LỜI NÓI ĐẦU
Từ xưa tới nay hầu hết các học giả viết về học thuyết Khổng tử đều dùng cả tứ thư lẫn Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Khổng tử gia ngữ v.v… làm tài liệu, như vậy theo tôi không phải là tìm hiểu Khổng giáo trong suốt thời Chiến Quốc, vì trong những sách dẫn trên, ngoài bộ Luận Ngữ là đáng tin nhất, còn thì bộ nào cũng chứa nhiều tư tưởng của người sau, không phải của Khổng tử. Tôi lấy thí dụ cuốn Đại học của Tăng Tử (một môn sinh được trực truyền) ngay trong đoạn đầu nói về việc tu thân để tề gia, trị quốc…, cũng đã có một ý tôi cho không phải là của Khổng tử mà của Tăng tử, tức “tri tri tại cách vật”, vì trong Luận ngữ ông không hề nói tới sự cách vật.
Sách Trung dung của Tử Tư, cháu nội Khổng tử, cũng có những tư tưởng siêu hình, mà Khổng tử tránh phần siêu hình.
Rồi những câu “cương nhu tương thôi nhi sinh biến hóa”, “nhất hạp nhất tịch vi chi biến, vãng lai bất cùng vvi chi đạo” (trong Kinh Dịch – Hệ từ thượng) mà nhiều người dẫn (chẳng hạn Trần Trọng Kim trong Nho giáo) và cho là quan niệm về thiên lí, về đạo của Khổng tử, thì sao tôi thấy có màu sắc của Lão giáo quá.
Ngay như Lễ Kí, thiên Tăng tử vấn (Tiểu Đái Kí) phần lớn không tin được vì xuất hiện sau Khổng tử bảy trăm năm (thế kỷ II sau Tây lịch) và do người đời Hán viết.
Căn cứu vào những bộ đó thì không khác gì tô xanh tô đỏ lên học thuyết của Khổng tử, còn đâu chân diện mục của nó nữa. Từ lâu tôi vẫn bất mãn về điều đó và chỉ thấy mỗi một học giả ở Pháp, ông Etiemble, trong cuốn Confucius (Gallimard 1966) là không dùng phương pháp đó mà chỉ căn cứ vào mỗi hệ Luận ngữ thôi.
Bộ này cô động quá không ghi hết được lời dạy của Khổng tử, và nhiều bài không cho biết trong hoàn cảnh nào Khổng tử đã thốt những lời này lời khác, thành thử chỉ dùng nó thì thế nào cũng không tránh khỏi lỗi thiếu sót; nhưng thà cứ biết tới đâu ghi tới đấy, không biết thì tồn nghi, còn hơn là gán cho Khổng tử những tư tưởng của người đời sau, những tư tưởng có thế ông không bao giờ nghĩ tới hoặc không muốn bàn tới.
Năm 1972, tôi đã theo chủ trương chỉ dùng Luận ngữ mà tìm hiểu Khổng tử, để viết cuốn Nhà giáo họ Khổng. Viết xong, tôi đã có ý sẽ viết tiếp hai tập như vậy nữa về Nhà chính trị họ Khổng và Nhà luân lý họ Khổng, nhưng vì mắc nhiều công việc khác (viết cuốn Mặc học, viết chung với ông Giản Chi cuốn Tuân Tử và cuốn Hàn Phi…) mãi đến cuối năm ngoài (1977) tôi mới trở lại viết về Khổng tử được.
Tôi đã bỏ ra hơn hai tháng dọc lại những sách về Khổng tử mà tôi có hoặc mượn được (như của Lữ Chấn Vũ, Lịch sử tư tưởng chính trị Trung Quốc; Hầu ngoại Lư: Tư tưởng cổ đại Trung Quốc; Quan Phong và Lâm Duật Thời: Bàn về Khổng Tử – đều do ngoài Bắc dịch); đọc lại các bản dịch và chú giải Luận ngữ của mình, và của Trung Hoa (như Luận ngữ độc bản của Thẩm Tri Phương và Tưởng Bá Tiềm, Luận ngữ dịch chú của Triệu Thông; lại bỏ ra hơn hai tháng nữa để dịch lại bộ Luận ngữ, vừa dịch vừa phân loại theo đề tài lập bảng tra tên người tên đất.
Xong cả rồi tôi mới bắt đầu viết, mất ba tháng nữa. Chưa cuốn nào tôi viết mệt nhọc như cuốn này: sức đã suy, bệnh bao tử trở đi trở lại hoài, cứ ít ngày ăn cơm lại ít ngày ăn cháo, rồi cảm cúm, đau chân…, khách khứa gần như không ngày nào không có, có ngày bốn năm lần, mới cầm bút viết được mấy hàng đã phải đặt xuống để tiếp bạn; thư từ phải hồi âm cũng nhiều, giấy mực lại thiếu: chỉ có mấy trăm trang mà phải dùng ba mẫu giấy, ba màu mực; đó là về vật chất.
Về tinh thần thì từ sau Tết Mậu ngọ (1978) ít ngày được yên tĩnh vì những tin tức về cải tạo thương nghiệp (không liên quan gì tới tôi nhưng cũng có ảnh hưởng xa gần đến cuộc sống), về kiểm kê hành chánh, cải tạo văn hóa; rồi đến vụ đổi tiền (cũng may yên cả), nhất là tin tức chiến tranh với Campuchia, xích mích với Trung Hoa…
Vậy là trước sau mất hơn bảy tháng, hôm nay mới ghi vội xong bản sơ thảo. Còn phải coi lại, sửa lại khoảng một tháng nữa. Và phải để một hai năm sau, lúc nào thật rảnh và bình tĩnh sửa lại một lần nữa mới có thể coi là xong được
Ngày 1-7-1978
Nguyễn Hiến Lê