365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 3 tháng 6: Chuyện bên bếp lửa – Vương Vĩnh Bân

Chuyện bên bếp lửa

Vương Vĩnh Bân (Thanh) (1792 – 1869)

Không biết kiên nhẫn là trọng bệnh của việc làm người;

Luôn học cách nhường nhịn là liều thuốc hay để xử thế.

Chỉ trách mình không trách người, đó là con đường tránh xa oán hận;

Chỉ tin mình không tin người, đó là lý do mua lấy thất bại.

Có tài phải ấn giấu như vàng chưa luyện như ngọc chưa mài, sâu kín mà toả sáng;

Việc học không gián đoạn như nước chảy mây trôi, tiến bộ từng ngày không thôi.

Tính tình nông nổi không nhịn được một chút phiền phức, đó là điều đại kỵ khi làm người;

Khoan dung nhường nhịn, cam tâm chịu thiệt, đó là cách duy nhất trong xử thế.

Một lời đủ chuốc lấy đại hoạ, nên người xưa kín miệng như bưng, chỉ sợ bị vấp ngã;

Một hành động đủ bôi xấu cả đời, nên người xưa tự tu dưỡng như ngọc sáng, chỉ sợ có tỳ vết.

— Trích từ “Vi lô dạ thoại”

*

Vương Vĩnh Bân 王永彬 tự Nghi Sơn 宜山, người đời gọi ông là Nghi Sơn tiên sinh 宜山先生, con cháu đời sau của họ Vương gọi ông là Nghi Sơn công 宜山公. Cuộc đời ông trải qua 5 vương triều: Càn Long 乾隆, Gia Khánh 嘉庆, Đạo Quang 道光, Hàm Phong 咸丰, Đồng Trị 同治. Ông sinh ngày 23 tháng Giêng năm Nhâm Tí thời Càn Long, mất ngày 25 tháng Giêng năm Kỉ Tị thời Đồng Trị, hưởng thọ 78 tuổi.

Vi lô dạ thoại 围炉夜话: là một tác phẩm nổi tiếng đời Thanh, tác giả là Vương Vĩnh Bân 王永彬. Vi lô dạ thoại có 221 tắc, đề cập nhiều phương diện như đạo đức, tu thân, độc thư, an bần lạc đạo, giáo tử, trung hiếu, cần kiệm … nêu rõ hàm nghĩa sâu xa: lập đức, lập công, lập ngôn đều lấy “lập nghiệp” làm gốc. Vi lô dạ thoại 围炉夜话 cùng với Thái căn đàm 菜根谭, Tiểu song u kí 小窗幽记 được gọi chung là “xử thế tam đại kì thư”.

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *