365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 15 tháng 6: Nhật ký của Tăng Văn Công – Tăng Quốc Phiên

Nhật ký của Tăng Văn Công

Tăng Quốc Phiên (Thanh) (1811 – 1872)

Thời gian từ cổ chí kim đã trải qua hàng triệu năm chưa bao giờ dừng lại. Cuộc đời mấy mươi mùa mưa nắng, so với thời gian xưa nay thì chỉ là một cái chớp mắt mà thôi.

Không gian vô cùng bao la không thể đo đếm hết. Con người sinh tồn trên đó, sáng chỉ một căn nhà, tối cũng chỉ một chiếc giường vậy.

Sách vở người xưa và nay nhiều như biển lớn. Số lượng đọc được trong đời cũng chỉ là hạt muối bỏ bể mà thôi.

Sự vật biến đổi khôn lường, tiếng thơm có trăm đường. Nhưng tài và lực mà con người có thể làm được trong đời cũng chỉ là hạt cát trong vũ trụ.

Biết được sự vĩnh cửu của thời gian cũng như sự ngắn ngủi của cuộc đời ta, cho nên khi gặp phải hoạn nạn nghịch cảnh thì chí ít nên nhẫn nại chờ đợi kết quả.

Biết được cái mênh mông của không gian, biết được sự nhỏ bé của nơi ta đứng, thì khi rơi vào cảnh tranh đoạt vinh hoa hãy nhường nhịn, giữ gìn sự nho nhã, tĩnh tại.

Biết được sách vở nhiều vô kể, mà sách ta đọc được thì ít, nên không dám vui mừng vì chút thành tích của bản thân, chỉ suy nghĩ lựa chọn điều hay để tuân theo.

Biết được sự việc trên đời thì nhiều mà chuyện ta làm được rất ít, nên không dám tự khen công danh của bản thân, mà suy nghĩ tiến cử người hiền cùng nhau phấn đấu.

Biết được như thế thì sự tự tư, tự mãn có thể loại bỏ dần trong tâm trí

— Trích từ “Tăng Văn Công tập”

*

Tăng Quốc Phiên (1811– 1872) (giản thể: 曾国藩; phồn thể: 曾國), tên tự là Bá Hàm, hiệu là Điều Sinh, người Tương Hương, tỉnh Hồ Nam, đỗ Tiến sĩ triều Đạo Quang, giữ chức vụ Thị lang các bộ Binh, Lễ, Lại, Hình, đồng thời là một Nho gia theo phái Đông Thành, nhân vật tiêu biểu của địa chủ người Hán, sau được bổ nhiệm chức Nội các Học sĩ trong Triều đình Mãn Thanh. Tăng Quốc Phiên cùng với Tả Tông Đường và Lý Hồng Chương là ba nhân vật là người Hán có quyền thế và ảnh hưởng lớn đến Trung Quốc cuối thời nhà Thanh.

Trong suốt thời kì làm quan, ông còn góp phần bồi dưỡng, đào tạo nhiều vị quan lại cho triều đình. Ông cũng là 1 nhà tư tưởng ái quốc nổi tiếng thời cận đại, về ông có rất nhiều ý kiến đánh giá trái chiều, có tốt, có xấu. Các tác phẩm của ông gồm “Tăng Văn Chính Công toàn tập”(174 cuốn), “Tăng Văn Chính Công thủ thư nhật ký”(40 cuốn).

*

Bài viết bạn có thể quan tâm: 365 ngày cho cuộc lữ hành – Trải nghiệm từ kinh điển Phật giáo và văn học Trung Hoa- Lời tựa của Đại sư Tinh Vân

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *