Thạch hôi vịnh
Vu Khiêm (Minh) (1398 – 1457)
Thâm sơn cùng cốc mang về
Lửa hồng thiêu đốt chẳng nề hà chi
Xương ta thịt nát phân ly
Lòng xanh một tấm khắc ghi với đời.
— Trích từ “Ngự tuyển Minh thi”
*
Vòng bạch ngọc phải do bàn tay tài nghệ mài dũa mà thành
Phật Quang Tinh Vân (1927- 2023)
Tăng nhất A hàm kinh có đoạn: “Sức mạnh của trẻ con là tiếng khóc; sức mạnh của phụ nữ là nét kiều diễm; sức mạnh của bậc đế vương là uy quyền; sức mạnh của vị La hán là lòng ít ham muốn; sức mạnh của thầy Tỳ kheo là nhẫn nhục; còn sức mạnh của chư vị Bồ tát là lòng đại bi”. Nhẫn nhục chính là kiên cường, vững chãi, chịu đựng sự tôi luyện, cho nên có câu: “Vàng ròng còn phải qua lò tôi luyện, vòng ngọc phải do bàn tay tài nghệ mài dũa mà nên”. Một tác phẩm nghệ thuật là do bàn tay điêu khắc tinh tế của bậc thầy mới có thể lưu truyền ngàn đời; hoa mai phải trải qua thử thách của sương tuyết mới có thể tỏa ngát hương thơm.
Đời người nếu không trải qua phong ba bão táp thì khó làm nên chí lớn. Cho nên, Mạnh Tử khẳng định: “Khi trời muốn giao phó trọng trách cho người nào thì trước hết rèn luyện cho người đó: Khổ tâm chí, nhọc gân cốt, đói thể xác, túng quẫn tinh thần, làm gì cũng bị nghịch ý trái lòng; có vậy mới kích động hết cái tâm, kiên nhẫn tận cái tính, mới làm được những điều thiên hạ xưa nay chưa ai làm được”. Có thể thấy rằng, một người nếu muốn dựng lên nghiệp lớn thì phải nhẫn nhịn được điều mà người khác không thể nhẫn nhịn, làm được điều mà người khác không thể làm.
— Trích từ “Nhân gian Phật giáo luận văn tập”
*
Vu Khiêm (于謙, 1398-1457) là một vị đại quan của nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Ông làm quan tới thiếu bảo nên còn gọi là Vu thiếu bảo. Ông nổi tiếng vì tinh thần cương quyết tử thủ bảo vệ đất nước, có công lãnh đạo quân dân thành Bắc Kinh phòng thủ chống lại cuộc xâm chiếm của Mông Cổ vào năm 1449.
Ông là 1 trong 41 vị công thần được thờ tại Đế vương miếu (历代帝王庙) được nhà Minh, nhà Thanh xây dựng, trong đó thờ những vị quan văn, võ tướng được đánh giá là tài năng và tận trung nhất qua các triều đại.
Bài viết bạn có thể quan tâm: 365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 25 tháng 1: Hướng về Giang Nam quy y Tam bảo – Vương An Thạch