Sóng yên gió lặng
Tô Thức (Tống) (1036- 1101)
Ngày 7 tháng 3, trên đường ở Sa Hồ gặp phải trời mưa giông, những người đi cùng đều bối rối lo lắng, chỉ riêng ta coi như không có gì, không bao lâu thì trời tạnh, tức cảnh sinh tình làm bài từ này.
Nghe gì lá rừng rơi xào xạc
Ngâm nga chân bước thế là vui
Gậy trúc, giày rơm, hơn vó ngựa
Ai sợ?
Áo tơi nhẹ bước chân đời
Gió xuân khẽ thổi tan ý rượu
Mỉm cười!
Mặt trời chếnh bóng, ngẩng nhìn chia xa.
Ngoảnh đầu chợt thấy nơi hoang vắng
Quay về!
Nắng mưa gió táp đã tan rồi.
— Trích từ “Đông Pha từ”
*
Bài phú khi tới Xích Bích
Khách trên thuyền cảm thán:
Anh hùng cái thế một thời. Hỡi ôi! Nay còn đâu?
Huống chi, tôi với anh chỉ là tiều phu ngư phủ ở chốn này, vui chơi cùng tôm cá, làm bạn với hưu nai; chèo một chiếc thuyền con, nâng chén rượu để thêm tình thân thiết.
Gửi tấm thân phù du giả tạm giữa đất trời, như hạt thóc trong biển xanh rộng lớn; xót thương cho cuộc sống ngắn ngủi này mà ngưỡng mộ cái vô tận của con sông Trường Giang.
Tô Tử tiếp lời:
Thế anh có biết dòng nước và ánh trăng nơi đây không?
Dòng nước cuồn cuộn chảy nhưng chưa bao giờ đi mất, ánh trăng khi tròn khi khuyết nhưng chưa bao giờ tăng giảm.
Cho nên từ phương diện thay đổi của ta và muôn vật thì trời đất đổi thay trong chớp mắt;
Nhưng từ phương diện vĩnh hằng của ta và muôn vật thì trời đất với ta tồn tại vô cùng vô tận vậy.
Như thế, chúng ta có gì đâu mà phải ngưỡng mộ?
Huống chi giữa trời đất này, vạn vật đều có nét đặc biệt riêng của nó. Đâu có gì là của ta, mà ta cố tình chiếm hữu một chút đề làm gì. Chỉ có ngọn gió mát trên sông, cùng vầng trăng sáng lơ lửng trên núi đồi; do đôi tai nghe đến nên cảm nhận âm thanh muôn vẻ, do đôi mắt nhìn thấy nên biết được cảnh vật muôn màu; lấy không ai cấm, dùng không cạn kiệt. Đó chính là kho báu vô tận của đất trời, nên tôi và anh cùng nhau chung hưởng niềm vui đó.
— Trích từ “Kinh tiến Đông Pha văn tập sự lược”
*
Tô Thức (1036 – 1101), tự Tử Chiêm (子瞻), một tự khác là Hòa Trọng (和仲), hiệu Đông Pha cư sĩ (東坡居士) nên còn gọi là Tô Đông Pha, là nhà văn, nhà thơ, như pháp và học sĩ nổi tiếng thời Tống, Trung Quốc. Ông được mệnh danh là một trong Bát đại gia Đường Tống. Tiền Xích Bích phú và Hậu Xích Bích phú là hai viên ngọc của cổ văn Trung Hoa).