Tết Trùng Thập là gì?
Tết Trùng Thập hay còn gọi là tết Song Thập, đây là ngày Tết truyền thống của nhiều người dân trên các vùng miền Việt Nam từ xưa đến nay. Sở dĩ có tên gọi là ngày Tết, ngày Lễ Trùng Thập bởi nó được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng 10 âm lịch hàng năm (ngày song thập 10/10).
Lễ Tết Trùng Thập được nhắc đến như một dịp với ý nghĩa là ngày Tết Cơm mới tháng 10 hay Tết Thầy Thuốc.
Tết này còn gọi là Hạ Nguyên để đối với Thượng Nguyên (ngày 15 tháng Giêng) theo tục lệ Đạo Phật.
Nguồn gốc, Ý nghĩa Tết Trùng Thập – Ngày song thập là gì?
Nguồn gốc tết Trùng Thập
Tết Trùng Thập là ngày Tết thầy thuốc bởi Theo quan niệm và sách Dược lễ ngày 10-10 âm lịch hàng năm là thời điểm mà những cây thuốc tụ được khí – âm dương và kết được tứ tiết Xuân – Hạ – Thu – Đông nên có chất lượng tốt nhất. Vì vậy mà những người làm nghề thầy thuốc xem đây là một ngày lễ tết quan trọng.
– Tết Trùng Thập là ngày Tết Cơm mới (Lễ Thường Tân) bởi theo truyền thuyết xưa đây là thời điểm vụ mùa tháng 10 đã phơi gặt xong và người dân muốn cảm tạ ơn của Thần Nông – vị thần cai quản việc nông nghiệp thời gian qua đã quan tâm và chăm sóc ruộng vườn, cho kết quả thu hoạch, cuộc sống ấm no. Hàng năm đúng ngày 10 hoặc ngày 15 tháng 10 người dân sẽ làm lễ cúng cơm mới cảm tạ Thần Nông và cầu mong một vụ mùa mới bội thu hơn.
Hoặc theo cách lý giải khác thì hàng năm cứ đúng ngày Trùng Thập 10 -10 Thiên Đình sẽ cử thần Tam Thanh xuống nhân gian để thị sát và về báo cáo Ngọc Hoàng. Người dân để đón mừng và cầu mong Thần Tam Thanh ban phước đã dùng gạo mới thu hoạch được làm lễ cúng khấn tế thần mong sẽ được Thần về tâu với ngọc Hoàng xin ban phúc lành, vụ mùa sau thuận lợi, bội thu, ấm no.
Một cách lý giải khác, đây là thời điểm gặt hái, thu hoạch nên người dân dùng chính thóc lúa mới để cúng tiến, báo cáo với ông bà tổ tiên về thành quả năm nay đồng thời tưởng nhớ Tiên Nông (tiên của đồng ruộng), mừng gặt hái thuận lợi, mong mùa sau tiếp tục thắng lợi.
Chính vì vậy mà mùng 10 tháng 10 mới gọi là lễ mừng cơm mới hay lễ thường tân. Mọi người nô nức dùng gạo mới để làm bánh dày, thổi cơm, luộc gà, nấu chè kho cúng và chia cho những người thân thuộc, cùng chung vui với nhau. Năm nào mùa màng tươi tốt thì năm ấy ăn Tết càng to, có khi kéo dài suốt mấy tháng trời, cho tới ngày gieo vụ mới.
Với Phật giáo, có Thượng Nguyên (Rằm tháng Giêng) thì phải có Hạ Nguyên (10 tháng 10 hoặc Rằm tháng 10). Đây là dịp để chúng Phật tử tưởng niệm công đức của chúng chư Phật Bồ Tát, tỏ lòng thành kính với những công lao lớn của các ngài trong việc sáng lập, gìn giữ và phát huy đạo.
Lễ Hạ Nguyên được tổ chức tại chùa, không rầm rộ cầu kì như các Đại Lễ khác nhưng vẫn giữ nguyên sự thành kính đối với đạo và Phật, nhắc nhở chúng đệ tử hướng theo con đường của chính pháp, luôn giữ mình trong sáng và thiện lương theo gương Phật.
Ý nghĩa của ngày tết trùng thập
Theo truyền thống thì một năm những người nông dân sẽ gieo trồng hai mùa vụ lúa. Mùa vụ thứ nhất diễn ra vào thời điểm lập xuân. Mùa vụ thứ hai diễn ra vào mùa hạ. Sau khi gieo cấy hơn ba tháng thì lúa chín và có thể gặt.
Vụ lúa thứ hai trong năm được gặt vào thời điểm tháng 9 âm lịch nên theo phong tục ở một số nơi, để tưởng nhớ vị Tiên Nông và chúc mừng một mùa bội thu, ngày rằm tháng 10 còn có một cái tên khác là Tết cơm mới tháng mười hay Tết Hạ Nguyên.
Theo lịch sử y học cổ truyền dân tộc, vào tháng 10 Âm lịch hàng năm, thời tiết vô cùng thuận lợi và thích hợp cho các cây thuốc quý sinh trưởng một cách tốt nhất với chất lượng cao, đảm bảo.
Theo các thầy thuốc Đông Y thì đây là khoảng thời gian chuyển mùa rõ rệt nên cây thuốc mới có thể tích tụ được khí âm dương, hội tụ được sắc tứ thời. Nên ngày này còn được coi là ngày tết của các thầy thuốc.
Tại các vùng quê, nông thôn Việt Nam vào ngày này mọi nhà thường nấu các loại bánh làm từ gạo (tất cả sử dụng bằng loại thóc mới thu hoạch) như bánh bột lọc, bánh giầy, bánh dẻo,… ngoài ra còn có xôi chè (các loại đồ ăn gần giống với ngày lễ diệt sâu bọ mùng 5 tháng 5 Âm lịch). Đến giờ hoàng đạo thì cúng gia tiên, thần linh, thổ địa.
Vào ngày này mọi người thường ra chùa làm lễ, cúng các vị thần linh, cảm tạ vì đã cho họ được một vụ mùa bội thu. Sau khi thực hiện xong các nghi lễ thì mỗi nhà sẽ đem bánh đi biếu những người thân quen, bạn bè, hàng xóm,…
Đối với các nhà có truyền thống Đông Y lâu đời thì đây là ngày mà họ khoản đãi các đệ tử đồng thời tăng cường thêm các mối quan hệ xã giao với bạn hàng, những khách hàng lâu năm.
Từ xa xưa thì đây sẽ là ngày mà các dược đồng lên núi hái thuốc vì đây là thời điểm mà cây thuốc tốt nhất, sau khi hái về họ sẽ tổ chức một bàn tiệc để ăn mừng.
Tuy vậy nhưng ngày mùng 10 tháng 10 Âm lịch thực chất là Tết của ông Đồng, bà Cốt. Theo dân gian thì ông Đồng, bà Cốt là những người có khả năng đặc biệt, có thể cho thần linh, ma quỷ, hồn người đã chết mượn thể xác của mình để giao tiếp với người còn sống. Ngày này thực chất là ngày lễ lớn của họ và thường làm cỗ bàn linh đình.
Phong tục ngày Tết Trùng Thập ở một số địa phương
Cùng tìm hiểu phong tục tập quán truyền thống ở các vùng miền trên đất nước Việt Nam và ngày Tết Song Thập mùng 10 tháng 10 Âm lịch hay còn gọi là Tết lễ cơm mới tháng 10 nhé!
Ở vùng Việt Bắc hay trên cao nguyên Tây Nguyên:
Vùng Việt Bắc, Tây Nguyên là nơi núi cao hiểm trở, đời sống nhân dân khổ cực vất vả vì vậy mà lương thực đối với họ là rất quan trọng, một vụ mùa “được hay mất” ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của người dân nơi đây.
Lễ hội mừng lúa mới hàng năm là một phong tục lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số sống ở vùng Việt Bắc và cao nguyên Tây Nguyên. Nó có ý nghĩa tôn vinh hạt thóc của “Giàng” ban cho dân làng.
Tại đây người ta tôn thờ “Giàng” một vị linh thần của rừng núi. Vào ngày này người ta sẽ cúng trời đất, các vị thần sông, suối, núi, rừng và không thể thiếu đó là “Giàng” với mục đích cầu mưa thuận gió hòa.
Việc tổ chức lễ lớn hay nhỏ là tùy thuộc vào năm đó thu hoạch được nhiều hay ít. Người chủ gia đình trong ngày này sẽ mời bà con, họ hàng, bạn bè các buôn làng bên cạnh tới cùng vui chơi, ăn uống và múa hát.
Mỗi gia đình đều lấy số lượng khách tới tham gia để so sánh, ai có đông người tới thì cảm thấy rất vinh dự và “mát mặt” với hàng xóm láng giềng.
Sau khi kết thúc việc cúng thần, hồn lúa và tổ tiên các gia đình sẽ tập trung lại và cùng nhau đánh chiêng, trống, ca hát, nhảy múa,…
Đối với một số vùng nông thôn gọi Tết Trùng Thập nôm na là tết Cơm mới, tết Thường tân. Các nhà lấy gạo mới làm bánh dày, thổi cơm và luộc gà dâng cúng gia tiên và thần, Phật mừng được mùa. Người ta cũng thường làm bánh giầy, nấu chè kho để cúng gia tiên rồi đem biếu những người thân thuộc.
Ở các vùng đồng bằng
Với vùng châu thổ sông hồng, sông cửu long, các làng mạc từ miền Bắc vào miền Nam, tết mừng được mùa gọi là tết cơm mới ngày 10 tháng 10 đang giữa mùa gặt.
Có nơi còn gộp tổ chức Tết Cơm mới tháng mười (còn gọi là Tết Hạ nguyên) vào ngày rằm Tháng Mười hay ngày 31 tháng 10 Dương lịch để nhớ đến công của Tiên Nông (tiên của ruộng đồng) và để ăn mừng việc gặt hái của vụ mùa đã xong.
Các dân tộc khác nhau thì sẽ có cách thức tổ chức ngày lễ và cách thức ăn mừng cũng khác nhau.
+ Tộc người J’rai và Bahnar: lễ mừng lúa mới của họ diễn ra trong thời gian khá dài từ tháng 11 dương tới hết tháng Giêng năm sau.
+ Người Mạ: có phong tục là giết trâu để mừng lễ cơm mới.
+ Người Ê đê: không tổ chức chung mà riêng theo từng hộ gia đình. Phụ nữ lo việc bếp núc, nấu nướng. Đàn ông thì lo rượu cần, chuẩn bị heo, gà để giết thịt.
Đối với những dân tộc sống trên dãy núi Trường Sơn thì mừng lúa mới là lễ hội ra đời sớm nhất trong các lễ hội của đồng bào nơi đây. Cuộc sống của họ gắn liền với các ruộng lúa, ngô, khoai, sắn,… vì vậy nên lễ mừng lúa mới là một lễ hội thiêng liêng và mang ý nghĩa về mặt tâm linh vô cùng lớn đối với họ.
Bài văn khấn ngày Tết Trùng Thập và Hạ Nguyên
Có thể thấy những ngày lễ trong tháng 10 âm lịch bao gồm ngày Lễ – Tết Trùng Thập (Song Thập) và Tết Hạ Nguyên đều được tổ chức vào ngày 10-10 âm lịch hàng năm với ý nghĩa cảm tạ công ơn, cầu bình an, may mắn, thịnh vượng cho gia đình. Bởi vậy, hàng năm vào ngày Song Thập 10/10 hoặc Rằm tháng 10 đừng quên sắm lễ cúng tích tụ công đức, chiêu an, đắc lộc trong năm và những năm tới.
Vào các ngày này ngoài sắm lễ cúng theo phong tục địa phương thì chắc chắn không thể quên được các bài cúng, văn khấn ngày Tết Trùng Thập và Tết Hạ Nguyên giúp mọi việc diễn ra đúng nghi lễ và gia chủ có được nhiều điều như ý.
Mời bạn tham khảo Bài văn khấn ngày Tết Trùng Thập/Hạ Nguyên cho tổ tiên do Hòa thượng Thích Phước Đạt hướng dẫn như sau:
“Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Con kính lạy chín phương trời, mười phương Phật.
Con kính lạy Hoàng thiên Hậu thổ chư vị tôn thần.
Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ thổ địa, ngài Bản gia táo quân cùng chư vị Tôn thần.
Con kính lạy Cao tằng tổ khảo, Cao tằng tổ tỷ, thúc bá, đệ huynh, cô di, tỷ muội họ nội, họ ngoại.
Tín chủ chúng con là… ngụ tại…
Hôm nay là ngày mồng mười/rằm tháng Mười là ngày Tết Cơm mới/Tết Hạ Nguyên
Chúng con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, nấu cơm gạo mới, trộm nghĩ:
Cây cao bóng mát
Quả tốt hương bay
Công tài bồi xưa những ai tạo
Của quý hóa nay con cháu hưởng
Ơn trời đất Phật Tiên, chư vị Tôn thần
Sau nhờ ơn tổ tiên gây dựng, kể công tân khổ biết là bao
Đến nay con cháu dồi dào, hưởng miếng trân cam
Nay nhân mùa gặt hái
Gánh nếp tẻ đầu mùa
Nghĩ đến ơn xưa
Cày bừa vun xới
Sửa nồi cơm mới
Kính cẩn dâng lên
Thường tiên nếm trước
Mong nhờ tổ phước
Hòa cốc phong đăng
Thóc lúa thêm tăng
Hoa màu tươi mới
Làm ăn tiến tới
Con cháu được nhờ
Lễ tuy đơn sơ
Tỏ lòng thành kính.
Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng, chư vị Đại vương, ngài Bản xứ thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần. Cúi xin các ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con mời các cụ tổ khảo, tổ tỷ, chư vị hương linh tiên ngoại họ…, cúi xin thương xót con cháu, linh thiêng hiện về chứng giám, tâm thành thụ hưởng lễ vật. Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)”.
Từ xưa đến này ngày Tết Trùng thập luôn là một ngày có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh người Việt và thường sắm lễ đủ đầy, đứng trước bàn thờ gia tiên đọc văn khấn ngày Tết Trùng Thập với mong muốn tạ ơn thần linh, tổ tiên đã phù hộ và mong cho những điều tốt lành đến.
Mong rằng những chia sẻ trên đây sẽ giúp cho bạn đọc có thể hiểu, chuẩn bị và làm lễ thành tâm, chu đáo nhất.
(St)