Đức hạnh của Benjamin Franklin

Con đường đi đến thành công theo cách của Franklin

Benjamin Franklin (1706 – 1790)

Benjamin Franklin (1706-1790) là triết gia, nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà văn, nhà hoạt động xã hội, chính trị gia và là một trong những nhà lập quốc vĩ đại của nước Mỹ. Ông được cho rằng là người đưa ra ý tưởng một nước Mỹ và là người khai sáng. Ông là người duy nhất đã ký tên vào cả bốn văn kiện quan trọng thành lập Hợp chủng quốc Hoa Kỳ gồm: Tuyên ngôn độc lập; Hiệp ước đồng minh với Pháp; Hiệp ước hoà bình với Anh; Hiến pháp Hoa Kỳ.

Ông được công nhận là người đa tài và thành công trên nhiều lĩnh vực. Trên lĩnh vực chính trị ông là Chủ tịch Hội đồng hành pháp tối cao Pennsylvania. Trên phương diện ngoại giao ông là đại sứ toàn quyền tại Pháp và Anh. Trên phương diện khoa học ông đã phát minh ra cột thu lôi. Trên phương diện giáo dục ông là người thành lập học viện và nay là Đại học Pennsylvania.

Điều gì đã tạo nên sự thành công của Franklin? Ông cho rằng không có điều gì có thể mang lại sự thịnh vượng cho một người bằng đức hạnh của người ấy. Ông đã viết một cuốn sách và đặt tên nó là “Nghệ thuật đức hạnh”. Cuốn sách đưa ra cách thức và biện pháp để đạt được đức hạnh. Franklin cho rằng đức hạnh có mười ba đức tính, ông đã liệt kê và kèm theo những lời huấn thị.

Mười ba đức tính gồm: Chừng mực: Không ăn đến chán, không uống quá nhiều; Yên lặng: Chỉ nói những gì cho người khác hoặc bản thân; tránh những chuyện vặt vãnh không đâu; Trật tự: Sắp xếp mọi thứ theo trật tự và phân chia công việc theo thời gian dành riêng; Kiên định: Quyết tâm làm điều phải làm và đã làm thì làm cho bằng được; Tiết kiệm: Không tiêu pha gì khác ngoài những thứ tốt cho bản thân hoặc kẻ khác; tỷ như không hoang phí bất cứ thứ gì; Siêng năng: Không phí hoài thời gian vô ích; luôn sử dụng thời gian vào những việc hữu ích và loại bỏ những việc làm không cần thiết; Thành thật: Không sử dụng mánh khoé để hại người, suy nghĩ ngay thẳng, công bằng và nói đúng những gì ta nghĩ trong đầu; Công bằng: Không làm điều xấu với bất cứ ai, hay gạt bỏ bổ phận của bản thân phải mang lại lợi ích cho kẻ khác; Điều độ: Tránh sự thái quá, hãy chịu đựng những tổn hại chừng nào vẫn còn cho đó là đủ; Sạch sẽ: Giữ gìn sạch sẽ bản thân, phục trang và nơi ở; Thanh tịnh: Không bị phân tâm hay lo âu bởi những điều vặt vãnh, những rủi ro thông thường hoặc bất khả kháng; Thuỷ chung: Điều tiết sinh dục, chỉ để duy trì sức khoẻ và nòi giống. Không vì chán nản, yếu đuối hoặc làm tổn hại đến sự yên bình và thanh danh của bản thân và kẻ khác; Khiêm nhường: Noi gương chúa trời và Socrates.

Trong tự truyện, Ông viết: “Dù ý định của ta là đạt được thói quen tốt dựa trên tất cả các đức tính kể trên, ta cho rằng không nên xao nhãng bản thân bằng việc cố đạt được tất cả cùng một lúc mà thay vào đó chỉ rèn luyện từng đức tính riêng biệt. Sau khi đã rèn luyện thành công một đức tính, ta sẽ rèn luyện đức tính tiếp theo cho hết cả mười ba đức tính. Vì khi rèn luyện thành công vài đức tính, nó sẽ giúp cho việc đạt được một vài đức tính khác dễ dàng hơn…”.

Chừng mực là đức tính đầu tiên ông đưa ra để rèn luyện. Có thể ở thời kỳ của ông, việc những chàng thanh niên suốt ngày rượu chè và say xỉn là điều không hiếm. Chừng mực giúp ta có được sự bình tĩnh và tỉnh táo cần thiết để duy trì việc đề phòng và tự bảo vệ những tật xấu dai dẳng và trước ảnh hưởng của cám dỗ liên tục của các tật xấu này.

Yên lặng là đức tính thứ hai. ông viết: “Vì mong muốn lĩnh hội kiến thức cùng với việc rèn luyện thành công các đức tính, và xét thấy kiến thức chỉ có thể được lĩnh hội trong các cuộc trò chuyện bằng việc dùng tai lắng nghe hơn là dùng miệng để nói”. Ông mong muốn bỏ thói quen nói chuyện tầm phào, chơi chữ, nói đùa và cho rằng điều này chỉ thích hợp cho việc kết bạn với những kẻ tầm thường.

Trật tự, đức tính này sẽ giúp cho ta có nhiều thời gian dành cho việc học tập và các dự án. Ông bắt đầu một ngày từ năm giờ sáng với câu hỏi: “Ngày hôm nay ta sẽ làm gì?” Và đi ngủ lúc mười một giờ đêm với câu hỏi: “Ngày hôm nay ta đã làm được những gì?”. Và cứ như vậy ông phân chia thời gian trong ngày và tuân thủ thực hiện theo sự phân chia đó. Điều này lý giải tại sao dù chỉ học trong trường tiểu học có hai năm và bắt đầu đi làm từ khi lên mười tuổi và trong cả quãng đời còn lại ông không hề tham dự vào bất kỳ một trường học nào vậy mà ông có thể nói thành thạo năm thứ tiếng; hai lần được trao bằng tiến sĩ danh dự. Nói về việc học, ông viết: “Thư viện mang lại cho ta phương tiện để mở mang trí tuệ bằng việc mỗi ngày ta dành ra từ một đến hai giờ tự học và việc này giúp ta phần nào bù đắp được sự thiếu thốn giáo dục mà cha ta đã từng muốn ta nhận được. Đọc sách là thú tiêu khiển duy nhất ta cho phép mình. Ta không phí thời gian la cà quán rượu, chơi bời hoặc đùa giỡn dưới bất kỳ hình thức nào và ta vẫn cần cù làm việc không biết mệt mỏi vì điều đó cần thiết…”.

Để có thể rèn luyện được các thói quen còn lại, ông cho rằng cần phải kiên định tức là phải làm cho bằng được những điều đã đặt ra. Và đức tính quan trọng để mỗi người có được thành công, giàu có và danh tiếngđó là siêng năng. Ông đưa ra một câu nói của vua Solomo để giải thích cho ích lợi của đức tính này: “Con có thấy một người cần mẫn trong công việc của mình không? Hắn ta sẽ đứng trước mặt các vị vua, chứ không phải những kẻ tầm thường”. Và thực sự ông đã có dịp đứng trước năm vị vua và cùng ăn tối với một trong năm vị đó.

Để đánh giá việc thực hiện các đức tính, ông đã đưa ra một phương pháp đó là việc đánh giá việc thực hiện mỗi ngày các đức tính đó. Ông viết: “Ta làm một cuốn sổ nhỏ, trong đó mỗi đức tính được dành riêng một trang. Ta kẻ bằng mực đỏ một bảng có bảy cột ở mỗi trang, tượng trưng cho mỗi ngày trong tuần và đánh dấu mỗi cột bằng chữ cái đầu tiên của ngày trong tuần. Và kẻ mười ba hàng ngang cũng bằng mực đỏ, đánh dấu đầu mỗi dòng bằng chữ cái đầu tiên của mỗi đức tính. Mỗi ngày, ta sẽ xem xét và đánh dấu hoa thị cho mỗi lỗi ta mắc phải ở cột đức tính và ngày tương ứng. Ta quyết tâm dành một tuần để rèn luyện cho mỗi đức tính theo thứ tự trong danh sách. Dó đó, trong tuần đầu tiên, ta cố gắng không phạm một lỗi nhỏ nào đến đức tính chừng mực và tạm chưa quan tâm đến các đức tính bên dưới. Ta chỉ xem xét và đánh dấu vào sổ các lỗi vào mỗi buổi tối. Nếu tuần đầu tiên ta có thể giữ cho dòng chừng mực không bị đánh dấu, thì ta tin rằng những thói quen phù hợp với đức tính ấy đã được cải thiện đáng kể, và những thói quen xấu ngược lại với đức tính trên sẽ dần bị loại bỏ. Do đó, ta mạnh dạn tập trung rèn luyện đức tính này và đức tính tiếp theo trong nhiều tuần sau đó, cả hai dòng này đều không bị đánh dấu. Cứ tiếp tục như vậy ta đã hoàn thành một đợt đầu tiên trong mười ba tuần. Và ta sẽ làm bốn đợt như vậy trong một năm. Giống như kẻ nhổ cỏ trong vườn, không cố gắng nhổ cho bằng hết cỏ dại trong một lần. Việc này ắt là quá sức. Nhưng chỉ cố gắng hoàn thành mỗi lần ở một khoảng đất trong vườn. Và sau khi đã nhổ xong ở khoảnh đất đầu tiên, sẽ tiếp tục ở mảnh thứ hai. Ta cảm thấy vui mừng và khích lệ khi ta quan sát thấy tiến bộ mỗi ngày của ta trên trang giấy: Đó là xoá dần đi những dấu sai phạm, cho đến ngày cuối cùng, sau rất nhiều nỗ lực và thời gian, ta sẽ hạnh phúc khi nhìn cuốn sổ không còn dấu hoa thị nào khi tự đánh giá chặt chẽ mỗi ngày sau mười ba tuần”.

Khi nói chuyện với Công Minh về Franklin. Công Minh nói Franklin phải là một con người phi thường thì mới có thể thực hiện các nguyên tắc một cách chuẩn mực như vậy. Thực ra, Franklin cũng chỉ thực hiện và làm những việc như bao người bình thường vẫn làm. Chỉ có khác là ông kiên trì thực hiện và thường xuyên theo dõi và đánh gía sự rèn luyện của bản thân, luôn tìm cách để động viên và khích lệ bản thân.Chính những việc làm bình thường đó khiến ông trở thành một con người phi thường.

Mỗi sáng khi thức dậy, việc đầu tiên mà ông làm đó là cầu nguyện. Những lời cầu nguyện thể hiện một niềm tin sắt đá về một sự thành công và về một tương lai rạng rỡ. Ông viết: “Lạy Thiên chúa toàn năng hằng hữu! Lạy Chúa cha hào phóng quảng đại! Lạy đấng soi đường từ bi! Hãy tăng thêm sự khôn ngoan đã khám phá niềm ham thích chân thực nhất trong con. Hãy làm tăng quyết tâm của con để thực hiện điều mà khôn ngoan sai khiến…”. Thực ra Franklin đã làm một điều là khắc sâu vào tâm khảm về niềm tin về sự khôn ngoan và sự ham mê đức hạnh. Ông tin rằng khi có đức hạnh ắt sẽ thành công.

Về sau này, khi công việc ngày càng bận rộn và những chuyến công tác liên miên và có vô số những điều cản trở khiến ông gặp khó khăn trong việc thực hiện, theo dõi những đức tính một cách hằng ngày. Tuy nhiên ông luôn nỗ lực để thực hiện nó như sự kiên định theo đuổi đến cùng những việc muốn làm. Dù đi bất cứ đâu ông cũng mang theo cuốn sổ theo dõi việc thực hiện các đức tính bên mình.

Và tất cả những thành quả hay sự thành công đã đạt được ông cho rằng nó là kết quả của việc thực hành đức hạnh. Ông viết: “Sức khoẻ dẻo dai mà ta có được là nhờ vào sự chừng mực và những gì còn lại là một thể trạng tốt. Sự thoải mái và giàu có có được là nhờ vào tiết kiệm và siêng năng. Với tất cả kiến thức đó đã giúp ta trở thành một công dân hữu dụng và đạt được danh tiếng ở mức độ nào đó trong giới những người có học thức. Thành thật và công bằng đã giúp ta được đất nước này tin tưởng và vinh danh. Nhờ vào sự ảnh hưởng của tất cả các đức tính đó, ngay trong hoàn cảnh khó khăn, ta vẫn có thể đạt được tất cả sự bình tĩnh và vui vẻ trong các cuộc trò chuyện, điều mà những người đối thoại và ngay cả những người trẻ tuổi đều thấy dễ chịu. Do đó, ta hy vọng các thế hệ sau có thể noi theo những bài học đó và thu nhận được ích lợi từ nó”

Từ thời trẻ, Franklin đã đưa ra rất nhiều kế hoạch cho cuộc đời mình. Từ việc thành lập Hội Junto (Hội những người chủ yếu đọc sách, bàn luận về chính trị và giúp đỡ nhau phát triển bản thân thông qua các hoạt động cộng đồng); thành lập thư viện, thành lập học viện Pennsylavia, thành lập Sở Cứu hoả… Rất nhiều kế hoạch bên cạnh những công việc kinh doanh bận rộn, xong ông vẫn quyết tâm và luôn có niềm tin vào những mục tiêu đó. Ông viết: “Ta đã không bị nản chí bởi quy mô lớn của kế hoạch, mà luôn nghĩ rằng một người với khả năng bình thường có thể tạo ra nhiều thay đổi và hoàn thành nhiều việc cho nhân loại. Chỉ cần ban đầu anh ta có một kế hoạch tốt và bỏ qua tất cả các thứ tiêu khiển hoặc những công việc có thể làm bản thân xao nhãng, và biến việc thực hiện kế hoạch đó trở thành sự học và công việc duy nhất của anh ta”.

Franklin đã để lại rất nhiều bài học cho thế hệ sau trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng điều mà bản thân cảm thấy tâm đắc đó là việc ông đã giúp thế hệ sau có một phương pháp rèn luyện bản thân để có thể đạt được thành công như mỗi người khao khát. Sự siêng năng, cần cù, những đức tính tạo nên một Franklin tài ba và lỗi lạc sẽ mãi là những bài học quý giá cho muôn đời sau trên bước đường tự lực để tìm đến con đường tươi sáng.

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *