365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 29 tháng 3: Thiên khuyến học; Thiên Đại lược – Tuân Tử

Thiên Khuyến học

Tích đất thành núi, mưa gió hình thành; chứa nước thành vực, giao long sinh trưởng.

Không cất từng bước nhỏ, sao có thể đi xa ngàn dặm; không góp từng dòng nhỏ, chẳng thể nào thành biển thành sông.

Ngựa quý một nhảy không dài quá mười bước; ngựa tồi kéo xe, nỗ lực mười ngày rồi cũng tới đích.

Đục gỗ giữa chừng củi mục cũng chẳng gãy; bền gan vững chí thì sắt đá cũng mòn.

*

Thiên Đại lược

Năm không lạnh sao biết được khí phách của cây tùng cây bách;

Sự nghiệp không khó khăn đâu hay được bậc quân tử hào hùng.

— Trích từ “Tuân Tử”

*

Tuân Tử (荀子) (313 – 238 TCN) là một nhà Nho, nhà tư tưởng của Trung Hoa vào cuối thời Chiến Quốc. Cùng với  Mạnh Tử, ông là một trong những người nổi bật nhất trong những người kế thừa và phát triển tư tưởng Nho gia của Khổng Tử. Tư tưởng của ông có tầm ảnh hưởng lớn trong việc vận hành của chính quyền dưới thời nhà Hán, nhưng có ít ảnh hưởng hơn so với tư tưởng của Mạnh Tử dưới thời nhà Đường.

Tuân Tử nghiên cứu những nhà tư tưởng như Khổng Tử, Mạnh Tử, Trang Tử, Mặc Tử, Huệ Thi, Công Tôn Long, Thân Bát Hại. Ông có sử dụng một số thuật ngữ của Đạo giáo, mặc dù không ủng hộ triết lý này. Ông là thầy của hai nhà  Pháp gia nổi tiếng là Hàn Phi và Lý Tư.

Tuân Tử, tên là Huống, tự là Khanh, nên còn gọi là Tuân Huống hay Tuân Khanh, sinh ra ở nước Triệu vào khoảng năm 313 TCN. Ông đến nước Tề vào năm 15 tuổi. Ông sống và học tập ở đó một thời gian dài. Sau đó, ông qua nước Sở vào năm 286 TCN đến năm 278 TCN. Sau khi Sở bị tấn công và Tề giành lại kinh đô Lâm Truy, ông quay lại Tề, được phong là “Liệt đại phu”. Tuy được người Tề hết sức kính nể, đã trước sau ba lần cử làm “tế tửu”, một danh hiệu vinh dự trong các buổi quốc yến, nhưng rốt cuộc chẳng được trọng dụng. Sau khi rời Tề sang Tần, ông gặp thừa tướng Phạm Tuy. Nhưng vì sự thẳng thắn trong đối đáp của ông trong việc khen điều hay chê điều dở của Tần mà ông thiếu cơ hội thực hiện lý tưởng của mình ở đó.

Trong khoảng năm 265 TCN đến năm 261 TCN, ông trở về Triệu và từng biện luận phép dụng binh với Lâm Vũ Quân trước mặt Triệu Hiếu Thành Vương. Tiếc là ngay ở quê nhà ông cũng không được trọng dụng. Ông bèn quay lại Sở.

Vào năm 255 TCN, Xuân Thân Quân mang quân đi tiêu diệt nước Lỗ, mở mang đất Sở về phía bắc. Ông được phong làm huyện lệnh Lan Lăng trong vùng mới chiếm của Lỗ, sau đó định cư luôn ở đây. Tại đây, ông mở trường dạy học và viết sách, sáng lập ra học phái Lan Lăng, tạo dựng phong khí thư hương cho xứ này. Trong số những học trò của ông, có hai người theo trường phái Pháp gia nổi tiếng là Hàn Phi và Lý Tư. Ông qua đời ở Lan Lăng vào khoảng năm 238 TCN đến năm 235 TCN, thọ 78-80 tuổi.

Tuy ông cũng là người theo tư tưởng Nho gia, khác với tư tưởng của Khổng Tử là dùng “nhân” để trị nước, ông ủng hộ tư tưởng dùng “lễ” và “hình” để trị nước. Đối lập với thuyết “nhân chi sơ tính bản thiện” của Mạnh Tử, bàn về “tính ác”, Tuân Tử lại cho rằng “nhân chi sơ tính bản ác”. Học thuyết tính ác của Tuân Tử có nghĩa rằng, con người sinh ra vốn dĩ là ác, có được thiện là do quá trình bồi dưỡng, giáo dục mà có. Ông cho rằng, con người khi sinh ra có đầy đủ dục vọng như ham lợi, ham sắc,… Nếu như con người cứ phát triển theo dục vọng thì mối quan hệ giữa người và người sẽ phát sinh ra tranh đấu và tạo nên một xã hội hỗn loạn, do đó mới cần phải có “lễ” để điều chỉnh, sửa đổi bản tính ác của con người. Tuy nhiên, ông lại tin rằng chỉ có giới tinh hoa mới làm được điều này.

Tuân Tử chứng kiến sự hỗn loạn xung quanh sự sụp đổ của nhà Chu và sự nổi lên của nước Tần với tư tưởng của Pháp gia là “tập trung vào sự kiểm soát của nhà nước bằng luật pháp và hình phạt”. Do vậy, khác với các nhà Nho khác, ông cho phép những luật để trừng phạt tồn tại đóng vai trò nhất định trong việc quản lý nhà nước. Không giống với các nhà Pháp gia, ông ít chú trọng đến các luật lệ chung mà ủng hộ việc sử dụng ví dụ cụ thể để làm hình mẫu. Hình mẫu vua và chính quyền lý tưởng (quân tử) của ông, được hỗ trợ bởi giới tinh hoa, gần giống với Mạnh Tử, nhưng khác biệt ở chỗ ông phản đối việc cha truyền con nối của chế độ phong kiến mà tin rằng địa vị của một cá nhân trong xã hội cần được xác định bằng khả năng của chính họ.

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *