Về làng Luông – Tình Quê Đọng Mãi

Mùa xuân không chỉ là sự khởi đầu của một năm mới mà còn là thời điểm con người ta lắng lòng, tìm về cội nguồn, trân trọng những giá trị xưa cũ mà ông cha đã để lại. Trong tiết trời se lạnh của ngày đầu xuân, theo lời mời của chú Lợi, tôi và Công Minh về làng Luông, xã Phúc Sơn để tham dự ngày lệ làng – một dịp đặc biệt để đắm mình trong không gian văn hóa linh thiêng và cảm nhận sự đong đầy của tình quê.

Hơi ấm quê hương

Ngay khi đặt chân đến sân đình, chúng tôi được chào đón bằng những nụ cười thân tình, những cái bắt tay chặt chẽ của bác bí thư chi bộ, cô trưởng thôn và những người hàng xóm thân quen của chú Lợi. Không khí rộn ràng, ấm cúng khiến tôi có cảm giác như được trở về chính quê hương mình, nơi mà tình nghĩa vẫn luôn gắn kết con người qua bao năm tháng.

Bữa cơm quê không cầu kỳ, nhưng từng bát canh, đĩa rau, chén rượu đều đong đầy yêu thương. Trong men rượu nồng nàn, chú Lợi cùng những người anh em, hàng xóm kể lại những câu chuyện về một thời gian khó. Những đứa trẻ năm nào nay đã là ông là bà, dù mái tóc bạc nhưng trong ánh mắt vẫn ánh lên niềm tự hào về một tuổi thơ dữ dội, đầy ắp kỷ niệm.

Đó không chỉ là sự hoài niệm mà còn là lòng biết ơn với mảnh đất quê hương – nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn và chắp cánh ước mơ cho bao thế hệ.

Dấu ấn ngàn năm

Không chỉ là một miền quê yên bình, làng Luông còn mang trong mình những dấu ấn lịch sử quý giá. Xưa kia Đình, chùa, nghè của làng tọa lạc trên khu đồi Rừng Đình. Nơi đây thờ nữ thần có tên gọi là nàng Giã, một vị tướng từ thời Hai Bà Trưng và hai vị tướng Cao Sơn và Quý Minh, những vị tướng tài giỏi từ thời các vua Hùng, cùng đức thánh Tam Giang, là những người đã có nhiều công lao với dân, với nước trong việc đánh đuổi ngoại xâm, giữ gìn độc lập dân tộc. 

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, vùng này là địa bàn hoạt động của nghĩa quân Yên Thế, về sau là nơi tập luyện của dân quân du kích địa phương.

Cây Đại cổ thụ – biểu tượng của tình mẫu tử

Điều làm chúng tôi ngạc nhiên hơn cả đó là cây Đại to lớn, tán lá sum suê che phủ cả một góc sân chùa. Chú Lợi kể rằng, từ thuở bé, lũ trẻ như chú trong làng đã coi cây đại như một người bạn. Bọn trẻ có khi đến năm bảy đứa trèo lên những cành cây, đu đưa, cười đùa vô tư trong những buổi chiều quê thanh bình. Hiện giờ cây đại cổ thụ vẫn vươn mình sừng sững, như một chứng nhân hàng trăm năm của vùng đất thiêng.

Rồi chú bảo nếu quan sát kỹ cây Đại sẽ thấy có hai thế rất đặc biệt đó là thế “Mẫu tử” và thế “Truy phong”. Cây Đại như hình ảnh người mẹ hiền ôm con vào lòng che chở, vỗ về đó chính là thế mẫu tử. Tán lá hai bên vươn và xòe rộng ra phía trước như một bàn tay lớn, như vạt áo người mẹ trải ra để chắn gió, bảo vệ đàn con nhỏ bé, đó là thế truy phong.

Cây Đại ấy không chỉ đơn thuần là một cây xanh giữa đất trời, mà còn là biểu tượng thiêng liêng của tình mẫu tử, của sự chở che và bao bọc. Những người con quê hương dù đi xa bao lâu, hay những vị khách dù chưa một lần đặt chân đến đây, ai nghe kể về cây đại cũng không khỏi xốn xang, bồi hồi và sự linh thiêng của cội nguồn cũng chảy về từ đó…

Sự gắn kết không biên giới

Trên đường trở về, chú Lợi kể cho chúng tôi nghe về hành trình lập nghiệp của gia đình. Từ một người con của vùng đất Hải Dương, ông nội chú rời quê hương, lên miền rừng núi Yên Thế tìm kiếm cơ hội sinh sống. Cuộc sống nơi đất khách chẳng dễ dàng, nhưng nhờ lòng cưu mang của dân làng, ông được ở trong ngôi chùa cũ, rồi dần dần từ đó mà gây dựng nên cuộc sống sau này.

“Về quê không chỉ là để nhớ lại kỷ niệm xưa, để tìm lại mình, tìm lại tình người mà còn là để tri ân. Phải biết trân trọng quá khứ thì mới có thể sống trọn vẹn với hiện tại và tương lai,” chú Lợi trầm ngâm nói.

Rồi như chợt nhớ ra điều gì, chú viết lên mảnh giấy tám chữ:

“Sơn xuyên dị vực, phong nguyệt đồng thiên.”
(Núi sông khác bờ cõi, trăng gió vẫn chung trời.)

Chú bảo, dù mỗi người có đi đâu, dù khoảng cách có xa đến mấy, thì những giá trị cốt lõi vẫn không hề đổi thay. Cũng như trăng gió chẳng có biên giới, tình người cũng không có rào cản. Tình làng nghĩa xóm, sự sẻ chia giữa con người với nhau chính là như vậy – một sự gắn kết bền chặt, vượt qua mọi không gian và thời gian.

Tình quê còn mãi

Câu chuyện về những cái bắt tay, nụ cười của những người hàng xóm làng Luông hay về những dấu ấn ngàn năm, về cây đại cổ thụ… khiến tôi suy ngẫm mãi. Giữa cuộc sống hiện đại hối hả, giữa những chuyến đi không ngừng nghỉ, có bao giờ ta dừng lại để nghĩ về cội nguồn, về những điều thân thương mà ta đã vô tình lãng quên?

Chuyến về làng Luông không chỉ giúp tôi hiểu thêm về vùng đất giàu truyền thống này, mà còn khiến tôi trân trọng hơn những giá trị gia đình, tình làng nghĩa xóm và sự gắn kết giữa con người với quê hương.

Bởi lẽ, dù có đi bao xa, dù thời gian có trôi qua bao lâu, thì tình quê hương vẫn như gió như trăng, không hề có ranh giới và không bao giờ phai nhòa!

DMT.

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *