Cách đây gần chục năm, lần đầu tiên tôi được trò chuyện, là ngày tôi cùng chú tiễn đưa một người đồng nghiệp. Vị đồng nghiệp này là em họ của chú.
Kể từ đó, tôi hay lui tới phòng làm việc của chú. Bữa nhâm nhi chén trà bàn truyện đông tây kim cổ; lúc thì đến thỉnh giáo về công việc hay khó khăn trở ngại trong cuộc sống.
Chưa lần nào, và chưa bao giờ chú không dành cho tôi sự chân thành và nồng hậu. Và không biết từ khi nào, tôi đã thấy ở chú những điều, mà trước kia, khi cha tôi còn sống cũng thường làm như vậy.
***
Bác sĩ Vũ Ngọc Hạnh, sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống tại một vùng quê nghèo hiếu học. Gia đình có sáu anh em, chú là thứ tư. Sau khi học hết cấp ba tại quê nhà, theo tiếng gọi của tổ quốc, chú khoắc ba lô lên đường ra mặt trận và tham gia chiến đấu tại biên giới phía Bắc.
Sau này, mỗi khi kể lại, chú thường nói, dù chỉ có bốn năm trong quân ngũ, nhưng đó là thời gian mà chú cảm nhận được rõ nhất về tình người, về lòng dũng cảm, về sự tàn khốc của chiến tranh cũng như sự mong manh giữa cái sống và cái chết.
Khi mặt trận đã im tiếng súng, chú trở về quê hương và thi đậu vào một trường y của Trung ương. Hoàn thành xuất sắc khoá học, chú về làm việc tại một bệnh viện miền núi của tỉnh nhà. Sau chuyển lên làm việc tại bệnh viện chuyên khoa rồi đa khoa của tỉnh.
Sự học và sự phấn đấu của chú thể hiện đúng bản chất của những con người xuất thân từ vùng quê nghèo hiếu học, không cam chịu, luôn nỗ lực và tự lực vươn lên để cải biến số phận của mình.
***
Một ngày đẹp trời, sau khi nhấp ngụm trà, rít sâu điếu thuốc và nhả khói từ từ, chú cười nói: “Dương này, lớp người như bọn chú gọi là trâu già cuối vụ rồi. Chẳng còn tích sự gì nữa. Thế hệ các cháu thì khác đấy. Các cháu có đầy đủ các điều kiện để trưởng thành và thành công. Hãy cố gắng lên nhé”. Những lần như thế, tôi chỉ lặng im, ngồi chăm chú nghe như muốn nuốt từng lời của chú. Tôi hiểu chú cũng có những điều trăn trở…
Chú thường kể cho tôi nghe về những giai đoạn của cuộc đời, những cơ hội của tình duyên, của sự nghiệp… “Không phải khi nào nó cũng đến, nhưng khi đến lại gõ cửa rất khẽ”, chú nhìn tôi rồi cười dí dỏm.
Chú thường kể về những người thầy, những người bạn tốt mà chú gọi là những vị bồ tát giữa đời thường. “Dương à, chú không dám lên lớp cháu, nhưng có mấy điều mà chú đúc rút được từ chính cuộc đời mình, nói ra biết đâu lại hữu dụng cho cháu. Thứ nhất, làm đấng nam nhi phải biết gác tình riêng để lo sự nghiệp. Thứ hai, làm người phải biết khôn khéo tuỳ lúc, tuỳ thời. Thứ ba, làm việc phải cân nhắc kỹ trước khi đặt bút. Và cuối cùng, làm bậc trượng phu phải bình tĩnh những lúc nguy nan…”.
***
Tôi gặp chú bước xuống cầu thang, bên cạnh có người dìu, dáng đi khoan thai nhưng sự mệt mỏi hằn lên trên nét mặt. Chú vẫy tay chào “Dương đấy à. Đi… đi làm việc đi”. Đó là lần cuối cùng tôi gặp và được nghe chú nói.
***
Đồng nghiệp đón chú về trong một ngày hè ỏi ả cuối tháng năm, khi người phải cách người, nhà phải cách nhà bởi dịch bệnh bùng phát. Tiễn biệt chú, lời điếu tôi viết:
“Nhận được tin anh qua đời, anh em xót thương vô cùng. Nhưng vì nhiệm vụ, nhiều đồng nghiệp, anh em, bạn bè, người thân không thể đến để gặp anh lần cuối. Nghĩ đến anh mà không cầm được nước mắt.
Cả cuộc đời anh, lấy chữ Nghĩa, chữ Tình làm trọng, nhưng đến giây phút cuối, anh em, đồng nghiệp lại không thể làm trọn chữ Tình, chữ Nghĩa với anh.
Chúng tôi hiểu, không những anh không trách mà còn động viên anh em cố gắng, làm tròn sứ mệnh của một người lương y.
Anh ra đi, nhưng con người và sự nghiệp của anh sẽ còn mãi trong trái tim của người thân, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.
Theo gương anh, chúng tôi sẽ sống thật bản lĩnh, thật trách nhiệm và thật nghĩa tình như anh đã từng sống.Chúng tôi hứa sẽ không phụ lòng mong mỏi của anh.
Người anh cả! An tâm yên nghỉ nhé!”
***
Tôi tiễn chú về an nghỉ nơi quê nhà. Trong cái nắng chang chang, không một ngợn mây, bỗng trời đổ mưa rào.
Nhiều người nói “Trời cũng khóc thương anh!”./.
Hưng Hòa
Bạn có thể quan tâm tới bài viết: