365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 19 tháng 2: Áo lụa ngắm hoa; Vũ trụ xưa nay có những gì

Áo lụa ngắm hoa

Pháp Nhãn Văn Ích (Ngũ Đại) (885 – 958)

Áo lụa nhìn hoa nở

Niềm vui lại bất ngờ

Tóc xanh nay đã bạc

Hoa năm ngoái nên thơ.

Diễm lệ trong sương sớm

Gió chiều ngát hương thơm

Đâu cần chờ rơi rụng

Mới ngộ lý chân thường.

— Trích từ “Ngũ đăng hội nguyên”.

*

Bài kệ con ruồi bay vào cửa sổ

Bạch Vân Thủ Đoan (Tống) (1025 – 1072)

Bản dịch 1

Xuyên giấy dán xong tìm lối ra

Loay hoay bay lượn vẫn sa đà

Bỗng nhiên gặp lại đường vào cũ

Lầm lỡ trước kia mắt bỏ qua.

Bản dịch 2

Loay hoay nhìn giấy dán xong

Ngỡ rằng ánh sáng cố mong ra ngoài

Ai hay lối cũ là đây

Giật mình mới tỏ xưa nay mắt mù.

— Trích từ “Lâm gian lục”.

*

Gió thổi rơi dụng hoa đào

Từ Thụ Hoài Thâm (Tống) (1077 – 1132)

Thói quen chưa bỏ xưa nay

Nói năng, hành động, đêm ngày mộng mơ

Cuồng phong một trận ê chề

Hoa đào rơi rụng sông mê nghẽn dòng.

— Trích từ “Ngũ đăng hội nguyên”.

*

Vũ trụ xưa nay có những gì

Tuyết Đậu Trọng Huyền (Tống) (980 – 1052)

Thế gian đối đáp chuyện xưa nay

Vũ trụ bao la có gì hay?

Lênh đênh biển dạt trôi khúc gỗ

Rùa mù đêm sóng gặp cơ may.

— Trích từ “Thiền tông tụng cổ liên chu thông tập”.

*

Pháp Nhãn Văn Ích (法眼文益, 885-958) là Thiền sư Trung Quốc, vị tổ khai sáng tông Pháp Nhãn trong hệ thống ngũ gia thất tông, môn đệ nối pháp của Thiền sư La Hán Quế Sâm và là thầy của Quốc sư Thiên Thai Đức Thiều. Sư là một trong những Thiền sư trội nhất của đời đó và vì vậy dòng Thiền của Sư sau được gọi là Pháp Nhãn tông mặc dù trước đó được gọi là Huyền Sa tông (Huyền Sa Sư Bị). Sư có 63 môn đệ ngộ huyền chỉ.

*

Tuyết Đậu Trọng Hiển (zh:雪竇重顯, xuědòu chóngxiǎn, 980-1052, là một vị Thiền sư Trung Quốc, thuộc Vân Môn tông, môn đệ của Trí Môn Quang Tộ. Sư là một trong những Đại Thiền sư của tông Vân Môn. Sư nổi danh một phần là nhờ việc sưu tầm biên soạn 100 Công án, sau này được Thiền sư Viên Ngộ bổ sung thêm thành bộ Bích Nham lục. Dòng thiền của sư được Thiền sư Thảo Đường đem qua Việt Nam trong thế kỷ 11. Nối pháp của sư có rất nhiều vị (tương truyền 84) nhưng nổi danh nhất có lẽ là Thiên Y Nghĩa Hoài.

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *