Cuộc đời và sự trưởng thành của mỗi người nằm trong mối quan hệ mật thiết với lịch sử gia đình, dòng tộc cùng môi trường xã hội đương thời.
Mỗi khoảnh khắc ta đang sống là hệ quả tất yếu của quá khứ, nhưng không ai quay ngược được thời gian để thay đổi những điều đã xảy ra.
Vậy, làm cách nào để rút ra những bài học từ quá khứ? Câu trả lời là nhìn lại những trang sử. Và trang sử gần gũi, sinh động, chân thực nhất với mỗi người chính là gia phả – Sách ghi lại các thế hệ trong dòng họ và lịch sử tổ tiên.
“Gia”là nhà, là gia đình; “phả” là phổ, là sự nối dài. Gia phả gồm: Phả hệ, phả ký, ngoại phả, huyền phả, phụ khảo (phụ phả), và nối phả.
Phả hệ là phả đồ, phả ký là những ghi chép giải thích phả đồ.
Ngoại phả là phần ghi lại các thông tin có liên quan tới họ nhà mẹ, họ nhà vợ, và những người làm con nuôi cùng gia đình của người con nuôi ấy.
Huyền phả là phần ghi lại thông tin của gia phả theo lời kể và dựa vào ký ức truyền khẩu. Phụ khảo là sự bổ sung thông tin vào phả ký và phả đồ, cùng với thông tin về phần mồ mả, ngày giỗ chạp, di huấn…
Nối phả là quá trình viết tiếp gia phả theo chu kỳ 5, 10 năm, hoặc dài ngắn tùy theo điều kiện của mỗi gia đình, dòng tộc.
Lịch sử nước Việt Nam đã từng có thời kỳ mất Nước, làm nô lệ, nhưng chưa bao giờ mất anh em, họ hàng, chưa bao giờ mất làng xóm, cho nên lại giành được Nước, giữ được nhà.
Vì vậy, nếu để mất anh em, mất làng xóm là mất hết!
Muốn không mất anh em họ hàng ngoài việc phải sống thật tốt bằng việc thường xuyên tự học tập, tu dưỡng thì việc viết và nghiên cứu gia phả là một trong những việc làm quan trọng.
Đó không chỉ là việc làm thể hiện trách nhiệm và sự kính trọng đối với các thế hệ tổ tiên, mà còn giúp các thế hệ hiện tại và tương lai được tiếp thêm sức mạnh từ tổ tiên âm phần, từ đó tự tin vững bước tiến lên trong cuộc sống để trưởng thành và viết tiếp những trang sử hào hùng cho bản thân, gia đình, dòng tộc./.