Vì sao Khổng Tử bái Lão Tử làm thầy?

Sử kí có chép rằng Khổng Tử đến hỏi Lão Tử về lễ, Lão Tử đáp rằng: “Những người ông nói đó, thịt xương đều nát cả rồi, chỉ còn lại lời của họ thôi. Vả lại người quân tử gặp thời thì đi xe, không gặp thời thì đội nón lá mà đi chân. Ta nghe: Người buôn bán giỏi, khéo chứa của, coi như người không có gì; người quân tử có đức tốt coi diện mạo như người ngu dại. Ông nên bỏ cái khí kiêu căng, cái lòng ham muốn, cùng cái sắc dục và dâm chí đi; những cái ấy đều vô ích cho ông”. 

Khổng Tử về bảo các đệ tử rằng: “Chim thì ta biết nó bay được, cá thì ta biết nó lội được, giống thú thì ta biết nó chạy được. Chạy, bay, lội thì ta có thể giăng lưới mà bắt được, đến như con rồng thì ta không biết nó cưỡi gió, cưỡi mây bay lên trời lúc nào. Hôm nay ta thấy Lão Tử như con rồng vậy”.

Khi tiễn biệt, Lão Tử khuyên: “Tôi nghe nói người giàu sang tiễn nhau bằng tiền bạc, người nhân tiễn nhau bằng lời nói. Tôi không phải là người giàu sang, mạn phép tự coi là người nhân mà tiễn ông bằng lời này: Kẻ thông minh và sâu sắc thì khó sống vì ham phê bình người; kẻ giỏi biện luận biết nhiều thì nguy tới thân vì hay nêu cái xấu của người. Kẻ làm con và kẻ làm tôi đều không có cách gì để giữ mình cả”.

Khổng Tử ở Lạc Ấp được ít lâu rồi trở về nước Lỗ. Từ đó sự học của Ngài rộng hơn trước, và học trò theo học Ngài ngày càng nhiều. Nhưng vua nước Lỗ vẫn không dùng Ngài. Được mấy năm trong nước có loạn, Ngài phải bỏ sang nước Tề. Vua nước Tề là Tề hầu đón Ngài đến hỏi việc chính trị. Ngài nói chuyện gì cũng vừa ý Tề hầu. Tề hầu đã toan lấy đất Ni Khê mà phong cho Ngài, nhưng quan đại phu nước Tề là Yến Anh không thuận, can ngăn Tề hầu không cho. Ngài thấy thế lại bỏ nước Tề trở về nước Lỗ. Bấy giờ Ngài đã 35, 36 tuổi, Ngài về nước nhà dạy học trò và suy xét cho tường tận cái đạo của thánh hiền đời trước.

ST.

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *