365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 9 tháng 9: Đại học

Đại học

Trình Hạo (1032 – 1085), Trình Di (1033 – 1107), Chu Hy (1130 – 1200) (Tống) biên

Đạo lý học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ phẩm đức, khiến mình và người bỏ đi cái xấu cũ, học thêm điều mới mẻ tốt đẹp, đạt đến sự hoàn thiện cao nhất.

Biết được cái mục đích cần đạt đến mà sau đó mới có sự kiên định; ý chí kiên định rồi mới có thể yên ổn; yên ổn không dao động rồi mới có thể an tâm; an tâm rồi sau mới suy nghĩ; lo nghĩ chu đáo rồi sau mới có thể đạt được thành mục đích cao thượng.

Mọi vật đều có nguồn gốc ngọn ngành, mọi sự việc đều có bắt đầu và kết thúc, biết được trật tự trước sau đó thì đã gần với đạo lý rồi.

Điều mong muốn của người xưa là làm tỏ đức sáng trong thiên hạ, do vậy trước tiên họ phải lo liệu quản lý nước mình (trị quốc). Muốn trị quốc, trước hết phải quản lý được nhà mình (tề gia). Muốn tề gia, trước hết phải rèn luyện tu dưỡng đạo đức của bản thân (tu thân). Muốn tu thân, trước hết phải giữ cho lòng mình ngay thẳng (chính tâm). Muốn chính tâm chân thành vô tư, trước hết phải chân chính với điều mình nghĩ (thành ý). Muốn thành ý, trước hết phải suy xét đến cùng những đạo lý mà mình biết (trí tri). Sự hiểu biết cặn kẽ nằm ở chỗ vượt qua vật dục, nghiên cứu, xem xét sự vật đến tận cùng (cách vật).

Xét sự vật cho tận cùng lý lẽ rồi thì sự hiểu biết mới đạt đến đích. Hiểu biết thấu đáo rồi thì điều mình suy nghĩ (ý) mới được chân thật (thành). Điều mình nghĩ có chân thật thì lòng mình mới ngay thẳng (chính). Lòng có ngay thẳng thì bản thân mới rèn luyện tu dưỡng đạo đức được. Rèn luyện tu dưỡng đạo đức của bản thân được rồi thì mới quản lý được việc nhà. Quản lý việc nhà được rồi thì mới quản lý được đất nước. Quản lý đất nước được thì thiên hạ mới yên ổn.

Từ bậc Thiên tử cho đến thứ dân đều phải lấy việc rèn luyện tu dưỡng đạo đức bản thân (tu thân) làm gốc. Cái gốc của nó lộn xộn, rối ren (loạn) thì không thể nào lo liệu, sắp xếp (trị) được cái ngọn vậy. Điều quan trọng như tu thân thì coi nhẹ mà chỗ không quan trọng lại xem trọng thì chưa từng có vậy. Thế mới gọi là biết cái gốc, là đạt đến sự hiểu biết vậy.

Thành ý nghĩa là không tự lừa dối mình: giống như ghét mùi hôi, thích sắc đẹp, hoàn toàn từ lòng chân thật mà ra, như vậy mới gọi là thỏa mãn tâm ý mình. Bởi thế, người quân tử phải thận trọng khi chỉ có một mình!

— Trích từ “Đại học”

Bài viết bạn có thể quan tâm: 365 ngày cho cuộc lữ hành – Trải nghiệm từ kinh điển Phật giáo và văn học Trung Hoa- Lời tựa của Đại sư Tinh Vân

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *