Nghe mưa – Điệu Ngu mỹ nhân
Tưởng Tiệp (Tống) (1245 – 1301)
Thời trai trẻ, lắng nghe tiếng mưa trên lầu hát, nến đỏ lập lòe, rèm phủ che bao ước mơ.
Lúc trung niên, nghe tiếng mưa trên thuyền nơi đất khách, sộng rộng mây tà, tiếng nhạn lẻ bầy trong gió Tây.
Bây giờ, nghe tiếng mưa rơi bên tịnh thất, tóc đã điểm sương!
Buồn vui ly hợp vô tình,
Một mình đếm đợi bình minh giọt sầu.
— Trích từ “Trúc sơn từ”
Tưởng Tiệp 蔣捷 (1245-1301) tự Thắng Dục 勝欲, hiệu Trúc Sơn 竹山, người Nghi Hưng tỉnh Giang Tô. Sau khi nhà Tống mất, ông ẩn cư ở Trúc Sơn, người ta gọi ông là Trúc Sơn tiên sinh. Từ của ông bất luận nội dung nào đều phong cách tự do phóng khoáng, tác phẩm của ông có “Trúc Sơn từ” gần 100 bài.
*
Bịn rịn chia tay – Điệu Đường đa lệnh
Ngô Văn Anh (Tống) (1200 – 1260)
Chữ sầu (愁) từ đâu mà hình thành?
Có phải tâm (心) hồn nhớ nhung người chia ly cộng thêm mùa thu (秋).
Dù mưa đã tạnh nhưng gió đưa tàu lá chuối vi vu, reo rắt nhói lòng,
Nghe nói đêm càng lạnh, tiết trời càng đẹp.
Có trăng sáng rạng ngời, nhưng ta ngại lên lầu vì ưu sầu, nhung nhớ.
Cảnh xưa như mộng xa vời,
Hoa rơi, nước chảy muôn nơi não nề.
Từng đàn chim yến bay về trời Nam, chỉ còn ta nơi đất khách quê người.
Thùy liễu mảnh mai chẳng làm sợi dây thắt lưng giữ được váy nàng, nhưng cột chặt được thuyền ta mãi không thể ra khơi.
— Trích từ “Hoa Am từ tuyển tục tập”
Ngô Văn Anh 吳文英 (1200-1260) tự Quân Đặc 君特, hiệu Mộng Song 夢窗. Từ của ông về trường điệu có vẻ gọt dũa chắp xếp, song về tiểu lệnh thời đặc biệt thanh thoát, tác phẩm của ông có tập Mộng Song từ.
*
Xuân muộn – Điệu Vũ Lăng xuân
Lý Thanh Chiếu (Tống) (1084 – 1155)
Hoa rơi trước gió bụi thơm
Trưa rồi biếng cả lược gương chải đầu
Đau lòng cảnh đó người đâu?
Chưa than thành tiếng tuân trào lệ rơi.
Nghe Song Khê cảnh tuyệt vời
Vừa toan khăn gói rong chơi giải sầu
Chỉ e ngại chiếc thuyền câu
Không sao chở đặng nỗi sầu trong ta.
*
Lý Thanh Chiếu (李清照, 1084 – 1155), hiệu Dị An cư sĩ (易安居士), là nữ tác gia chuyên sáng tác từ nổi tiếng thời nhà Tống, cùng Tân Khí Tật xưng gọi Tế Nam nhị An; 濟南二安.
Với lối dùng hoa mỹ, bà đứng đầu trường phái “Uyển ước từ” (婉约词) biểu thị sự hoa lệ và giàu sự gợi hình trong khi sáng tác. Danh tiếng của bà được đánh giá cao nhất trong các nữ thi nhân của Trung Quốc, xưng tụng là Thiên cổ đệ nhất tài nữ (千古第一才女).
Theo đánh giá của nhà văn Lâm Ngữ Đường, thì Lý Thanh Chiếu là “Nữ thi nhân bậc nhất Trung Hoa”.