Tĩnh – Hoà – Từ – Kiệm

Vào một ngày tiết thanh minh, tôi có dịp đến thăm phần mộ dòng họ Vũ Huy trên địa bàn thành phố. Phần mộ nằm giữ một quả đồi, được che phủ bởi nhiều lớp cây xanh.

Tiên sinh Huy Ba, trưởng dòng họ nói với tôi, tộc họ “Vũ Huy” gốc là “Lê Huy” ở làng Lại, xã Vĩnh Tuy, huyện Gia Bình, tỉnh Hải Dương. Ông nội tiên sinh, cụ Lê Huy Du là đời thứ chín, năm 40 tuổi cùng vợ lên xóm Hướng, làng Cung Nhượng, nay là phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang làm ruộng thuê, rồi sinh được ba người con trai.

Cha của tiên sinh, cụ Lê Huy Xạ là con trai cả. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà trong các giấy tờ từ hộ tịch, hộ khẩu, chứng minh thư, cụ Xạ đều lấy họ tên là Vũ Huy Xạ. Cho nên dòng họ “Vũ Huy” ở thành phố bắt đầu từ đấy.

Cụ Xạ sống cuộc đời vất vả, từ khi lên tám tuổi đã phải bôn ba nhiều nơi. Trong những ngày bôn ba, cụ học được nghề chữa xe đạp ở thị xã Sơn Tây. Hồi đó xe đạp rất hiếm, chỉ những nhà rất giàu mới có, nên nghề chữa xe đạp thời đó được gọi là “cao quý”. Năm ngoài hai mươi tuổi, cụ về làng Hướng ở cùng cha mẹ và mở một cửa hiệu sửa chữa xe đạp cho đến khi tạ thế.

Mẹ của tiên sinh, cụ bà Vũ Thị Luật, được sinh ra trong một gia đình đại Nho ở làng Lại. Thân phụ của cụ Luật, thường được gọi là là ông Khóa Hai từng lên vùng Phúc Mãn, Mãn Chiều, thuộc xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang dạy học. Cụ Luật là người ham học và thường thắp đèn dầu đến khuya để đọc sách. Cụ là người uyên bác và thông tuệ trên nhiều lĩnh vực như đạo đức, lịch sử, văn học… Cụ thuộc làu các truyện như Trinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, Nhị độ mai, Lục Vân Tiên; cụ có vốn ca dao tục ngữ phong phú, có trí nhớ mẫn tiệp về các điển tích văn học, các nhân vật lịch sử trong các áng văn như Đông Chu liệt quốc, Tây du ký, Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử và trong các truyện cổ tích Việt Nam… Riêng truyện Kiều, cụ có thể đọc ngược mà không cần sách. Sau này, những vốn hiểu biết mà tiên sinh có được phần lớn là nhờ mẹ truyền dạy.

Tiên sinh Huy Ba sinh năm đinh Hợi, là người con thứ ba trong gia đình năm anh em, bốn trai, một gái. Tiên sinh làm báo, viết văn, nghiên cứu và viết sách đông y, là hội viên hội nhà báo Việt Nam, hội viên hội đông y Việt Nam và hội viên hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Tiên sinh từng học đại học sư phạm Ngoại ngữ khoa Trung văn và đại học Báo chí Tuyên truyền Hà Nội.  

Đó là những điều cơ bản tôi ghi lại sau khi đọc “Cội nguồn và tông chỉ dòng họ Vũ Huy ở thành phố Bắc Giang” do tiên sinh dày công viết.

***

Dạo quanh khu mộ cùng con trai và cháu ruột của tiên sinh, thấy hai bên lăng thờ có chữ viết theo lối thư pháp tiếng tàu, tôi quay sang hỏi tiên sinh. Tiên sinh giải thích, bốn chữ đó dịch ra là “Tĩnh Hoà – Từ Kiệm”. Bốn chữ này là kim chỉ nam, là phương châm sống của bản thân và con cháu trong dòng họ được tiên sinh đúc rút từ kinh nghiệm của tổ tiên và kinh nghiệm tu luyện của bản thân.  

Nghe những câu chuyện tiên sinh kể, tôi cảm phục trước tấm lòng của tiên sinh với tổ tiên, gia đình và dòng tộc. Tôi kính trọng tiên sinh trước trí tuệ và những phẩm hạnh mà tiên sinh có được. Đọc cuội nguồn và tông chỉ dòng họ do tiên sinh viết mới cảm nhận được đây quả là một công trình có ý nghĩa vô cùng lớn lao của đời người.

Được sự cho phép của tiên sinh, tôi ghi lại phần tông chỉ, phần mà tôi nghĩ là tâm huyết cả đời của tiên sinh. Đây cũng là cách lưu giữ những cái hay mà mình có cơ duyên được học. Và biết đâu có thể hành được chút nào từ những điều tiên sinh chỉ bảo. Nếu làm được như vậy thì quả thật là may mắn và phúc đức cho bản thân và gia đình. Tôi xin cảm tạ tiên sinh về sự nồng hậu và ân cần mà tiên sinh đã dành cho tôi./.

***

Tông chỉ dòng họ

Cả đời ta luôn nghĩ tới cuộc đời, tới ý nghĩa của cuộc đời, tới sống chết, tới được mất…, tới thành đạt, tới hạnh phúc, và như cha mẹ, các anh ruột, ta cũng hết lòng thương yêu con cháu. Nên, nay ta từ tinh hoa phẩm cách làm người ở nơi ông bà, cha mẹ, các anh, ta lập dựng Tông chỉ cho dòng họ Vũ Huy, coi đây là chìa khóa mở ra mọi cánh cửa, của cuộc sống, cánh cửa của trí tuệ, cánh cửa của sức khỏe, cánh cửa của tinh thần, thành đạt, sống hạnh phúc.

Tông chỉ vẻn vẹn có 4 chữ: TĨNH – TỪ – HÒA – KIỆM.

Nói thật giản dị nhưng diệu dụng không đo đếm được. Vì sao chỉ có 4 chữ mà lại diệu dụng?

Theo các Đạo gia, Tiên nhân, các nhà dưỡng sinh thì con người có ba vật báu – Tam bảo là Tinh – Khi – Thần. Riêng ta thì con người sống ở cõi trần, nên phải có tam bảo là Trí tuệ – Sức khỏe – Đạo đức. Có được ba vật báu này con người có thể ở bất cứ đâu trên quả đất này vẫn có thể sống được và sống một đời sống tốt đẹp. Nếu có xuống địa ngục thì Diêm Vương cũng mời lên.

Thường nhân lấy sự học – học ở sách, học ở thầy, học trong trường đời để có được ba vật báu đó. Nhưng đa phần chi đạt tới việc lập nghiệp, ít người đạt tới lập danh, tới ngôi vị lập ngôn thì hiếm. Vì sao vậy, vì họ không biết kiến thức chỉ là một phần trong trí tuệ. Còn Thánh nhân học theo trời đất ẩn tàng không hình không bóng mà đến thì vẫn bừng nở xuân. Các ngài Vô vi – không làm mà vẫn làm tất cả. Các ngài chỉ sống sao cho Tĩnh – Từ – Hòa – Kiệm mà thôi! Vì sao Thánh nhân chỉ thầm lặng – ung dung, tự tại sống Tĩnh – Từ – Hòa – Kiệm mà vẫn có được Trí tuệ – Sức khỏe – Đạo đức và còn ở vào ngôi vị lập ngôn nữa.

Nay ta chỉ cho con cháu thấy điều Huyền vi ẩn dấu của trời đất: Tĩnh – Từ – Hòa – Kiệm chỉ là biểu hiện của Hư Vô. Vâng, Hư Vô, Hư Linh, Chân Không Diệu Hữu! Đó là Đạo trời Chính đẳng, Chính giác, thượng vô khả thượng.

Vậy thì cũng như thường nhân, ngoài lấy việc dùi mài học tập, con cháu dòng tộc Vũ Huy cần khôn ngoan biết học theo bậc Thánh nhân, sống Tĩnh – Từ – Hòa – Kiệm, rồi Tam Bảo và hơn thế nữa những điều Huyền diệu không thể đo đếm được sẽ tự đến!

Sống Tĩnh – Từ – Hòa – Kiệm không tốn tiền tài, sức lực, thời gian, những của quý mà con người tùy theo tầm hiểu biết, trí thông minh vẫn dè sẻn. Nó thật giản dị, chỉ cần ta suy ngẫm sâu bốn chữ đó để tùy cảnh mà lúc thì “Từ”, lúc thì “Hòa”, lúc thì “Kiệm”. Riêng “Tĩnh” thì lúc nào cũng phải giữ trước.

Nói là “Sống” vậy, nhưng cần phải noi gương tổ tiên rèn luyện mà tu, tu mà luyện, ngày đêm, sớm tối, không phút giây nào buông lơi soi xét tâm mình, soi xét bốn chữ.

Đời người ngắn ngủi hơn cả tia sáng vụt tắt giữa trời khuya, nên quý giá không sao nói hết được. Tông chỉ họ ta quy lại hàm chứa trong bốn chữ, bốn phẩm chất làm người: Tĩnh – Từ – Hoà – Kiệm. Ngắn gọn vậy nhưng sâu xa vi diệu vô cùng. Con cháu dòng họ Vũ Huy còn trần chừ gì nữa.

Xin được thắp một nén nhang tỏ lòng tri ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã cho cô đúc được tinh hoa dòng tộc, nói được lời ruột gan, làm tròn bổn phận của thế hệ.

Tài liệu tham khảo

1. Cội nguồn và tông chỉ dòng họ “Vũ Huy” thành phố Bắc Giang – Vũ Huy Ba.

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *