365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 11 tháng 5: “Chiếc áo tàng hình” – ” Lời cảm nhận lúc 100 tuổi” – Dương Phong (1911 – 2016)

Chiếc áo tàng hình

Người Anh Mỹ ví von xã hội là hố đầy rắn (snake pit). Trong chiếc hố đó lúc nhúc đầy rắn, từng con từng con đều ra sức luồn đầu, lách thân mình ra khỏi những con rắn khác; anh trên tôi dưới, anh chết tôi sống, đấu tranh giành giật mãi không thôi. Con rắn lách được đầu ra cũng giống như việc bọt sóng bay trên đầu con sóng giữa biển lớn, đẹp lấp lánh nhờ đón được ánh sáng của nhật nguyệt. Có thể nói, đó chính là sự đắc chí của đại trượng phu. Cuộc đời ngắn ngủi, một cái chớp mắt trên đầu ngọn sóng đó cũng có thể xem là tiêu chí cho thành công một đời và cũng đủ để tự hào.

Tuy nhiên, có người chờ mong bay lên được bầu trời cao, nhưng có người lại bằng lòng “vẫy đuôi trong bùn lầy”. Mỗi người một chí hướng, không thể miễn cưỡng yêu cầu giống nhau.

Tôi thích đọc câu thơ: “Vạn nhân như hải nhất thân tàng” (Dễ giấu thân mình trong biển người) của Tô Đông Pha; cũng ngưỡng mộ “lục trầm” (ẩn cư) của Trang Tử. Xã hội có thể ví là “hố rắn”, nhưng bầu trời phía trên “hố rắn”, vẫn luôn có chim chóc bay lượn; Ao hồ bên cạnh “hố rắn” vẫn có từng đàn cá lượn tung tăng. Từ xưa đến nay, có người tự tránh xa “hố rắn” mà “tàng thân”; Cũng có người lựa chọn “lục trầm”, biến mất giữa mọi người như bóng nước bao bọc lấy biển, như bông hoa dại bé nhỏ ẩn mình trong đám cỏ, vừa an nhàn thoải mái, lại vừa được lòng hả ý.

Một người không muốn leo cao thì không sợ bị ngã, cũng không cần đấu đá bài xích, mà luôn giữ sự thơ ngây, hồn nhiên; một lòng một dạ hoàn thành việc bản thân có thể làm được.

Thế thái nhân tình giống như trăng thanh gió mát đầy ý vị, có thể đọc như sách, cũng có thể xem như kịch. Duy chỉ có người đặt mình ở nơi thấp hèn, bé nhỏ mới có cơ duyên nhìn thấy được chân tướng của nhân tình thế thái, mà không phải đối mặt với nghệ thuật biểu diễn của công chúng./.

— Trích từ “100 tác phẩm tản văn kinh điển thế kỷ XX”

*

Lời cảm nhận lúc 100 tuổi

Tôi năm nay đã một trăm tuổi, đi gần đến điểm cuối của cuộc đời. Tôi cũng không thể xác định mình cón có thể đi được bao xa nữa, vì tuổi thọ vốn không do mình làm chủ. Nhưng tôi biết rất rõ rằng mình sắp “trở về” rồi! Tôi không nghĩ mình có thành tựu gì để mà dám nhận xét cuộc đời. Tôi chỉ mong ở trong thế giới bé nhỏ của mình, trải qua một cuộc sống yên bình trầm lặng.

Tuổi nhỏ ham chơi, lớn lên thì mải mê chuyện tình yêu nam nữ, trưởng thành thì lao vào việc xây dựng gia đình sự nghiệp, cuối đời lại ngồi đó trách mình chê người. Tuổi thọ của con người có bao nhiêu, xưa nay sắt thép tôi luyện thành vàng được mấy phần? Trải qua sự tôi luyện khác nhau thì nhất định sẽ mang lại thành quả không giống nhau, phóng túng bản thân thì sẽ nhận hậu quả.

Một người trải qua quá trình rèn luyện khách nhau thì đạo đức nhân cách cũng hình thành và phát triển theo những cách khách nhau. Giống như hương liệu, càng khuấy đều, giã nhỏ, mài nhuyễn thì mùi hương càng nồng đượm.

Chúng ta từng khát vọng cuộc đời của mình sẽ thành công rực rỡ, huy hoàng. Đến cuối cùng mới phát hiện ra rằng: sự ung dung, điềm nhiên tự tại trong tâm hồn mới chính là thế giới đẹp nhất của đời người. Chúng ta từng mong muốn được thế giới bên ngoài công nhận mình, nhưng sau cùng mới thấu hiểu rằng, thế giới của riêng mình thì đâu có liên quan đến người khác./.

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *