Trong lịch sử, có nhiều tấm gương sáng về sự tu dưỡng bản thân, phụng sự gia đình, cống hiến cho quốc gia và mang lại hòa bình cho thiên hạ (Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ). Một trong những biểu tượng tiêu biểu đó là Phạm Trọng Yêm (989-1052), nhà chính trị, nhà văn, nhà giáo dục lỗi lạc thời Bắc Tống, Trung Quốc. Câu nói của ông: “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” đã trở thành kim chỉ nam cho người đời noi theo.
Tu thân: Căn bản để đạt tới tinh hoa
Phạm Trọng Yêm từ nhỏ đã ý thức sâu sắc về việc tu thân. Ông hiểu rằng chỉ khi rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao kiến thức và giữ lòng ngay thẳng thì mới có thể lĩnh hội được những tinh hoa của sách thánh hiền. Ông từng chịu đựng gian khó, từ những ngày ăn cháo đạm bạc hay ngủ tựa lưng vào tường để học. Những khổ luyện ấy chính là minh chứng cho sự tu dưỡng không ngừng nghỉ.
Phạm Trọng Yêm khẳng định rằng nếu một người chỉ chạy theo danh lợi cá nhân, dù đọc bao nhiêu sách cũng không thể hiểu được yếu nghĩa sâu xa của chúng. Chính nhờ sự tu thân ấy, ông đã hiểu rõ triết lý Nhân và Nghĩa, làm nền tảng cho những đóng góp vĩ đại sau này.
Có truyền thuyết rằng Phạm Trọng Yêm thuở nhỏ gặp một vị tiên sinh xem mệnh, ông bèn hỏi: “Ông thử xem xem sau này cháu có thể làm tể tướng không?” Vị tiên sinh xem mệnh nói: “Tuổi thì nhỏ, mà khẩu khí của cháu quả là lớn đó!” Phạm Trọng Yêm có đôi chút ngại ngùng, lại hỏi: “Vậy ông xem giúp cháu, xem cháu có thể làm đại phu được không?” (Ngày xưa Đại Phu là thầy thuốc chuyên chữa bệnh) Vị tiên sinh rất hiếu kỳ về chí hướng của cậu bé này, một bên là tể tướng đại phú đại quý, một bên là đại phu nhỏ bé vất vả. Phạm Trọng Yêm đáp rằng: “Chỉ có tể tướng hiền lương với lương y là có thể cứu người. Nếu làm tể tướng sẽ có thể cứu người trong thiên hạ, nếu không được làm tể tướng mà làm đại phu, thì có thể cứu được bao nhiêu người thì cứu bấy nhiêu người.”
Vị tiên sinh xem mệnh cảm động mà rằng: “Cháu có một trái tim muốn cứu người, là trái tim của một tể tướng chân chính, tương lai cháu nhất định sẽ trở thành tể tướng.” Sau này Phạm Trọng Yêm quả nhiên làm tể tướng, ông luôn lo nghĩ cho người khác mà viết ra câu danh ngôn: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (Lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ).
Phạm Trọng Yêm. Ảnh wiki
Khi còn trẻ Phạm Trọng Yêm đi học là mang theo trách nhiệm tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ mà cầu học. Ý chí của ông cao xa, cho nên mới có thể lĩnh ngộ được ý nghĩa chân chính của Nhân, Nghĩa trong Nho gia, mới có thể được nhiều người giúp đỡ, từng bước thăng cao. Thử nghĩ xem, nếu một người mà đầu óc chỉ mong cầu lợi, trục lợi cá nhân, thì dù không ăn không ngủ, thông đọc kinh thư, thì người như vậy cũng rất khó thấy được yếu nghĩa của kinh thư, không thể được Thần linh gia trì.
Tề gia: Đặt gốc rễ cho sự ổn định
Phạm Trọng Yêm phải tự lo toan cho cuộc sống từ rất sớm. Khi Phạm lên hai, cha ông qua đời. Ông gặp nhiều khó khăn trên con đường dùi mài kinh sử. Mỗi ngày chỉ có thể thổi nấu một nồi cháo cho hai bữa ăn. Vào mùa đông, ông phải cắt cháo đông lạnh thành từng miếng nhỏ ăn qua ngày.
Tượng Phạm Trọng Yêm. Ảnh Epoch Times
Sau khi mẹ tái giá, Phạm buộc phải nương nhờ nơi cửa chùa. Trong gian phòng nhỏ hẹp của nhà chùa, Phạm Trọng Yêm cho thấy sự cần cù đáng kinh ngạc. Ông rửa mặt bằng nước lạnh để chống lại cơn buồn ngủ hoặc chỉ tựa lưng vào tường chợp mắt qua loa. Người ta nói rằng ông không ngủ trên giường trong năm năm.
Có chuyện kể rằng cha của một người bạn gửi vài món ngon cho Phạm khi biết ông chỉ ăn cháo mỗi ngày. Tuy nhiên, Phạm từ chối không dùng. Khi được hỏi lý do tại sao, Phạm trả lời: “Tôi rất biết ơn lòng tốt của ngài. Tuy nhiên, tôi lo ngại những món ngon sẽ lôi cuốn để rồi trong tương lai có thể tôi không hài lòng với món cháo đạm bạc nữa”.
Phạm Trọng Yêm phải chịu đựng nhiều khó khăn để kiên trì với triết lý: “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” (Zhiching Chen / Epoch Times)
Trị quốc: Lo trước cái lo của thiên hạ
Với lòng quyết tâm phụng sự đất nước, Phạm Trọng Yêm đã đặt lợi ích của dân lên hàng đầu. Triết lý của ông khi làm tể tướng là cứu giúp thiên hạ, không màng danh lợi. Ông từng nói: “Nếu không thể làm tể tướng để giúp nước, thì làm lương y cứu người cũng là tròn trách nhiệm.”
Dù ở cương vị cao nhất, ông luôn giữ sự thanh liêm, dùng phần lớn bổng lộc để giúp dân nghèo. Những chính sách mà ông đề ra không chỉ tạo ra sự an bình cho đất nước mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến các thế hệ sau.
Mặc dù sống trong nghèo đói, Phạm vẫn giữ được phẩm cách cao thượng. Có lần tình cờ phát hiện một chiếc bình đầy vàng bạc chôn trong phòng mình, ông vẫn không màng chạm vào chúng.
Không lâu sau, Phạm đỗ tiến sĩ và bắt đầu sự nghiệp chốn quan trường. Khi một vài vị sư từ ngôi chùa ông từng sống đến xin giúp đỡ, Phạm đã chỉ cho họ chỗ chôn vàng trong căn phòng nhỏ.
Cảm phục trước sự chính trực của ông, các nhà sư hết lời khen ngợi: “Có được một vị quan phụ mẫu như Phạm, công lý cuối cùng sẽ đến với dân thường”.
Bình thiên hạ: Gieo hòa bình cho muôn dân
Cả đời Phạm Trọng Yêm cống hiến vì mục tiêu bình thiên hạ. Dưới sự lãnh đạo của ông, nhiều vùng đất đã trở nên yên bình, dân chúng sống trong cảnh không nhặt của rơi, đêm không cần đóng cửa. Tấm gương của ông truyền cảm hứng cho con trai là Phạm Thuần Nhân – người tiếp nối truyền thống gia đình, giữ vững đạo đức trong quản lý và trị quốc.
Sự chính trực của Phạm Trọng Yêm còn được khắc sâu trong lòng dân chúng. Khi ông qua đời, hàng trăm người tự nguyện tổ chức lễ tang và bày tỏ lòng tri ân. Họ ca ngợi ông là người đã mang lại hòa bình và công lý cho triều đại nhà Tống.
Người ta nói rằng Phạm Trọng Yêm luôn nghĩ đến người khác trước. Tiêu biểu là câu chuyện tìm nơi yên nghỉ cho mình. Theo tín ngưỡng truyền thống của Trung Quốc, phong thủy của nghĩa trang gia tộc rất quan trọng đối với vận mệnh của các thế hệ con cháu.
Để đảm bảo tương lai thuận lợi cho gia quyến, người ta phải thỉnh giáo các Đạo sĩ về chọn nơi thích hợp nhất. Một ngày nọ, Phạm Trọng Yêm nghe được cuộc trò chuyện của một Đạo sĩ đang chỉ dẫn người đàn ông nọ chọn nơi chôn cất.
Theo vị Đạo sĩ này, mảnh đất mà hai người đang nói đến có vài tảng đá lớn nằm trên mặt đất làm nên hình dạng mũi tên xuyên qua tim, tạo thành thế phong thủy rất xấu, ai chôn tại đó sẽ tuyệt tự tuyệt tôn.
Khi nghe điều này, Phạm Trọng Yêm nhớ lại những thử thách cam go mà một người phải trải qua để có được quan phẩm và chức tước. Ông nghĩ, nếu một dòng họ phải chấm dứt, thì chẳng phải ông nên chịu nhận thay cho người ta. Vì vậy, ông đã mua mảnh đất đó làm nơi yên nghỉ cho mình.
Khi biết được một vị quan công bình và nhân hậu như Phạm Trọng Yêm sẵn sàng chấp nhận vận hạn xấu vì lợi ích của người khác, tất cả người dân đều cầu nguyện đừng để chuyện đó xảy ra.
Theo truyền thuyết, vào ngày đám tang của Phạm Trọng Yêm, một ngày mưa bão, những lời cầu nguyện của người dân đã ứng nghiệm.
Trong buổi đưa tang ấy, giữa âm thanh sấm gào và bão nổi, những hòn đá đột ngột dựng lên thay đổi vị trí thành hình mũi tên chỉ lên trời tạo ra vị thế phong thủy tốt lành. Điềm báo phong thủy này là sự hưng thịnh về sau của cả một dòng họ.
Về sau con trai thứ hai của ông Phạm Thuần Nhân là đại thần của thời Bắc Tống được gọi là “tể tướng áo vải”. Ông là con trai thứ hai của tể tướng Phạm Trọng Yêm. Mặc dù về trình độ học vấn, Phạm Thuần Nhân không sánh bằng với cha ông nhưng ông lại có khí phách mà người thường khó có thể tưởng tượng được.
Con trai Phạm Thuần Nhân của Phạm Trọng Yêm vâng theo ý chí của cha, lúc làm quan tại Lạc Dương lấy thành tín tạo phúc cho dân, nơi đó không nhặt của rơi trên đường, đêm không cần đóng cửa.
Một lần tại sườn núi Bạch Tư Mã, có một cụ già ngồi phơi nắng bên đường, có người đến nói cho cụ già: “Con nghé của cụ bị người ta trộm rồi.” Cụ già vẫn ngồi im không nhúc nhích tí nào, cũng không hỏi lại dù chỉ một câu. Một lát sau, lại có người đến nói chuyện con nghé bị mất cho cụ, cụ già bình tĩnh nói với người nọ: “Anh không cần đi tìm, nhất định là có người đùa giỡn, đem nó đi giấu thôi.”
Người đi đường thấy kỳ lạ, đi lại hỏi cụ già: “Cụ ơi! Trong nhà cụ bị mất con nghé, người khác báo tin cho cụ, sao cụ lại thờ ơ vậy?” Cụ già cười đáp: “Có Phạm đại nhân ở đây, ai lại nguyện ý đi làm ăn trộm chứ? Đó là chuyện tuyệt đối không thể xảy ra.” Chỉ chốc lát, con nghé quả thật đã trở về.
Phạm Trọng Yêm đã sống một cuộc đời thanh liêm chính trực, dành phần lớn bổng lộc làm việc thiện. Dù sở hữu nhiều đất đai và trang trại thu lợi lớn, ông vẫn không xây dinh thự cho mình.
Một bức chân dung của Phạm Trọng Yêm từ Tam Tài Đồ Hội, 1609. (Wikipedia Commons)
Bài học cho hậu thế
Cuộc đời Phạm Trọng Yêm là minh chứng sống động cho triết lý tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Ông không chỉ rèn luyện bản thân mà còn cống hiến hết mình cho gia đình, quốc gia và xã hội. Những giá trị mà ông để lại vẫn luôn trường tồn, là bài học quý giá cho chúng ta trên hành trình xây dựng một cuộc sống có ý nghĩa.
Sau khi qua đời, gia quyến cũng chỉ tổ chức cho ông một tang lễ đơn giản. Tuy nhiên, hàng trăm dân chúng đã kéo đến bày tỏ lòng biết ơn cùng nỗi buồn sâu sắc. Những người thọ ơn ông từ lợi tức trang trại cũng xin được đội tang ông ba ngày.
Được tin Phạm qua đời, người dân ở những nơi mà ông từng nhậm chức đã xây dựng đền thờ và tượng của ông, từ đó lưu truyền một câu nói nổi tiếng trong triều Tống: “Nhờ Phạm Trọng Yêm, triều đình nhà Tống có thể thừa hưởng ngày thái bình”.
Nguồn: sưu tầm