Lão Tử và Khổng Tử luận đạo

Cuối thời Đông Chu trong khi các nước chư hầu cát cứ, thì hai vị thánh nhân của cả Trung Hoa là Lão Tử và Khổng Tử đã gặp nhau nhiều lần. Tư tưởng của hai vị thánh nhân không hề bị trùng lắp tuy nhiên lại chung mục đích. Trải qua bao khó khăn, hai vị thánh nhân đã trở thành những người sáng lập ra học phái Đạo gia và học phái Nho gia. Hai tư tưởng này đã ảnh hưởng tới nhân loại kéo dài hơn hai nghìn năm trăm năm.

Luận đạo tại Lạc Ấp

Khổng Tử cùng học trò đến Chu, vấn lễ Lão Tử. Gặp Khổng Tử, Lão Tử vui mừng mượn hai câu nói nổi tiếng của Khổng Tử để biểu đạt tâm ý “có bạn từ phương xa đến há chẳng vui hay sao? Học mà thường tập không phải là vui hay sao?”. Khổng Tử ở Chu ba tháng học lễ và tham quan các di tích lịch sử nhà Chu theo sự hướng dẫn của Lão Tử. Trước khi dời Chu, Lão Tử mời Khổng Tử đến ngồi trên bờ sông luận đạo.

Lão Tử: Ông đến Lạc Ấp được ba tháng, ông thấy thế nào?

Khổng Tử: Ba tháng nay tôi thấy học được rất nhiều lợi ích, đồng thời tôi cũng cảm nhận được cách truyền dạy của người rất đặc biệt. Thời gian ngắn ngủi, tuy tôi không được đích thân nghe trực tiếp những lời dạy của người nhưng qua sự sắp đặt chu đáo của người khiến cho tôi đạt được nhiều sự hiểu biết. Người đã không sử dụng cách dạy trực tiếp mà dùng cách khơi gợi dẫn dụ để truyền trao học vấn cho tôi. Cách dạy này là sở trường rất lớn nó có thể làm cho người cầu học được tốt hơn và đạt đến sự cảm ngộ sâu sắc; đồng thời nó cũng khiến cho tôi hiểu ra cái dụng tâm cố ý lánh mặt của người. Vì vậy Khổng Khâu vô cùng cảm tạ.

Lão Tử: Trước kia có rất nhiều người đến đây cầu học, có kẻ bỏ cuộc giữa đường, có kẻ không còn hứng thú, duy chỉ có ông là đạt được kết quả to lớn, đồng thời nhận ra dụng tâm của lão phu. Khổng Tử quả thật là danh bất hư truyền.

Khổng Tử: Lão Tử quá khen, Khổng Khâu đoán không sai thì việc luận đạo hôm nay cũng do người có ý sắp đặt.

Lão Tử: Đúng vậy, đã ba tháng nay, ta và ông tuy chưa có gặp mặt lại, nhưng nhất cử, nhất động của ông ta đều có nghe qua và ta biết ông sắp trở về nước Lỗ. Và nghe nói tình hình ngày nay sẽ có biến đổi, nên ta mới mời ông ra đây. Ta và ông khó có cơ hội gặp nhau, nếu ông không ngại thì ngồi đây đàm luận một lát. Ta nghe nói ông vô cùng thích Chu Lễ. Vì sao?

Khổng Tử: Vì khi Chu Công thực hiện Chu lễ thì thiên hạ được thái bình hưng thịnh, đây là triều đại thái bình hưng thịnh mà triều Hạ và triều Thương chưa từng có. Thiên hạ ngày nay vô cùng hỗ loạn, thần dân trăm họ phải chịu khổ nạn chính vì Chu lễ bị suy, lễ băng nhạc hoại. Tôi vì yêu mến Chu lễ nên nguyện dốc hết sức mình để khôi phục Chu lễ. Khổng Khâu cho rằng chỉ có Chu lễ mới có thể chấm dứt sự hỗn loạn, khiến cho thiên hạ trở lại thái bình.

Lão Tử: Xưa kia ta rất yêu mến Chu lễ nhưng sau này ta lại thay đổi. Nước ở sông lớn có thể chảy ngược hay không? Nước ở sông lớn không thể chảy ngược dòng, nó chỉ có thể chảy xuôi dòng theo sự sắp đặt của tạo hoá.

Khổng Tử: Theo ý của người là Chu lễ không thể chấm dứt sự hỗn loạn ư?

Lão Tử: Đúng vậy. Hỗn loạn được sinh từ lòng người, mà lòng người thì thay đổi khó lường. Nguyên nhân thiên hạ hỗn loạn ẩn náu từ đây, có ngăn cấm cũng không được. Hay nói rõ hơn việc chấm dứt hỗn loạn là việc mà sức người khó hi vọng đạt được. Cái phép tắc mà Chu lễ làm cho nhân loại sống theo thì trong một khoảng thời gian nào đó có thể có công dụng. Nhưng tuỳ theo sự chuyển dịch của vì sao, năm tháng chuyển đổi, nó sẽ mất đi tác dụng. Vì nhân loại càng ngày càng nhận rõ cái gọi là lạc thú của cuộc sống trong sự tự do, thuận theo tự nhiên, mặc tình mà làm. Mà Chu lễ lại bó buộc bản tính của con người khiến cho họ không làm gì được. Giống như chim trong lồng, sớm muộn gì con người cũng dần ngộ ra sự thay đổi tự nhiên của cuộc sống bất diệt. Đã sinh ra trong trời đất này, thì phải lấy trời đất vũ trụ làm phép tắc sinh tồn. Vậy thì tại sao con người lại chế định ra nhiều lễ chế, nghịch với tự nhiên, bóp chết tính người kia? Do đó, cũng chính vì phát sinh ra cái đạo lý như vậy. Nên sự sinh tồn của con người phải lấy đại địa làm phép tắc, mà đại địa lấy trời làm phép tắc, trời thì lấy đạo làm phép tắc, đạo lấy tự nhiên làm phép tắc. Nói cho cùng tất cả phải thuận theo tự nhiên. Nước ở sông không thể chảy ngược, chính là một minh chứng hữu hiệu.

(lúc này có hiện tượng nhật thực xảy ra).

Người trong thiên hạ đều cho rằng, mặt trời gây ra nạn tai, nên họ cầu xin ông trời khiến mặt trời cởi bỏ nạn tai. Thật ra hoàn toàn không cần làm như vậy thì nhật thực cũng sẽ tự tiêu mất. Sự việc của thế gian cũng giống như vậy, thái bình trở thành hỗn loạn, hỗn loạn trở thành thái bình. Chu lễ mà được khôi phục rồi xoay vần khôi phục, thay đổi vô cùng, sức người không thể làm được, chỉ có nghe theo tự nhiên.

Khổng Tử: Ta không cho rằng như vậy, con người cầu xin ông trời là để bày tỏ nguyện vọng của mình. Từ xưa đến nay, con người đã gặp qua vô số nạn tai như núi lở, đất sụp, hồng thuỷ dâng tràn, lại còn chiến tranh không dứt. Nhưng không lúc nào con người lại quên đi việc cầu cái tốt đẹp. Và bấy giờ việc xuất hiện các bậc thánh hiền cổ xưa như Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn vương, Vũ vương, Chu công và cùng rất nhiều bậc nhân sĩ. Do đó thái bình hưng thịnh mới có một lần, rồi lại chuyển sang hỗn loạn. Nhật thực có thể do tự nhiên mà sinh ra và tiêu mất, nhưng những nạn tai của đại địa, nếu con người không bỏ đi sự tranh đấu thì nó sẽ còn mãi.

Lão Tử: Không, cái mà quốc vương tranh đó là thiên hạ, cái mà chư hầu tranh đó là lãnh thổ, cái mà đại phu tranh đó là quyền lực, cái mà nhân sĩ tranh đó là địa vị, cái mà bá tánh tranh đó là ăn mặc. Sự tranh giành của họ tuy là có khác nhau, nhưng tất cả đều là vì ham muốn tư lợi. Sự tranh giành của quốc vương, chư hầu, đại phu sẽ dẫn tới thiên hạ hỗn loạn. Sự tranh giành của nhân sĩ, bá tánh làm cho lòng người hung ác. Tham dục là nguồn gốc của loạn ác. Chỉ có biết đủ, biết sầu thì mới vô tranh. Không tranh thì thiên hạ sẽ không loạn, không ác. Xưa kia, thủa trời đất sơ khai, nước nhỏ, dân ít, con người sống gần với nhau và còn có thể nghe được tiếng của gà chó, không có sự già chết, thiên hạ bình an vô sự. Đó mới là một xã hội tốt đẹp, đối với việc tranh và không tranh, thì cách nghĩ của ta và người có khác nhau.

Khổng Tử: Văn vương, Võ vương nếu không tranh được cái thiên hạ của Trụ vương, thì thần dân, bá tánh sẽ dẫy rụa dưới sự cai trị bạo ác. Lãnh thổ của một quốc gia bị nước khác vô lễ chiếm đoạt, nếu không dốc sức tranh nhau thì nước khác sẽ được nước lấn tới. Bậc đại phu có học thức, có tài năng, nếu thực sự đấu tranh vì chính nghĩa, sẽ trở thành một thượng khanh của quốc gia và quốc gia mới lớn mạnh, hưng thịnh. Kẻ sĩ thực sự thông qua sự đấu tranh chính nghĩa, bước vào con đường làm quan thì mới có thể làm việc nhiều hơn cho quốc gia. Chỉ cần việc đấu tranh của con người hợp với lễ thì thiên hạ mới không phát sinh hỗn loạn. Nguồn gốc thiên hạ hỗn loạn ngày nay, không phải do sự đấu tranh của mỗi người mà do trái với lễ. Lòng người đổi ác là thiếu sự giáo hoá lễ nhạc. Con người không thể không có tư lợi, có ưu sầu cũng không làm gì được. Điều có thể làm được đó là kiềm chế tư lợi. Lời nói việc làm phải hợp với lễ. Cái lễ của ba triều Hạ, Thương, Chu, tuy đều do bậc thánh hiền chế ra, nhưng chẳng phải càng xưa thì càng tốt. Sở dĩ ta tán thành Chu lễ là vì nó thích hợp với việc quản lý đất nước. Thiên hạ ngày nay, chẳng phải nước nhỏ, dân ít mới là tốt. Cái xã hội mà Khổng Khâu hướng về đã thái bình lại còn hưng thịnh, chứ không phải là thanh tịnh, vô vi.

Lão Tử: Có đất thì có trời, có ân thì có duyên, có Lão Tử lại có Khổng Tử. ông dù có tranh với ta thì cũng không có ích gì. Chỉ có cách là mỗi người tự giữ cái đạo của mình mà làm.

Khi tiễn biệt Khổng Tử, Lão Tử nói: “Ta có nghe nói, người giàu sang, thì dùng tiền của để tặng người, còn người có đạo đức thì chỉ tặng lời nói. Ta không phải là người giàu sang, chỉ tạm là một người có đạo đức tặng ông mấy câu. Người giỏi kinh doanh thì không cần bày hàng hoá ra bán. Người có tri thức uyên bác cũng không tuỳ ý biểu lộ sự học vấn của mình. Làm người điều tối kỵ là tranh luận lung tung, thêu dệt việc tốt xấu của người khác, làm việc không được quá phận cũng không được quá tuỳ thích, càng không được sinh ngạo mạn. Sở dĩ ta nói như vậy là bởi vì ông đã chọn một con đường khó khăn phía trước. Ngoài ra điều mong cầu của ta và ông tuy có khác nhưng ta rất tôn trọng ông. Ông là một người bạn hiếm có trong cuộc đời của ta”.

***

Luận đạo trên núi Mang Sơn

Làm quan nhà Chu được một thời gian, thấy nhà Chu suy nhược không thể vãn hồi, Lão Tử lui về ở ẩn tại Mang Sơn. 20 năm sau khi luận đạo với Lão Tử tại kinh đô nhà Chu, Khổng Tử tìm đến núi Mang Sơn gặp Lão Tử. Thấy nét mặt Khổng Tử âu sầu, lại thở dài.

Lão Tử: Tại sao tiên sinh lại thở dài?

Khổng Tử: Khâu dùng cả đời để truyền bá nhân nghĩa, lại không được thuận lợi, chẳng lẽ lại sai lầm chỗ nào sao?

Lão Tử: Tiên sinh chu du các nước mục đích là gì vậy?

Khổng Tử: Chu du các nước chỉ vì muốn gặp minh quân cho Khâu chức quan nho nhỏ, để Khâu có thể truyền bá nhân nghĩa.

Lão Tử: Dùng trái tim thản nhiên tiêu dao để sinh sống trong cảnh điền viên mộc mạc, thuận theo tự nhiên, tiêu dao vô vi, phi sĩ, phi quan. Tại sao tiên sinh cứ phải theo quan lộ, sĩ đồ vậy?

Khổng Tử: Khâu cho rằng, người sống trên đời vốn nên làm quan. Nếu có chức quan thì sẽ có quyền lực. Đã có quyền lực rồi mới có thể thực hiện khát vọng của bản thân. Còn nếu là một thứ dân làm sao có thể thực hiện khát vọng của bản thân được.

Lão Tử: Khổng tiên sinh nói như vậy không phải là không có lý nhưng nên tuỳ thời mà làm. Bây giờ lòng người vô cùng xa đọa, các nước chư hầu phân tranh với nhau, thì có vị quốc quân nào chịu nghe học thuyết nhân nghĩa của tiên sinh chứ. Sở dĩ học thuyết của ngài khó có thể truyền khắp thiên hạ, đều là bời vì chưa tới thời cơ.

Khổng Tử: Chưa tới thời cơ? Nếu đợi thời cơ tới thì Khâu cũng sớm quy tiên rồi.

Lão Tử: Dòng sông lịch sử nhân loại luôn hướng về trước. Chúng ta chỉ là một hạt cát nho nhỏ trong con sông dài đó. Cho dù sống thêm một trăm năm, hai trăm năm thì chẳng là gì so với sự phát triển mấy ngàn năm của cả nhân loại. Tiên sinh nên làm theo “chết mà không hết là thọ” mới phải.

Khổng Tử: Xin hỏi tiên sinh cái gì gọi là “chết mà không hết là thọ”?

Lão Tử: Hình tử nhưng thần sinh. Mặc dù thân vong nhưng tinh thần vẫn trường tồn. Vậy thì học thuyết của tiên sinh mới có thể lưu danh muôn đời.

Khổng Tử: Chuyện tiên sinh nói rất chí lý, nhưng mà Khâu nghĩ, người sống trên đời không thể thực hiện được lý tưởng của mình, không thể đem tư tưởng của chính mình truyền bá hậu thế, thì thật sự là một chuyện đáng buồn. Khâu vẫn muốn truyền bá học thuyết nhân nghĩa ra khắp thế gian.

Lão Tử: Nếu như tiên sinh có chí lớn thì cứ thử đi. Cho dù tương lai có kết quả thế nào thì Ngài cũng đã dốc sức, sau này cũng không còn hối tiếc nữa.

Khổng Tử: Nước sông cứ chảy hoài không phân ngày đêm, nước sông cuồn cuộn ào ạt, đời người cũng như vậy trôi qua không ngừng. Nước sông không biết chảy tới đâu, đời người không biết về nơi nào?

Lão Tử: Người sinh ra ở trong thiên địa, là cùng một thể với thiên địa. Thiên địa là vật tự nhiên, đời người cũng chính là vật tự nhiên. Đời người có ấu, thiếu, tráng, lão bốn giai đoạn giống như xuân, hạ, thu, đông của thiên địa. Sinh trong tự nhiên, chết trong tự nhiên, thuận theo tự nhiên thì bản tính không loạn, làm trái tự nhiên suốt ngày phải hối hả như vậy, khiến bản tính rằng buộc, trong lòng nặng nợ công danh, tự nhiên sẽ sinh ra lo âu, phiền não vì vậy mà tăng.

Khổng Tử: Khâu lo lắng đại nghiệp không thành. Nhân nghĩa khó tìm, quốc loạn không dừng, chiến loạn cứ tiếp tục. Bởi vì đời người ngắn ngủi, không thể lập công với đời, không thể chia sẻ và đồng cảm với dân chúng.

Lão Tử: Thiên địa không ai đẩy mà vận hành. Nhật nguyệt không ai thắp mà tự sáng. Tinh tú không ai xếp mà trật tự. Gia súc không người tạo mà tự sinh. Tất cả đều là do tự nhiên, cần gì phải giầu lo. Người khi nào sinh ra, khi nào mất, được vinh lộc hay hổ thẹn, là lý của tự nhiên, là đạo của tự nhiên. Cứ làm theo lý của tự nhiên, cứ nghe theo đạo của tự nhiên, nước ắt tự trị, người ắt tự chính.

Khổng Tử: Nhưng thiên hạ có mấy người có thể làm theo lý của tự nhiên, nghe theo đạo của tự nhiên kia chứ? Nếu không đi giáo hoá họ, nước không thể tự trị, người không thể tự chính.

***

Khổng Tử:Khâu có một vấn đề muốn thỉnh giáo tiên sinh.Tới bây giờ Khâu vẫn muốn ra làm quan, nếu có quyền lực mới có thể thi lễ, mới có thể phát triển học thuyết nhân nghĩa và mới có thể làm nhiều việc thiện được.

Lão Tử: Vậy sao ông không học đức của nước? Nước đứng đầu thiện, có lợi cho vạn vật mà không tranh. Biển sở dĩ có thể làm vua của trăm sông ngàn suối là do nó giỏi ở chỗ thấp, đó là đức khiêm nhường. Thiên hạ không có gì yếu hơn nước, nhưng lại không có thứ gì mạnh mẽ rắn chắc mà thắng được nó cả, đó là đức nhu. Do đó nhu thắng cương, nhược thắng cường. Vì nước không có hình thái cố định nên xâm nhập dễ dàng vào từng góc cạnh, do vậy có thể thấy vô ngôn chi giáo (giáo hóa không cần nói), vô vi chi ích (lợi ích mà không cần phải làm)”.

Khổng Tử: Người ở phía trên, nước ở phía dưới, người ở đất bằng, nước ở chỗ hiểm, người ở chỗ sạch, nước ở chỗ bẩn, ở nơi mọi thứ đều tránh thì phải tranh với ai chứ?

Lão Tử: Không tranh với đời thì thiên hạ không ai tranh giành với mình. đây là noi theo tính của nước. Nước cũng giống đạo. Đạo ở đâu cũng có, nước chỗ nào cũng lợi. Nên thánh nhân nhìn thời mà làm. Hiền giả tuỳ cơ ứng biến. Trí giả vô vi mà trị. Đạt giả thuận theo ý trời.

***

Tài liệu tham khảo

1. Lão Tử – Nguyễn Hiến Lê

2. Khổng Tử – Nguyễn Hiến Lê

3. Đạo giáo – Trần Trọng Kim

4. Nho giáo – Trần Trọng Kim

5. Lão Tử tinh hoa – Nguyễn Duy Cần

6. Lão Tử – Wikipedia tiếng Việt

7. Khổng Tử – Wikipedia tiếng Việt

Bạn có thể quan tâm đến những bài viết liên quan:

1. Cuộc đời Khổng Tử

2. Học trò của Khổng Tử

3. Đạo Nhân và con đường thực hiện lý tưởng thế giới đại đồng

4. Sách của Khổng Tử và Kinh điển của Khổng Gia

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *