Vào buổi sáng đầu tiết tiểu thử, Nguyễn tiên sinh mời tôi đến thưởng trà. Tiên sinh vừa sắm được một bộ pha trà mới, muốn cùng tôi nhâm nhi chén trà trong không gian tĩnh lặng. Qua những hạt mưa nhẹ rơi trên tán lá dâu trước sân, ông bất chợt hỏi:
– Dương Khiết, anh có biết tại sao người xưa lại nói: “Tửu tam trà tứ không?”
Tôi đáp:
– Tôi có nghe qua, cũng từng đọc một vài lời giải thích. Có người nói rằng “tửu tam” là bữa rượu lý tưởng phải có ba người cùng đối ẩm, vừa chạm chén vừa thù tạc mới đủ hứng thú. Còn “trà tứ” là buổi trà nên có bốn người cùng thưởng để câu chuyện thêm thi vị. Lại có ý kiến cho rằng “tửu tam” ám chỉ ba chén rượu, đủ để mùi vị lan tỏa, làm sảng khoái tinh thần. Còn trà, phải uống qua bốn chén mới cảm nhận hết dư vị chát ngọt và cái hồn của trà, từ đó tinh thần mới thư thái, thông thoáng.
Tiên sinh nghe xong, nhấp một ngụm trà, gật gù cười:
– Anh hiểu vậy cũng đã đúng phần nào. Nhưng hôm nay, tôi muốn cùng anh bàn thêm một góc nhìn khác về câu nói này. Anh có từng nghe người xưa nói: “Gái thập tam, nam thập lục” chưa?
Tôi gật đầu, tiên sinh tiếp lời:
– Câu này nghĩa là con gái đến mười ba tuổi, con trai đến mười sáu tuổi là độ tuổi bắt đầu hội tụ đủ thiên quý, tức là bước vào giai đoạn dậy thì. Khi đó, chỉ cần thêm một chút thời gian để “gái hơn hai, trai hơn một” – nghĩa là con gái thêm hai tuổi, con trai thêm một tuổi – là đủ độ chín để lập gia đình, sinh con đẻ cái. Tính từ đó, đến khoảng ba mươi tuổi, người đàn ông cơ bản đã hoàn thành việc sinh con, duy trì nòi giống. Lúc này, họ mới được nhấm nháp rượu một cách trọn vẹn, và “tửu tam” mang ý nghĩa ấy.
Còn “trà tứ” lại liên quan đến thời điểm mà con người được sống an nhàn và thảnh thơi thực sự. Thưởng trà không chỉ là uống mà còn để suy ngẫm về đời, về nhân tình thế thái. Độ tuổi lý tưởng để cảm nhận sâu sắc những điều ấy chính là khi con người đến tuổi bốn mươi. Đó là độ tuổi đủ trải nghiệm để thấu hiểu sự đời và tận hưởng hương vị của trà một cách trọn vẹn.
Tiên sinh nhấp thêm một ngụm trà rồi trầm ngâm:
– Người xưa còn nói “Tam thập nhi lập”, tức là đến ba mươi tuổi, con người cơ bản đã định hình được lý tưởng, sự nghiệp và hiểu biết về cuộc sống. Trước đó, phần lớn còn non trẻ, ương ngạnh, chưa hiểu rõ lẽ đúng sai.
Còn “Tứ thập bất hoặc, định như thiên cư” nghĩa là đến bốn mươi tuổi, người ta đạt được trí tuệ và vốn sống đủ sâu sắc để suy xét sự đời. Nhưng vẫn có những điều mơ hồ, nghi hoặc, chưa khẳng định chắc chắn. Vì vậy, đến độ tuổi này, người ta được khuyên nên an phận, không nên mạo hiểm thay đổi.
Còn “Ngũ thập tri thiên mệnh”, khi năm mươi tuổi, con người đã hiểu được sự vận hành của tự nhiên, cảm nhận sâu sắc thời tiết, khí hậu, và quy luật cuộc đời. Họ đã có đủ kinh nghiệm để nhận biết rõ ràng đâu là điều mình có thể làm, đâu là điều mình không thể. Họ biết rõ ai là bạn, ai không là bạn, từ đó sống nhẹ nhàng và thấu triệt hơn.
Buổi trò chuyện bắt đầu từ Tửu tam trà tứ và cứ thế trôi qua trong không gian yên tĩnh của mưa, trà và suy tư. Những lời tiên sinh nói, tựa như dòng nước mát thấm vào tâm hồn tôi, khiến tôi thêm trân quý từng chặng đường đời và những giá trị sâu sắc ẩn chứa trong từng lời dạy của người xưa.
Hưng Hòa