Danh từ “Ngũ phúc”, nguyên từ trong “Thư Kinh – Hồng Phạm”, rất nổi tiếng, nhưng lại ít người biết được “Ngũ phúc” gồm những phúc nào. Thậm chí nguyên lý làm sao để “Ngũ phúc lâm môn” 五福临门 (Năm phúc vào cửa), người hiểu được lại càng ít hơn. Vậy thì hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về bốn chữ ngũ phúc lâm môn 五福临门 này theo quan niệm của người Trung Quốc và người Việt Nam.
“Ngũ phúc lâm môn” theo quan niệm của người Trung Quốc
Ngũ 五 wǔ là năm. Phúc 福 fú là phúc phận, phúc lộc. Lâm 临 lín có nghĩa là đến, tới. Môn 门 mén có nghĩa là cửa. “Ngũ phúc lâm môn” có nghĩa đen là năm cái phúc cùng đến cửa, nghĩa bóng có thể hiểu là niềm mong ước sẽ có nhiều phước, lộc đến với gia đình mình. Năm cái phúc đó là: Trường thọ, phú quý, an khang, hảo đức và thiện chung.
Trường thọ 长寿 chángshòu: Trường có nghĩa là dài, thọ chính là tuổi thọ. Như vậy trường thọ chính là số mệnh tốt, không chết non, chết trẻ, mà trái lại sống lâu, bách niên giai não.
Phú quý富贵 fúguì: Từ phú trong phú hộ, chỉ sự giàu có, sung túc, quý là quý giá. Phú quý xuất hiện trong ngũ phúc với ý nghĩa mong ước một cuộc sống vật chất đầy đủ, tiền tài dư giả, có địa vị trong xã hội.
An khang 康宁 kāngníng: Khang chính là chỉ sự khỏe mạnh. An khang là mong ước của con người có sức khỏe dồi dào, không bệnh tật.
Hảo đức 好德 hǎodé: Hảo là tốt, đức là đạo đức. Hảo đức chính là chỉ phần tâm của con người, một tâm hồn nhân hậu, hướng thiện. Trong ngũ phúc hảo đức chính là cái phúc quan trọng nhất. bởi suy cho cùng phúc là kết quả mà đức tạo ra, tạo đức rồi mới có phúc. Chính vì vậy một người giữ được cho tâm mình trong sáng, hướng thiện, nhân hậu, là người có phúc.
Thiện chung 善终 shànzhōng: Đây là một loại phúc rất đặc biệt. thiện chung có nghĩa là một người có thể nhẹ nhàng, thanh thản, không ốm đau về thể xác, không dằn vặt về nội tâm mà ra đi, không vướng bận chuyện nhân gian.
Trong “ngũ phúc”, quan trọng nhất là phúc thứ tư – “Hảo đức”. Chính là có được tấm lòng lương thiện, nhân hậu trầm tĩnh, đây là tướng có phúc nhất. Bởi vì đức là căn nguyên của phúc, phúc là kết quả của đức tạo thành. Chỉ có “Hảo đức” đôn hậu thuần khiết, mới có thể nuôi dưỡng bốn phúc khác, khiến chúng không ngừng lớn mạnh, mà phần này chúng ta có thể hoàn toàn khống chế, cho nên những người già thường nói phải tích đức làm việc thiện.
Biểu tượng của ngũ phúc lâm môn theo quan niệm người Trung Quốc chính là con dơi. Con dơi trong tiếng Trung là 蝙蝠 biānfú, chữ phú trong con dơi đồng âm với chữ phúc trong phúc lộc, chính vì vậy người ta cho rằng dơi đem lại sự thịnh vượng và thành công.
Biểu tượng này của ngũ phúc cũng được nhiều nghệ nhân gỗ ưu ái lựa chọn làm họa tiết trang trí cho các sản phẩm đồ gỗ như bàn, ghế, tủ,…
Ý nghĩa theo quan niệm của người Việt Nam
Khác với quan niệm Trung Quốc, người Việt Nam cho rằng Ngũ Phúc Lâm Môn đại diện với Phúc – Lộc – Thọ – Khang – Ninh. Cụ thể là:
Phúc: Là những điều may mắn, tốt lành. Người ta thường ví von: “Nhà có phúc lắm mới có con, cháu lễ phép”. Ngoài ra, những người có phúc luôn có quý nhân phù trợ và được tổ tiên che chở. Ông bà xưa thường nhắc con cháu ăn ở có phúc để tích đức, mang lại phúc báo về sau.
Lộc: Mang ý nghĩa phú quý, tiền của đầy nhà. Lộc còn mang ý nghĩa thịnh vượng, lộc lá quanh năm, tài lộc thịnh vượng, sung túc…
Thọ: Nôm na rằng, thọ đề cập đến sự trường thọ, sức khỏe vô biên và sống lâu trăm tuổi. Đây cũng là quan niệm sống đẹp của người Việt. Vì con, cháu thường dành lời chúc thọ đến ông bà, cha mẹ với mong muốn sẽ sống thật lâu với mình.
Khang: Nghĩa là sống lành mạnh, an khang, không đau ốm, bệnh tật. Sức khỏe là vàng, vì thế, khi trang trí chữ Khang sẽ thể hiện mong muốn các thành viên trong gia đình có sức khỏe thật tốt.
Ninh: Là cuộc sống bình an, tự do và ổn định. Người Việt Nam luôn mong muốn có được cuộc sống đủ đầy, gia đình hòa thuận, con cháu ấm no thì mới có thể cùng nhau phát triển được trong cuộc sống.
Dù theo quan niệm của người Trung Quốc hay người Việt Nam thì “Ngũ phúc” là một chỉnh thể trọn vẹn, không thể thiếu đi dù chỉ một cái. Có người sinh ra giàu có nhưng bản mệnh ngắn, không thể hưởng thụ cuộc sống, hay có người tiền đầy nhà nhưng tình không đầy tim, luôn sống ích kỉ thì cũng không thể hạnh phúc. Lại có người sống lâu nhưng lại chìm trong sự nghèo khó hay bệnh tật thì cũng không được coi là có đủ ngũ phúc. Chính vì vậy ngũ phúc mới là niềm mong ước của rất nhiều người.
(Sưu tầm)