Sư Thích Minh Tuệ – Với đôi dòng cảm nhận – Dương Minh Tiến

Từ chia sẻ của người thợ cắt tóc trong con hẻm nhỏ…

Nhiều năm nay tôi vẫn có thói quen đến cắt tóc tại cửa hiệu của một người đàn ông trung niên có mái tóc hoa tiêu. Hiệu cắt tóc nằm trên một con hẻm nhỏ, không biển, không tên nhưng không lúc nào là không có khách ngồi chờ với tờ báo hoặc cuốn sách trên tay.

Như mọi khi, sáng nay tôi đến hiệu cắt tóc. Vừa đọc được mẩu tin trên tờ báo mới, tôi được gọi đến lượt. Sau màn chào hỏi quen thuộc, tôi hỏi anh thợ cắt tóc có biết thông tin về sư Thích Minh Tuệ không. Anh trả lời có đọc và xem một số video được đăng trên báo và mạng xã hội. “Anh có cảm nhận gì về hiện tượng này?”, tôi hỏi.

Vừa đi những đường kéo thanh thoát, anh vừa tươi cười nói với tôi rằng anh ít khi đi chùa, không hiểu gì về Phật pháp và cũng không quan tâm mấy về những điều trên mạng nói về sư Minh Tuệ. Nhưng có một điều anh chắc chắn, đó là từ ngày biết đến những việc làm của Sư, suy nghĩ và hành động của anh có nhiều thay đổi.

Anh kể, có bữa đi làm về, người thì mệt mà thời tiết lại nóng nực, thấy mâm cơm trên bàn toàn những món không hợp khẩu vị, anh định có ý trách vợ không biết quan tâm tới chồng con. Chợt một hình ảnh xuất hiện trong đầu, cơn giận lắng xuống, anh từ tốn nói với vợ:

– Nhà mình có biết sư Minh Tuệ không, ông là nhà tu hành đang học và làm theo những lời Phật dạy. Ông đi bộ với đôi chân trần từ Nam tới Bắc. Ngày ngày ông đến từng nhà để xin ăn, ai cho gì thì ăn đấy, nhưng ông chỉ nhận đồ chay và mỗi ngày chỉ ăn một bữa trước 12 giờ trưa. Đời sống kham khổ như vậy, mà ai khi tiếp xúc cũng cảm nhận được sự an vui từ ông.

Rồi anh kể về những bước chân bộ hành, về những nơi mà sư Minh Tuệ đã đi qua… Cùng với câu chuyện về sư Minh Tuệ, vợ con anh đã có một bữa cơm, mà lâu lắm rồi anh mới lại có được cái cảm giác ấm áp đến vậy.

Kể đến đây, anh dừng tay kéo, lấy miếng bông gòn, cử chỉ nhẹ nhàng anh phủi những sợi tóc vương trên má tôi. Ánh mắt như chợt nhận ra điều gì đó, anh nói: “Từ trước tới giờ mình cứ tưởng chỉ có sự đủ đầy về vật chất mới mang lại được hạnh phúc và yên vui. Quả thực, sư Minh Tuệ và những việc Sư đang làm khiến ta phải ngẫm lại…”.

*

… Đến nụ cười của bà bán rau ở góc cuối chợ

Gần nhà tôi ở có một cái chợ tạm tự phát sinh do nhu cầu của người dân sống chung quanh. Chợ dù nhỏ nhưng từ sáng tới chiều vẫn tấp nập kẻ bán người mua.

Tôi nấu ăn không giỏi nhưng thi thoảng vẫn đi chợ và vào bếp, đặc biệt là khi tiếp những người bạn tâm giao. Mỗi khi đi chợ, tôi thường đến gánh rau của một bà bán rau ở góc cuối chợ. Người bán rau trạc tuổi mẹ tôi, dáng người thon nhỏ, khuôn mặt bà ngăm nâu nhiều nếp nhăn nhưng trông rất phúc hậu. Mỗi khi có khách đến dù mua hay không, bà vẫn tươi cười chào hỏi một cách thân thiện.

Có lần tôi hỏi sao nhiều tuổi rồi mà bà vẫn phải làm công việc vất vả như vậy. Bà tâm sự, hoàn cảnh cũng không đến nỗi nào, con cháu cũng không muốn cho bà ra chợ. Nhưng bà thấy mình vẫn còn khỏe, vẫn có thể làm được những việc có ích. Bà thấy vui khi được chuẩn bị những mớ rau sạch, thấy vui khi mỗi ngày được cười nói với nhiều người…

*

Những ngày này tôi hay theo dõi những thông tin liên quan đến sư Minh Tuệ. Được biết ông đã dừng bộ hành và ẩn tu. Những người đi theo ông “ai đã về nhà nấy” và tiếp tục lựa chọn con đường cho riêng mình, sống cuộc đời của mình.

Từ bước chân bộ hành của sư Minh Tuệ, tôi nghĩ đến những đường kéo thanh thoát và cử chỉ nhẹ nhàng của người thợ cắt tóc trong con hẻm nhỏ, nghĩ đến những mớ rau sạch và nụ cười thân thiện của bà bán rau ở cuối cái chợ tạm gần nhà. Là một khách hàng, đối với tôi, người thợ cắt tóc và người bán rau, họ đã rất “thành công” trong công việc của mình.

Còn sư Minh Tuệ thì sao? Theo lý thông thường, Sư có thành công hay không dưới góc độ của một nhà tu hành là do góc nhìn và đánh giá của riêng mỗi người. Nhưng sự “thành công” đối với cá nhân Sư, tôi nghĩ ít ra được thể hiện ở những bước chân trên những con đường Sư đã đi qua, mà những bước chân đó có được an lạc, được thảnh thơi hay không thì chỉ có Sư mới cảm nhận được.

Và theo thời gian, hiện tượng về sư Minh Tuệ với những được – mất, khen – chê, tốt – xấu, khổ đau – hạnh phúc sẽ như lẽ vô thường ở đời. Nhưng từ bước chân của Sư, đến đường kéo của người thợ cắt tóc và nụ cười thân thiện của bà bán rau sẽ luôn hiện hữu ở đâu đó trong cuộc đời này. Có điều ta có đủ bình tâm để cảm nhận và thấy được những sự thật đó hay không mà thôi./.

Dương Minh Tiến.

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *