoạn nạn với Ngài ở Khuông, Trần, Sái. Nhà nghèo nhưng an bần, lạc đạo, hiếu học, giữ đức khiêm cung, kính trọng thày như cha của mình vậy . Nhan Uyên ý hợp tâm đầu với Khổng Tử, biết lẽ xuất xử hành tàng như Ngài, khi học thích hỏi về đức nhân, về trị quốc, một lòng tu đạo tiến đức. Ông mất năm 481 khi mới 31 tuổi, Khổng Tử nghĩ rằng Nhan Uyên là người kế tục sự nghiệp truyền đạo Nhân của mình mà nay mất đi nên thất vọng rất lớn.

2. Mẫn Tổn

Mẫn Tổn, tự Tử Khiên, hậu thế truy tặng là “Bí hầu”, người nước Lỗ. Ông là người đại hiếu (có tích trong Nhị Thập Tứ Hiếu). Không ưa quyền thế, xa hoa, ưa đạo hạnh, ẩn dật. Dáng điệu thư thái, ngôn từ đoan chính. Vì mẹ mất sớm nên cha ông phải lấy vợ khác và sinh được hai đứa con riêng. Lo lắng sợ Mẫn Tổn Khiên tranh đoạt hết gia tài, kế mẫu vô cùng tức tối, ra sức đày đọa hành hạ đứa con chồng một cách khắc nghiệt, từ sáng sớm cho đến tối mịt, hết bổ củi đến chăn trâu nhưng ông không bao giờ ta thán hoặc mách lại với cha. Tuy hai đứa em được sung sướng, ăn ngon mặc đẹp, chẳng hề phải làm gì động đến móng tay nhưng Mẫn Tổn Khiên không bao giờ tị nạnh, hết lòng thương yêu như em ruột của mình.

Một năm, trời chợt lạnh rét khác thường, kế mẫu may cho hai đứa con mình hai chiếc áo bông thật dày, còn Mẫn Tổn Khiên chỉ được một chiếc áo đơn, phía trong lót một lớp mỏng bông lau để áo dày lên, không ai biết được sự thực. Một hôm, cha của ông có việc phải đi xa, bèn gọi cả ba đứa con ra kéo xe cho mình. Thoạt đầu, dưới cơn gió lạnh như cắt, Mẫn Tổn Khiên còn cố chịu đựng được, càng về sau tay chân càng lạnh cứng khiến không sao cầm vững được tay xe, suýt chút nữa đã hất cha già xuống đất.

Người cha không sao nhịn nổi tức giận, sẵn cầm roi liền quất cho Mẫn Tổn Khiên một cái. Ngờ đâu làn roi khiến lớp áo mỏng manh rách bung ra, lộ ra lớp bông lau. Khi ấy người cha mới hiểu nguyên nhân tại sao, ông lập tức quay xe trở về và nhất quyết đuổi bà vợ kế ra khỏi nhà. Mẫn Tổn Khiên vội quỳ xuống van lơn: “Nếu có mẹ thì chỉ mình con lạnh lùng, còn như cha đuổi mẹ đi thì cả ba anh em đều bị đói rét, không có ai chăm nom nuôi dưỡng, như thế chẳng thà để mình con chịu rét lạnh còn hơn”.

3. Nhiễm Canh

Nhiễm Canh, tự Bá Ngưu người nước Lỗ. Tài đức của Bá Ngưu được sư phụ Khổng Tử rất chú ý, có thể sánh cùng Nhan Uyên, Mẫn Tổn, chỉ tiếc ông không có cơ hội lập công. Khi ông lâm bệnh hiểm nghèo, không muốn gặp mọi người, Khổng Tử tới thăm, cảm thương vô hạn mà nói rằng đó là mệnh trời: “Thôi rồi, đây là mệnh rồi. Người tốt thế này mà mắc bệnh này. Người tốt thế này mà mắc bệnh này !“. Ông mất vì bệnh hiểm nghèo, trong bộ Hoài Nam Tử của Đạo giáo nói rằng đó là bệnh phong, một trong tứ chứng nan y thời bấy giờ. Năm Khai Nguyên thứ 27 (739), vua Đường Huyền Tông phong ông là “Vận hầu”. Thời Tống, ông được phong “Đông Bình công”, sau đổi là “Vận công”.

4. Nhiễm Ung

Nhiễm Ung, tự Trọng Cung người nước Lỗ, ông kém Khổng Tử 29 tuổi, hậu thế truy tặng là “Tiết hầu”. Ông là người có đức hạnh, nhưng vì người cha không ra gì nên không được bổ dụng. Trái lại, Khổng Tử đánh giá năng lực của ông là người “có thể ngồi quay mặt hướng nam“, lại nói với ông không nên nhụt chí, sớm muộn cũng sẽ có người biết và trọng dụng, như “con bê là con của bò lang lông đỏ hai sừng cân đối. Người ta cho là mẹ nó lang nên không dùng nó làm vật tế. Thần núi thần sông có nỡ bỏ rơi nó đâu?“. Về sau, Nhiễm Ung làm quan cho Quý tôn thị là một trong Tam Hoàn của nước Lỗ. Trọng Cung hay hỏi về nhân, về sùng đức, chính trị. Hậu duệ đời thứ 67 của Nhiễm Ung là Nhiễm Thiên Lâm vào năm Ung Chính thứ 6 được bổ làm Hàn lâm viện Ngũ kinh bác sĩ.

II. Ngôn ngữ (ăn nói, giao tiếp)

5. Đoàn Mộc Tứ

Đoàn Mộc Tứ tự Tử Cống, hậu thế truy tặng là “Lê hầu”, người nước Vệ. Ông có tài biện bác, có khiếu chính trị, Khổng Tử cho rằng ông “có tài năng, làm quan chắc sẽ thuận lợi thôi“. Tử Cống có một thời gian ra làm quan cho nước Lỗ, trong số học trò của Khổng Tử ông là môn đồ thân cận nhất, được Khổng Tử tâm sự, đàm đạo cùng về sĩ, về đạo của người quân tử, về các nhân vật tiếng tăm, về chính trị, về đối nhân xử thế và luân lý. Ông tự nhận mình thua Nhan Hồi, mới chỉ được truyền nhân đạo chứ chưa được truyền thiên đạo. Khi Khổng Tử quy thiên, Tử Cống cư tang thầy 6 năm.

6. Tể Dư

Tể Dư tự Tử Ngã, hậu thế truy tặng là “Tề hầu”, người nước Lỗ. Ông có tài biện bác, có khiếu chính trị, chủ trương “nhân” là liều chết cứu người, chỉ nên để tang cha mẹ một năm thôi. Sau Tử Ngã làm quan ở nước Tề, chết năm 482 trong loạn Điền Hằng.

III. Chính sự

7. Trọng Do

Trọng Do, tự Tử Lộ, hậu thế truy tặng là “Vệ hầu”, người nước Lỗ. Cũng như Mẫn Tổn Khiên, ông là người đại hiếu, thường đi đội gạo đường xa hàng trăm dặm về nuôi cha mẹ, sau này khi đã quan cao lộc hậu thường than phiền là không còn cha mẹ để được phụng dưỡng như xưa nên Khổng Tử khen ông là người chí hiếu. Tử Lộ tính tình cương trực, nóng nảy, thô lỗ, không biết quyền biến nhưng là người rộng rãi, có khả năng xử án quyết đoán đúng sai. Trong số học trò của Khổng Tử cũng chỉ có ông dám phê bình hoặc can gián Khổng Tử. Tử Lộ cũng là người thích lễ nghi, hình thức, lo thờ phụng quỷ thần, thích cầm quân. Ông là người theo Khổng Tử rất sớm và cùng đồng cam cộng khổ với Khổng Tử trên đường lưu lạc. Khổng Tử cho rằng, tính Tử Lộ cương quyết, nóng nảy xung đột, tuy có thể ra làm quan nhưng chỉ có thể làm gia thần, không thể làm đại phu, bởi học vấn của ông mới chỉ lên tới “nhà”, chưa vào tới “phòng”  còn sợ rằng với tính cách ấy, Tử Lộ có thể nhận lấy cái chết bất đắc kỳ tử. Sau này Tử Lộ làm quan tể ấp Bồ nước Vệ, gia thần của đại phu Khổng Khôi, rồi chết năm 480 TCN trong chính biến giành ngôi quân chủ nước Vệ giữa hai cha con Vệ Trang công và Vệ Xuất công. Khổng Tử nhận tin, thương xót ông như con mình.

8. Nhiễm Cầu

Nhiễm Cầu tự Tử Hữu nên còn được gọi là Nhiễm Hữu, hậu thế truy tặng là “Từ hầu”. Nhiễm Hữu có dung mạo đoan chính, nhưng tính tình lại nhút nhát, ông cho rằng không phải ông không thích, nhưng sức không theo nổi đạo Khổng. Tuy vậy, Khổng Tử vẫn đánh giá ông là người có tài chính trị, mặc dù chỉ đủ làm được gia thần, không làm được đại phu. Sau này, Nhiễm Hữu từng làm gia thần cho Quý Khang Tử là một trong Tam Hoàn nước Lỗ, tuy nhiên ông không ngăn ngừa được những sự lạm dụng của họ Quý, lại còn cố ra sức làm giàu cho họ Quý, nên Khổng Tử không còn coi ông là học trò nữa.

IV. Văn học

9. Ngôn Yển

Ngôn Yển, tự Tử Du, hậu thế truy tặng là “Ngô hầu”. Tử Du là người nước Ngô. Ông là người ưa văn học, nho phong, chủ trương không nên đàn hặc người trên, chỉ trích bè bạn nhiều, ông nói: “Thờ vua mà can gián nhiều quá sẽ bị nhục; chơi với bạn mà can gián nhiều lần quá thì bạn sẽ xa mình”. Sau ông Làm quan Tể ấp Võ Thành, đem nhạc dạy dân.

10. Bốc Thương

Bốc Thương, tự Tử Hạ, hậu thế truy tặng là “Ngụy hầu”. Tử Hạ là người nước Vệ, ông ưa văn học nhưng chưa đạt đạo Trung Dung. Khổng Tử khuyên ông nên sống cao thượng và dạy ông về đạo hiếu, sau có mở trường dạy học. Tử Hạ chủ trương tuần tự nhi tiến (tiến hành theo đúng một trình tự nhất định), con người luôn phải hướng lên trên, phải có tâm thành, không nên quá ưa hào nhoáng và quân tử không nên mất thì giờ vào những việc nhỏ. Một khi đã học, phải chuyên tâm, phải học cho súc tích, sâu rộng, nên chọn những người hay mà giao tiếp. Từ đó có thể thấy tư tưởng của ông khá thực dụng.

Tài liệu tham khảo

1. Khổng Tử – Nguyễn Hiến Lê

2. Nho giáo – Trần Trọng Kim

3. Khổng Môn Thập triết – Wikipedia tiếng Việt

Bài viết liên quan về Khổng Tử

Lời dạy của Khổng Tử – 50 câu tinh hoa trong Luận Ngữ

Vì sao Khổng Tử bái Lão Tử làm thầy?

Tại sao đương thời, đạo của Khổng Tử không được dùng?

Viên Ngọc Quý

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *