Khổng tử hỏi thầy Tang Hô:
– Tôi hai lần bị đuổi khỏi nước Lỗ, ở nước Tống người ta đốn cây dưới đó tôi đã ngồi, tôi bị cấm đặt chân vào nước Vệ, bị khốn cùng ở nước Thương và nước Chu, bị vây ở giữa hai nước Trần và Thái. Vì gặp những tai họa đó mà thân thích càng ngày càng xa tôi, học trò và bạn bè ngày càng li tán. Nguyên do tại đâu?
Thầy Tang Hô đáp:
– Ông có nghe thời nước Cá suy không? Khi trốn đi Lâm Hồi liệng một ngọc bích đáng giá ngàn vàng, cõng đứa con nhỏ mà chạy. Có người bảo Lâm Hồi: “Xét về giá trị tiền bạc thì đứa bé không bằng ngọc bích; xét về sự công kềnh thì nó cồng kềnh hơn ngọc bích nhiều. Vậy tại sao lại liệng ngọc bích mà cõng đứa con chạy?”.
Lâm Hồi đáp: “Người ta quý ngọc bích là vì lợi, mà yêu con là do tính trời”.
Vì lợi mà kết hợp với nhau thì khi gặp khốn cùng hoạn nạn sẽ bỏ nhau, còn kết hợp với nhau vì tính trời thì khi gặp khốn cùng hoạn nạn sẽ nâng đỡ nhau. Nâng đỡ nhau và bỏ nhau, hai cái đó khác nhau rất xa.
Người quân tử giao du với nhau, tình như nước lã; kẻ tiểu nhân giao du với nhau nồng như rượu.
Tình người quân tử nhạt mà càng thân, tình kẻ tiểu nhân nồng mà sẽ tới sự tuyệt giao.
Không vì lợi mà hợp nhau thì cũng không vì lợi mà chia rẽ nhau.
Khổng tử bảo:
– Tôi xin kính cẩn nghe thầy.
Rồi ông vui vẻ đi chầm chậm về nhà, thôi không dạy học, đọc sách nữa. Môn đệ không xa ông nữa những yêu ông nhiều hơn trước nhiều.
Hôm khác Tang Hô lại bảo Khổng tử:
– Vua Thuấn lúc lâm chung khuyên ông Vũ: “Phải cẩn thận đấy. Dáng điệu động tác phải tự nhiên mà tình cảm phải thành thực. Dáng điệu tự nhiên thì không rời bản tính của mình, tình cảm thành thực thì không lao tâm. Không rời bản tính, không lao tâm thì không phải dũng lễ văn để trau chuốt bề ngoài mà không phải tùy thuộc ngoại vật.
(Trang tử, chương XX Cây trong núi – Nguyễn Hiến Lê)