Thăm mả cũ bên đường – Tản Đà

Tản Đà (1889 – 1939)

Chơi lâu nhớ quê về thăm nhà
Đường xa, người vắng, bóng chiều tà
Một rẫy lau cao, làn gió chạy
Mấy cây thưa lá, sắc vàng pha

Ngoài xe chơ một đống đất đỏ
Hang hốc đùn lên đám cỏ gà
Người nằm dưới mả, ai ai đó?
Biết có quê đây, hay vùng xa?

Hay là thủa trước kẻ cung đao?
Hám đạn, liều tên, quyết mũi dao
Cửa nhà xa cách, vợ con khuất
Da ngựa gói bỏ lâu ngày cao

Hay là thủa trước kẻ văn chương?
Chen hội công danh nhỡ lạc đường
Tài cao, phận thấp, chí khí uất
Giang hồ mê chơi quên quê hương

Hay là thủa trước khách hồng nhan?
Sắc sảo khôn ngoan giời đất ghen
Phong trần xui gặp bước lưu lạc
Đầu xanh theo một chuyến xuân tàn

Hay là thủa trước khách phong lưu?
Vợ, con, đàn hạc đề huề theo
Quan san xa lạ đường lối khó
Ma thiêng, nước độc, phong sương nhiều

Hay là thủa trước bậc tài danh?
Đôi đôi, lứa lứa, cũng linh tinh
Giận duyên, tủi phận, hờn ân ái
Đất khách nhờ chôn một khối tình!

Suối vàng sâu thẳm biết là ai
Mả cũ không ai kẻ đoái hoài!
Trải bao ngày tháng trơ trơ đó
Mưa dầu, nắng giãi, giăng mờ soi

Ấy thực quê hương con người ta
Dặn bảo trên đường những khách qua:
Có tiếng khóc oe thời có thế
Trăm năm ai lại biết ai mà!

(Bài thơ này từng được sử dụng trong phần đọc thêm SGK Văn học 11 giai đoạn 1990-2006, nhưng đã được lược bỏ trong SGK Ngữ văn 11 từ 2007.)

Nguồn:
1. Tản Đà, Khối tình con – Quyển thứ nhất, Tản Đà thư cục in lần thứ hai, 1918
2. Thơ Tản Đà, Nghiêm Hàm ấn quán xuất bản, 1925

*

Thăm mả cũ bên đường được in trong tập Khối tình con 1, sáng tác khoảng năm 1916 trong một lần về quê hương. Theo nhiều nhà phê bình, chỗ kỳ diệu của bài thơ là từ chỗ “chơi lâu, nhớ quê về thăm nhà” mà thành “thăm mả cũ bên đường”, thăm một quê hương cụ thể mà đi đến quê chung của nhiều người. 

Cái riêng cứ như thu lại để cho cảm xúc thương người, thương đời lan tỏa. Từng con người, từng mảnh đời lần lượt hiện lên, trong những hoàn cảnh khác nhau của đời sống, mỗi người một vẻ, cái chết cũng không giống nhau.

Họ gặp lại nhau đều là những con người tài hoa, tài tử, đã sống hết mình cho khát vọng và đều chết ở nơi đất khách quê người. Họ hiện lên với niềm xót thương đồng cảm không nguôi của nhà thơ” (Theo Vnspress)

*

Bài thơ này làm tự những năm đầu của thế kỷ 20, phản ánh rất nhiều nhân sinh quan của nhà thơ.  Chỉ nhìn một nấm đất bên đường mà mường tượng ra năm loại người có thể đã nằm dưới đó, nhà thơ thật nhiều tư tưởng phong phú.

Ông tưởng tượng người nằm dưới mả là một chiến sĩ, sa trường da ngựa bọc thây, vợ con xa cách, vùi thân nơi đất người. Cũng có thể là một chàng học trò, thi mãi chẳng đỗ, cuối cùng thân bại danh liệt, sa vào tửu sắc và chết vô thừa nhận. Lại có thể là một cô gái phong trần lưu lạc và bệnh hoạn hay tuổi già bị xã hội ruồng bỏ, nằm xuống cũng như Đạm Tiên vậy. Hay là một người giàu có, phung phí tiền của vào những cuộc vui trong đời, đến cuối cùng chết vì ma thiêng chướng khí. Hoặc một trang giai nhân bị người đời xé tan nát cuộc đời và ruồng rẫy cuối cùng đã quyên sinh cho khỏi lầm than. (Dám có thể là một trang công tử!) Cả năm mẫu người tưởng tượng đó đều chấm dứt bằng một số phận: “Mả cũ không ai kẻ đoái hoài”

Dĩ nhiên chưa chắc người nằm dưới mả cũ bên đường ấy đã là một trong năm con người tưởng tượng kia. Nhưng dưới suy tư của một nhà thơ, ta cũng không khỏi bùi ngùi thương tiếc. Quê hương của đời người, dù là ai, cũng vẫn là một nấm đất hay một nơi chôn cất nào đó. Dù sang trọng, có người thăm nom, cúng kiến hay bị bỏ mặc bên đường, cũng vậy thôi.

Hành trình đời người, dù là ai, cũng sẽ dừng lại ở một nấm mồ, ở cát bụi. Bao nhiêu thành công hay thất bại cũng chấm dứt ở đó. Một thời gian sau đó, không ai còn nhớ đến nữa. Tản Đà gọi nấm đất bên đường hay bất cứ ngôi mộ nào, cũng là quê hương con người ta. Ôi, phải chăng cát bụi là quê hương, nơi sống ở thác về? 

Thật ra đó mới chỉ là cái nhìn về thân xác, tức là thể chất hữu hình của con người. Xác người nằm bên đường, hay trong nghĩa trang nào đó, nhưng linh hồn đi về đâu? Nhà thơ không nêu câu hỏi này, vì quan niệm chết là hết.

Quan niệm đơn giản như thế cũng tạm yên, nhưng con người với tất cả khôn ngoan và óc sáng tạo, không thể cùng vạn vật ngã xuống bụi đất và chấm dứt. Ai cũng biết như thế, người vô thần cũng còn tin như vậy, tin rằng không phải chết là hết. (Theo Liễu Chương Đài – Nguồn https://httlvn.org)

*

Bạn cũng có thể thích..

1 Bình luận

  1. Trịnh Công Minh says:

    Bài thơ tuyệt vời! mà mấy lời bình thì có vẻ chưa ổn lắm. Xin được nêu ra để cùng đàm luận.
    ***
    Vnspress bình “Họ hiện lên với niềm xót thương đồng cảm không nguôi của nhà thơ” đúng mà chưa đủ. Theo tôi, nhà thơ chỉ đang ngẫm đời để thương mình mà thôi. Mình đang về thăm quê, mà quê mình thực sự ở đâu đây? Có còn ai nhớ tới mình không hay lại cũng “Trăm năm ai lại biết ai mà!”. Vậy theo Tản Đà quê hương đâu chỉ là nơi mình sinh ra đâu.
    ***
    Còn Liễu Chương Đài thì lại có nhận định thiên về quan điểm tâm linh: “Quan niệm đơn giản như thế cũng tạm yên, nhưng con người với tất cả khôn ngoan và óc sáng tạo, không thể cùng vạn vật ngã xuống bụi đất và chấm dứt. Ai cũng biết như thế, người vô thần cũng còn tin như vậy, tin rằng không phải chết là hết.” Nghe thật nực cười! Có là con bò thì nó cũng tự cho nó là khôn ngoan thôi. Tự tách biệt loài người ra khỏi vạn vật là một suy nghĩ ngông cuồng và thiển cận.
    ***
    Tôi có một câu hỏi cho những ai đã đọc bài thơ này: Vậy theo các bạn, quê của Tản Đà ở đâu?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *