(BGĐT) – Thân Nhân Trung là danh nhân lịch sử, văn hóa xuất sắc của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XV. Ông người xã Yên Ninh, huyện Yên Dũng, xứ Kinh Bắc, nay là thôn Yên Ninh, thị trấn Nếnh (Việt Yên). Hơn 50 tuổi ông mới tham gia kỳ thi Hội khoa thi Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469) đỗ Hội nguyên, vào kỳ Điện thí đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân.
Thân Nhân Trung tuy xuất sĩ muộn màng nhưng với tài năng mẫn tiệp lại trung thành tận tụy phò vua giúp nước nên quan lộ rất hanh thông, vẻ vang sự nghiệp. Ngay sau khi đăng khoa, ông được bổ giữ chức Hàn Lâm viện thị độc, sau thăng Hàn Lâm viện thừa chỉ, kiêm Đông các đại học sĩ, kiêm Quốc Tử giám Tế tửu. Sau được thăng giữ chức Lễ bộ Thượng thư. Một số sách đăng khoa lục, Dư địa chí ghi ông làm quan đến chức Lại bộ Thượng thư, Nhập nội phụ chính rồi trí sĩ và mất tại quê nhà vào năm 1499.
Trong lịch sử dân tộc, hiếm có một bề tôi nào trung thành, tận tụy cống hiến được ưu ái lưu giữ chức quan đến cuối đời và chỉ trí sĩ khi ở tuổi ngoài tám mươi như Thân Nhân Trung. Và cũng thật hiếm có bề tôi nào được triều đình tin tưởng trao nhiều trọng trách và để lại tiếng thơm muôn thủa như Tiến sĩ Thân Nhân Trung. Ông xứng đáng được tôn vinh là “bề tôi cái thế” (bề tôi có tài năng, công lao che lấp mọi thời đại).
Để giới thiệu về tài năng, đức độ cũng như sự tỏa sáng của trí tuệ Thân Nhân Trung trên đường công danh sự nghiệp trước tiên phải nhắc đến học nghiệp của ông được sử sách lưu truyền. Năm 1469, ông mới tham gia kỳ thi Hội khoa thi Kỷ Sửu. Đây là kỳ thi vô cùng quan trọng, khoa thi này có mấy nghìn sĩ tử cả nước tham dự nhưng chỉ lấy đỗ 22 người, Thân Nhân Trung vinh dự đỗ Hội nguyên (Tiến sĩ đầu đỗ kỳ thi Hội), nhưng rất tiếc vào thi Đình (Điện thí) ông chỉ đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.
Sau khi vinh quy bái tổ, ông được triều đình bổ ngay giữ chức Hàn lâm viện Thị độc, chức quan đứng thứ hai ở Viện Hàn lâm chuyên nhiệm vụ soạn thảo chế, cáo, chiếu, chỉ…. Khởi đầu cho hoạn lộ mà được triều đình gửi gắm, trao giữ chức quan này phải là người có tài năng văn chương xuất chúng. Giữ chức quan này mấy năm ông được thăng chức Hàn lâm viện Thừa chỉ đứng đầu ở Viện Hàn lâm dưới thời vua Lê Thánh Tông, kiêm chức Đông các đại học sĩ kiêm giữ chức Tế tửu Quốc tử giám. Chức quan Đông các đại học sĩ nguyên có nhiệm vụ như Hàn lâm viện Thừa chỉ, nhưng kiêm thêm nhiệm vụ phụng mệnh sửa chữa bài chế cáo thơ ca, văn thư và lo việc tiến cử quan chức của triều đình.
Tế tửu Quốc Tử giám là chức quan đứng đầu Quốc Tử Giám, được xem như hiệu trưởng trường đại học duy nhất của quốc gia thời bấy giờ. Theo một số tài liệu như Đăng khoa lục, Địa dư chí thì những năm cuối đời, Tiến sĩ Thân Nhân Trung được giao trọng trách giữ chức Thượng thư bộ Lễ (phụ trách lễ nghi, lễ tự, thết tiệc, giáo dục khoa cử, học hành của quốc gia) và Thượng thư bộ Lại (có nhiệm vụ tuyển bổ, thăng giáng, lựa chọn, khảo sát, phong chức tước cho quan lại). Sách Nguyễn Phi Khanh thi tập cho biết, cuối đời ông được giao chức Nhập nội phụ chính là chức quan đứng sau Tể tướng được dự bàn chuyện cơ mật của triều đình.
Về ngoại giao, vào năm Hồng Đức thứ 6 (1475) vì mến tài năng ứng đáp, ông được vua Lê Thánh Tông giao việc tiếp đón, tống tiễn sứ giả nhà Minh là Quách Cảnh về nước và hoàn thành tốt nhiệm vụ bang giao được vua nhất tâm sủng ái. Về trí tuệ văn chương, ông được vua Lê Thánh Tông đánh giá rất cao và bốn lần cử làm Độc quyển các kỳ thi Đình. Điều đặc biệt là trong những kỳ làm Độc quyển có hai khoa thi có con trai và người làng Yên Ninh (quê ông) đỗ đại khoa mà không để lại điều tiếng gì trong lịch sử chứng tỏ ông là bề tôi trung thực, mẫn cán và được vua tuyệt đối tin dùng.
Thân Nhân Trung cũng là người khai khoa cho truyền thống hiếu học, khoa cử của làng Yên Ninh với 10 nho sinh ưu tú đỗ đại khoa và được người đời tôn vinh là “làng Tiến sĩ”. Vua Lê Thánh Tông từng có thơ ca ngợi nhà họ Thân: Thập Trịnh đệ huynh liên quý hiển/ Nhị Thân phụ tử mộc ân vinh (Mười anh em nhà họ Trịnh nối nhau quý hiển/ Hai cặp cha con nhà họ Thân tắm gội ân vinh).
Về trước tác của Tiến sĩ Thân Nhân Trung tuy chưa được sưu tầm đầy đủ nhưng cũng khá phong phú. Năm Hồng Đức 14 (1483), khi đang giữ chức Hàn lâm viện thừa chỉ, kiêm Đông các đại học sĩ, ông được vua Lê Thánh Tông sai biên soạn và làm chủ biên bộ sách “Thiên Nam dư hạ tập” và “Thân chinh ký sự”. Sách gồm 100 quyển do chính ông viết lời tựa ghi chép đầy đủ về các chế độ, luật lệ, văn hàn, điển lệ, cáo sắc… nhưng nay chỉ còn lưu được bài tựa của Thân Nhân Trung.
Năm Hồng Đức thứ 15 (1484) phụng mệnh vua trao, Thân Nhân Trung đã soạn bài văn bia “Đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442)”. Đây là tấm bia đầu tiên dựng ở Văn Miếu Thăng Long do vua Lê Thánh Tông khởi xướng định lệ khắc bia đề danh tiến sĩ ở nước ta. Đây được xem là bài văn nghị luận mẫu mực tôn vinh đạo học, ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị của quốc gia. Trong bài văn bia này, Thân Nhân Trung đã khéo vận dụng tri thức tiền nhân, đề cao nguyên khí quốc gia gắn với việc kén chọn và sử dụng nhân tài của các bậc đế vương và đưa ra chân lý bất hủ đến nay vẫn ấm nóng tính thời sự: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mẽ, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn…”.
Năm 1494, vua Lê Thánh Tông chủ xướng thi xã cung đình gọi là hội Tao Đàn, đích thân nhà vua xưng là hội chủ đã quy tụ 28 nhà khoa bảng vào hội. Nhà vua đã tôn vinh Thân Nhân Trung là Tao Đàn phó soái. Những bài thơ xướng họa của vua tôi được tập hợp trong sách “Quỳnh uyển cửu ca” và “Minh lương cẩm tú” còn lưu đến tận hôm nay.
Vị Hoàng đế anh minh Lê Thánh Tông qua đời năm 1498, vua Hiến Tông kế vị đã an táng vua cha ở Chiêu Lăng tại Lam Sơn đất tổ phát tích vương triều Lê và đã kính tín sai lão thần Thân Nhân Trung soạn bài văn bia Thánh Tông Chiêu lăng bi minh tịnh tự (Bài minh và lời tựa trên bia Chiêu Lăng Lê Thánh Tông). Ngoài hai bài văn bia nổi tiếng trên, ông còn soạn một số văn bia đề danh tiến sĩ dựng ở Văn Miếu Thăng Long và những văn bia quan trọng khác.
Gần ba mươi năm tận tâm trên quan trường thời kỳ “vua sáng, tôi hiền”, là người được Hoàng đế Lê Thánh Tông sủng ái giao nhiều trọng trách, hầu như ở cương vị nào Thân Nhân Trung cũng được đứng đầu đảm nhiệm trọng trách và làm hài lòng đấng minh vương. Có thể nói, thời đại Lê Thánh Tông huy hoàng trong lịch sử có phần công sức cống hiến to lớn của Tiến sĩ Thân Nhân Trung. Trong những trang vàng lịch sử dân tộc, thật hiếm thấy có một danh thần nào được ca ngợi tôn vinh như Tiến sĩ Thân Nhân Trung. Ông thật xứng danh được tôn vinh là “bậc tôi hiền cái thế”.
Đất nước đang chuyển sang mùa xuân mới, mùa xuân Mậu Tuất (2018), cũng là dịp chuẩn bị kỷ niệm 600 năm sinh của Tiến sĩ Thân Nhân Trung. Xin được thắp nén tâm nhang tưởng nhớ người, một danh nhân lịch sử, văn hóa xuất sắc của dân tộc Việt Nam.
Nguồn: Báo Bắc Giang điện tử. Tác giả: TS. Nguyễn Văn Phong