365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 7 tháng 12: Thái căn đàm – Hồng Ứng Minh

Thái Căn Đàm

Hồng Ứng Minh (Minh) (?- ?)

Phú quý như hoa

Phú quý danh dự,

Nếu có được nhờ vào đạo đức thanh cao thì giống như hoa trong núi rừng, tự do phát triển, nảy nở sinh sôi;

Nếu thông qua việc lập nghiệp tạo công mà có thì giống như hoa trong vườn có thể bị tàn úa và di chuyên;

Nếu có được nhờ dựa vào quyền lực thì giống như hoa trong bình, rễ chẳng đất cắm chỉ chờ khô héo mà thôi.

*

Nhận chân cuộc đời

Thiên hạ có hai điều khó: Lên trời khó, cứu người càng khó.

Thiên hạ có hai thứ đắng: Thuốc hoàng liên đắng, bần cùng càng cay đắng.

Thiên hạ có hai điều nguy hiểm: Giang hồ hiểm ác, lòng người càng hiểm ác.

Nhân gian có hai điều bạc bẽo: Băng tuyết mùa xuân mỏng bạc, tình người càng bạc bẽo.

Biết được cái khó, giữ lấy cái khổ, suy đoán điều hiểm ác, nhẫn chịu cái bạc bẽo thì có thể xử thế được vậy.

*

Nghiêm mình rộng người

Người khác bàn luận về ta thì thà khoan dung còn hơn tranh luận với họ.

Người khác coi khinh ta thì thà hóa giải còn hơn đề phòng với họ.

Chỉ trích lỗi sai người khác không nên quá nghiêm khắc, mà phải nghĩ đến sự nhẫn chịu của họ.

Dạy người khác điều thiện, không nên kỳ vọng quá cao mà nên nghĩ đến khả năng của họ.

*

Giữ một niệm

Một niệm vui vẻ giống như khí lành giữa trời trăng sao; Một niệm giận dữ giống như sấm mưa gió chớp;

Một niệm từ bi giống như mưa thuận gió hòa; Một niệm uy nghiêm giống như ngày nóng sương thu.

*

Nước chảy đá mòn

Dây thừng có thể cưa đứt cây, giọt nước có thể làm mòn đá, người học đạo cần phải nỗ lực gắng sức;

Nước đến tự nhiên thành dòng, dưa chín tự nhiên rơi xuống đất, người hiểu chân lý tự nhiên sẽ thuận theo tự nhiên.

*

Trí tuệ ứng thế

Khi không có gì thì cũng nên đề phòng mới tránh được những việc vô ý phát sinh;

Khi có việc thì cũng nên trấn định điềm nhiên mới có thể bình tĩnh xử lý mọi việc thấu tình đạt lý.

*

Thân tâm nhàn tịnh

Thân thường ở trạng thái nhàn nhã, vinh nhục được mất sao có thể sai khiến ta;

Tâm thường ở nơi tĩnh tại, thị phi lợi hại nào có thể che mắt được ta.

*

Thông cảm cho người hoạn nạn

Sống trong phú quý phải biết nỗi đau của nghèo khó.

Lúc tráng kiện phải nghĩ đến nỗi cay đắng của người già.

Thân nơi an lạc phải hiểu cho hoàn cảnh người hoạn nạn.

Đứng ở ngoài cuộc cần hiểu được lòng người trong cuộc.

— Trích từ “Thái căn đàm”

Bài viết bạn có thể quan tâm: 

365 ngày cho cuộc lữ hành – Trải nghiệm từ kinh điển Phật giáo và văn học Trung Hoa- Lời tựa của Đại sư Tinh Vân

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *