365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 7 tháng 1: Đêm đông đọc sách dạy con trai Tử Duật; Ngày Mai; Hôm nay

Đêm đông đọc sách dạy con trai Tử Duật

Lục Du (Tống) (1125- 1210)

Người xưa học tập tận tâm hành

Tuổi trẻ gắng công, lớn vang danh

Sách vở vẫn còn điều nông cạn

Đạo lý thâm sâu phải tự thành.

— Trích từ “Kiếm Nam thi cảo”

*

Ngày mai

Văn Gia (Minh) (1501- 1583)

Ngày mai lại ngày mai

Ngày mai sao mà lắm

Ngày ngày đợi ngày mai

Vạn sự lần nữa mãi.

Người người mệt mỏi vì ngày mai

Vô số ngày mai già đến vai

Sớm chiều nước cuộn về Đông hải

Mặt trời khuất núi lặn về Tây.

Trăm năm một kiếp mấy ngày mai

Xin người nghe lấy lời này của tôi.

*

Hôm nay

Hôm nay lại hôm nay

Hôm nay sao mà ít

Chuyện này lúc nào xong?

Đời người trăm năm mấy hôm nay

Hôm nay không làm thật tiếc thay!

Nếu nói tạm đợi ngày mai đến

Ngày mai lại có chuyện ngày mai.

Vì người xin tạm ngâm thơ này

Mong người nỗ lực chớ chờ ngày mai.

— Trích từ “Văn thị ngũ gia tập”

*

Lục Du (陸游 1125- 1210), tự Vụ Quan (務観), hiệu Phóng Ông (放翁); người Sơn Âm; nay là huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang là quan thời Nam Tống, là nhà thơ và là nhà làm từ ở Trung Quốc.  Ông xuất thân trong một gia đình làm nghề nông khá giả, có nề nếp văn chương, qua các triều đại đều có người ra làm quan.

Lục Du là nhà thơ có một sức sáng tác hết sức dồi dào. Ông cần cù làm thơ suốt đời, vì thế trong lịch sử văn học cổ đại Trung Quốc, ông là nhà thơ làm nhiều thơ nhất. Không kể những bài mất mát hoặc do ông bỏ đi, thì số thơ còn lại khoảng 9.300 bài thơ, 130 bài từ và nhiều bài văn xuôi khác.

Đúc kết lại về sự nghiệp sáng tác của ông, nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định rằng phong cách của Lục Du khá đa dạng, nhiều bài thơ của ông tràn trề tinh thần yêu nước, gần gũi với nhân dân; nhưng lại có những bài trầm uất giống như thơ Đỗ Phủ, bi phẫn như thơ Khuất Nguyên, giản dị cao khiết như thơ Đào Tiềm, bay bổng lãng mạn như thơ Lý Bạch, hoặc hùng tâm như từ của Tân Khí Tật… Nhìn chung, thơ Lục Du, về tư tưởng và nghệ thuật, đều có những thành tựu xuất sắc. Trên thi đàn đời Tống, ông là một nhà thơ kiệt xuất, có ảnh hưởng khá sâu rộng đối với thơ ca yêu nước ở Trung Quốc, đặc biệt đối với những nhà thơ cuối đời Nam Tống đến đầu Nguyên, như Văn Thiên Tường, Lâm Cảnh Hy…

*

Bài viết bạn có thể quan tâm: 365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 6 tháng 1: Lời khuyên cho đời sau & Chuyện về Nhân thọ đường

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *