Bài ca tất cả đều là không
Bảo Chí (Nam Lương) (418 – 514)
Ngược xuôi Nam Bắc khắp Tây Đông, thấy rõ cuộc đời vốn trống không.
Trời cũng không, đất cũng không, đời người mù mịt ở trong lồng.
Trời cũng không, trăng cũng không, đến đi qua lại có gì công?
Ruộng cũng không, nhà cũng không, thay tên đổi chủ biết bao lần?
Vàng cũng không, bạc cũng không, chết rồi tay nắm có gì không?
Vợ cũng không, con cũng không, đường đến suối vàng thật mênh mông.
Đại tạng kinh dạy: “không là sắc”, Bát nhã kinh rằng “sắc tức thị không”.
Sáng ở nơi này chiều chốn nọ, đời người nào khác một con ong.
Hái được trăm hoa thành mật ngọt, vất vả cuối cùng cũng tay không.
Đêm khuya nghe tiếng trống canh ba điểm, năm canh chợt tỉnh tiếng chuông đồng.
Thế sự trăm điều suy ngẫm kỹ, Nam Kha mộng tỉnh vẫn hoàn không.
— Trích từ “Chí Công Hòa thượng vạn không ca”
*
Bài kệ mười không
Ngô Sơn Tịnh Đoan (Tống) (1031 – 1104)
Đời người trăm tuổi mấy ai
Hoa kia há chẳng nhạt phai hương nồng
Giàu tiền nhưng bố thí không
Chết rồi buông hết nặng lòng mà chi.
Chuyện đời chẳng đáng khắc ghi
Cớ sao vọng tưởng đến đi xoay vần
Tham lam chỉ nhọc đến tâm
Kiếp người ai chẳng một lần ra đi.
Sắc thân ấy vốn da bì
Quẩn quanh nhà lửa sầu bi muộn phiền
Phật kinh giáo lý chẳng chuyên
Chây lười, giải đãi liên miên một đời.
Giàu sang phú quý thảnh thơi
Phúc duyên tiền kiếp đời đời trồng gieo
Đời nay chẳng biết tu theo
Đời sau vĩnh viễn cái nghèo chẳng tha.
Khuyên ai trị quốc tề gia
Tứ thân phụ mẫu phôi pha sao đành
Mau mau tạo mọi duyên lành
Đời nay tu tập kẻo thành uổng công.
— Trích từ “Ngô Sơn Tịnh Đoan Thiền sư ngữ lục”
Bài viết bạn có thể quan tâm: 365 ngày cho cuộc lữ hành – Trải nghiệm từ kinh điển Phật giáo và văn học Trung Hoa- Lời tựa của Đại sư Tinh Vân