365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 27 tháng 1: Thơ cấm sát sinh (Phần I)

Khuyên người chớ bắt chim

Bạch Cư Dị (Đường) (722- 846)

Ai bảo chim kia chẳng đáng thương

Cũng là da thịt cũng cốt xương

Khuyên người chớ bắt chim xuân ấy

Luống tội chim non khóc dạ trường.

— Trích từ “Liên tu tất độc”

*

Phương thuốc kỳ diệu kéo dài tuổi thọ

Lữ Thuần Dương (Đường) (796-)

Vật sắp chết ta cứu ra

Khi ta sắp chết trời đà xót thương

Nhân sinh kiếp sống vô thường

Phóng sinh tăng thọ mười phương thuốc màu.

— Trích từ “Liên tu tất độc”

*

Tên khác thân chẳng khác

Hoàng Đình Kiên (Tống) (1045 – 1105)

Cốt nhục ta với chúng sinh

Thân hình có khác tính linh giống mà

Tên gọi anh tên gọi ta

Mong sống sợ chết ta đà như nhau.

Khổ não khó chịu phần đau

Còn ta vui sướng trên đầu máu tanh

Đâu cần Diêm Chúa tinh anh

Tự mình ta ngẫm đành rành tội danh.

— Trích từ “Vĩnh Giác Nguyên Hiền Thiền sư quảng lục”

*

Bạch Cư Dị

Bạch Cư Dị (白居易; 772 – 846), biểu tự Lạc Thiên (樂天), hiệu Hương Sơn cư sĩ (香山居士), Túy ngâm tiên sinh (醉吟先生) hay Quảng Đại giáo hóa chủ (廣大教化主), là nhà thơ Trung Quốc nổi tiếng thời nhà Đường. Ông là một trong những nhà thơ hàng đầu của lịch sử thi ca Trung Quốc. Đối với một số người yêu thơ văn thì người ta chỉ xếp ông sau Lý Bạch và Đỗ Phủ. Đường Tuyên Tông gọi ông là Thi Tiên (詩仙)

Ông chủ trương đổi mới thơ ca phải gắn bó với đời sống, phản ánh được hiện thực xã hội, chống lại thứ văn chương hình thức. Ông nói: “Làm văn phải vì thời thế mà làm… Làm thơ phải vì thực tại mà viết”, mục đích của văn chương là phải xem xét chính trị mà bổ khuyết, diễn đạt cho được tình cảm của nhân dân. Thơ của ông lan truyền trong dân gian, thậm chí lan sang ngoại quốc như Tân La, Nhật Bản, có ảnh hưởng rất lớn. Tác phẩm lớn nhất của ông phải kể đến Trường Hận ca, Tỳ bà hành, Tần trung ngâm… và Dữ nguyên cửu thư.

*

Lữ Thuần Dương

Lã Động Tân (呂洞賓; 796-?) hay Lữ Động Tân, tên húy là Lã Nham (呂嵒, hay 呂巖), tự Động Tân, đạo hiệu Thuần Dương Tử, còn có hiệu là Hồi đạo nhân, người làng Chiêu Hiền, huyện Vĩnh Lạc, phủ Hà Trung, châu Bồ (nay là thôn Chiêu Hiền, xã Vĩnh Lạc, huyện Nhuế Thành, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc). Ông là vị tiên nổi tiếng trong Đạo giáo, một trong Bát Tiên, được tôn làm một trong Ngũ Ân Chủ, Ngũ Văn Xương. Trong Đạo giáo Trung Hoa thì phái Toàn Chân tôn Lã Động Tân làm một trong Ngũ Dương tổ, nhân vật tiêu biểu của phái Nội đan cũng như dòng tư tưởng Tam giáo đồng lưu. Người đời thờ Lã Động Tân làm thần giải mộng, thần văn cụ, thần khoa khảo, thần đào vàng và các loại mỏ kim loại, thần tổ nghề tóc, cũng như thờ ông làm thần võ hay thần tài.

*

Hoàng Đình Kiên 黃廷堅 (1045-1105), tự Lỗ Trực 魯直, biệt hiệu Sơn Cốc đạo nhân 山谷道人, Phù ông 涪翁, người Phân Ninh, Hồng Châu (thuộc Giang Tây ngày nay). Ông là thư hoạ gia và thi gia trứ danh đời Bắc Tống, tề danh cùng thầy ông là Tô Thức, người đời thường gọi Tô-Hoàng. Ông đỗ tiến sĩ, có làm một số chức quan. Ông là người cầm đầu thi phái Giang Tây, một trường phái quá chú trọng đến kỹ xảo làm thơ mà không quan tâm đúng mức đến nội dung tư tưởng của tác phẩm. Hoàng Đình Kiên còn là một người rất am hiểu về hội họa và là một trong những người viết chữ đẹp nhất thời Bắc Tống.

Bài viết bạn có thể quan tâm: 365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 26 tháng 1: Vòng bạch ngọc phải do bàn tay tài nghệ mài dũa mà thành; Thạch hôi vịnh

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *