Lục Du (Tống) (1125 – 1210)
Mưa xuân ở Lâm An mới tạnh
Vị đời năm đến tựa tơ
Ai xui ngựa ruổi bến bờ phồn hoa
Đêm xuân nghe hạt mưa sa
Sớm ra rao bán hạnh hoa góc đường
Chữ thảo nghiên giấy tỏ tường
Bên song trời tạnh trà hương quyện nồng
Áo trắng mặc sức thong dong
Thanh minh kịp lúc vọng lòng cố hương.
*
Du xuân
Thuyền nan rẽ sóng hồ xanh
Tàn hoa vó ngựa tung hoành dọc ngang
Bảy mươi năm chốn trần gian
Xuân thời vui thú chẳng màng thế nhân.
*
Sách nơi lều cỏ
Lều cỏ ngồi lâu xuân ấm thay!
Giấy nọ im lìm trắng tựa mây
Ngoài việc phóng sinh và kê thuốc
Chuyện gì có thể động ta đây?
*
Thơ khuyên không sát sinh
Máu thịt đầm đìa có ngon chăng?
Nỗi niềm đau đớn bao khó khăn
Xin hỏi nếu ta là như vậy
Dao cắt thân tan ai thấu đặng?
*
Nhắc con
Dẫu biết chết rồi vạn sự không
Chỉ tiếc chưa thấy chín châu đồng
Nhớ ngày khôi phục toàn bờ cõi
Con thắp nén hương báo tổ tông.
— Trích từ “Kiếm Nam thi cảo”
*
Lục Du (陸游, 1125-1210), tự Vụ Quan (務観), hiệu Phóng Ông (放翁); là quan thời Nam Tống, là nhà thơ và là nhà làm từ ở Trung Quốc.
Lục Du là nhà thơ có một sức sáng tác hết sức dồi dào. Ông cần cù làm thơ suốt đời, vì thế trong lịch sử văn học cổ đại Trung Quốc, ông là nhà thơ làm nhiều thơ nhất. Không kể những bài mất mát hoặc do ông bỏ đi, thì số thơ còn lại khoảng 9.300 bài thơ, 130 bài từ và nhiều bài văn xuôi khác.
Đút kết lại về sự nghiệp sáng tác của ông, nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định rằng phong cách của Lục Du khá đa dạng, nhiều bài thơ của ông tràn trề tinh thần yêu nước, gần gũi với nhân dân; nhưng lại có những bài trầm uất giống như thơ Đỗ Phủ, bi phẫn như thơ Khuất Nguyên, giản dị cao khiết như thơ Đào Tiềm, bay bổng lãng mạn như thơ Lý Bạch, hoặc hùng tâm như từ của Tân Khí Tật…
Chính vì vậy, thơ ca ông đã đem lại cho người đọc một cảm thụ nghệ thuật đặc biệt. Song, không phải không có khuyết điểm, vì chúng có khi trùng ý, lỏng lẻo và thô thiển, nhất là những bài ông làm lúc tuổi già.
Nhìn chung, thơ Lục Du, về tư tưởng và nghệ thuật, đều có những thành tựu xuất sắc. Trên thi đàn đời Tống, ông là một nhà thơ kiệt xuất, có ảnh hưởng khá sâu rộng đối với thơ ca yêu nước ở Trung Quốc, đặc biệt đối với những nhà thơ cuối đời Nam Tống đến đầu Nguyên, như Văn Thiên Tường, Lam Cảnh Huy.
Bài viết bạn có thể quan tâm: 365 ngày cho cuộc lữ hành – Trải nghiệm từ kinh điển Phật giáo và văn học Trung Hoa- Lời tựa của Đại sư Tinh Vân