365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 19 tháng 5: Bài kệ bốn câu; Các tướng trạng đều không thật

Bài kệ bốn câu

Cưu Ma La Thập (Đông Tấn) (344 – 413) dịch

Hết thảy pháp hữu vi

Như mộng như ảo ảnh

Như sương như ánh chớp

Quán chiếu như vậy tu.

*

Các tướng trạng đều không thật

Phàm có tướng trạng đều là không thật. Nếu thấy các tướng trạng chẳng phải tướng trạng, tức gặp được Đức Như Lai.

— Trích từ “Kinh Kim Cương”

Công án: Có một đôi vợ chồng son vốn tình cảm rất hòa thuận. Khi tổ chức ngày cưới, người chồng bảo vợ xuống hầm lấy rượu. Người vợ mở chum rượu ra thì vô cùng kinh ngạc, phát hiện người chồng giấu một cô gái đẹp trong đó.

Người vợ tức giận trách mắng người chồng: “Tại sao trong chum rượu có một người phụ nữ?”

Người chồng phủ nhận, đích thân đi kiểm tra lại thì lại thấy trong chum rượu là một người đàn ông!

Vì thế hai người xảy ra mâu thuẫn tranh cãi kịch liệt, không thể dàn xếp được, họ bèn đi tìm sư phụ nhờ phân giải giúp. Sư phụ sau khi hiểu nguyên nhân thì liền cầm viên đá đập vỡ chum rượu, lúc ấy chỉ rượu chảy ra ngoài, chứ chẳng thấy người đàn ông hay người phụ nữ nào cả.

Cho nên: “Phàm có tướng trạng đều là không thật”. Trong cuộc sống, nếu chúng ta thường chấp trước vào tướng trạng sai lầm, xem ảo là thật thì tự nhiên phiền não sẽ sinh.

Trong Kim cương kinh chủ yếu nói đến tư tưởng “Không”. “Không” ở đây chính là chính kiến, là duyên khởi, giúp chúng ta thấy được chân lý của cuộc đời.

*

Cưu-ma-la-thập (鳩摩羅什; dịch nghĩa là Đồng Thọ; sinh năm 344 mất năm 413) là một dịch giả Phật học nổi tiếng, chuyên dịch kinh sách từ văn hệ tiếng Phạn ra tiếng Hán. Cưu-ma-la-thập xuất phát từ một gia đình quý tộc tại Quy Từ (Kucha), thuộc xứ Tân Cương ngày nay.

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *