Âu Dương Tu: Thành tài trong một đêm nhờ khiêm tốn và nỗ lực

Ngựa tốt một ngày đi ngàn dặm, ngựa kém kéo xe mười ngày

Trong chương “Thu Thủy” của cuốn “Trang Tử” nói rằng sở trường của giống ngựa tốt nằm ở khả năng chạy của nó, một ngày có thể chạy một ngàn dặm, dân gian có câu: “Kỳ Ký, Hoa Lưu, một ngày mà chạy ngàn dặm”. Thành ngữ “một ngày ngàn dặm” cũng được bắt nguồn từ trong câu nói này – Kỳ Ký, Hoa Lưu đều là tên gọi của các con bảo mã, sau này thường được dùng để chỉ những người có tài hoa xuất chúng.

Trong tác phẩm “Khuyến học” của Tuân Tử có câu: “Nô mã thập giá” (ngựa kém kéo xe mười ngày) để khuyên con người cần cù bù thông minh, mỗi ngày đều phấn đấu không ngừng thì vẫn có thể đạt được mục tiêu, “nô mã thập giá, công tại bất xá.” (Ngựa kém kéo xe mười ngày, thành công do không từ bỏ).

Nô mã (ngựa kém) là con ngựa không thể chạy nhanh, thường gọi là liệt mã (ngựa yếu). Ngựa kéo xe một ngày gọi là nhất giá, thập giá tức là lộ trình kéo xe trong mười ngày. Ngựa tốt một ngày có thể chạy ngàn dặm, ngựa thường tuy là chạy chậm, nhưng tích lũy sự cố gắng trong mười ngày thì cũng có thể chạy được một ngàn dặm.

Tuân Tử không chú trọng sự hơn thua về tốc độ, và cũng không xem trọng sự thắng thua, mà chỉ muốn nhấn mạnh học tập cần phải kiên trì lâu dài, cố gắng không bỏ cuộc, kiên định tiến thẳng về mục tiêu. Trong học tập cũng như trong hành trình cuộc đời nếu như đã lựa chọn mục tiêu của mình rồi, thì cho dù chỉ là một con ngựa bình thường đi nữa, chỉ cần cố gắng  tích lũy công sức kéo xe trong mười ngày, trăm ngày, trăm ngàn ngày… thì vẫn có cơ hội đạt được mục tiêu.

Âu Dương Tu cố gắng một đêm kéo xe của mười ngày, một ngày đi ngàn dặm

Nhân vật Âu Dương Tu được xem là một trong những văn nhân hàng đầu của thời Bắc Tống. Ông vô cùng cần cù hiếu học và thận trọng, có lòng quyết tâm phải theo kịp người xưa.

Cha của Âu Dương Tu mất sớm, lúc nhỏ gia đình ông rất nghèo, mẹ ông phải rải vôi xuống dưới đất, xé ngọn cỏ lau để làm bút để dạy Âu Dương Tu học viết chữ. Năm 20 tuổi, thanh danh của ông đã được truyền đi khắp nơi, văn chương nổi tiếng khắp thiên hạ, ông còn là người khắc chữ lên bia đá nổi tiếng, và là nhà lịch sử học.

Nếu nói đến tư chất của Âu Dương Tu thì chắc chắn phải thuộc vào hàng thông minh thiên bẩm, tuy nhiên, trong quá trình học sáng tác văn chương, ông từng thể hiện sự chăm chỉ được ví như con ngựa yếu trong một đêm kéo xe của mười ngày, đạt đến khả năng một ngày chạy ngàn dặm, tiến bộ thần tốc khiến mọi người đều kinh ngạc. Ông đã học tập như thế nào? Trong “Tương Sơn Dã Ký” có ghi chép về chuyện này.

Đó là một câu chuyện xảy ra tại Lạc Dương thuở Âu Dương Tu còn trẻ. Lúc đó tại địa phương, vị quan đứng đầu ở Lạc Dương là Tiền Duy Diễn có cho xây một quán trọ mới, tên là Lâm Viên. Khi Lâm Viên khánh thành, ông tìm ba nhân tài xuất chúng của thời bấy giờ là Tạ Hi Thâm, Doãn Sư Lỗ và Âu Dương Tu viết một bài văn để chúc mừng quán trọ khai trương.

Ba người họ đều là trong một đêm đã viết ra được bài văn của mình, trong lòng họ đều có ý muốn đọ sức với nhau, nên liền mang văn chương ra so tài. Bài văn của Tạ Hi Thâm chỉ có 500 chữ, Âu Dương Tu viết được hơn 500 chữ, còn Doãn Sư Lỗ chỉ dùng có hơn 300 chữ mà đã viết thành Lâm Viên Ký. Ngôn từ đơn giản mà lại rất chi tiết cụ thể, tường thuật đầy đủ, trích dẫn tích truyện, kết cấu văn chương có thủ pháp hợp lý rõ ràng.

Sau khi Tạ Hi Thâm và Âu Dương Tu xem xong bài văn của Doãn Sư Lỗ thì chỉ muốn đem bài văn của mình giấu đi mà thôi, trong lòng cảm thấy xấu hổ. Nhưng Âu Dương Tu không vì vậy mà nản lòng, cũng không từ bỏ việc nâng cao khả năng sáng tác của bản thân. Vậy là một mình ông mang rượu đi thỉnh giáo Doãn Sư Lỗ, cả đêm đều hỏi ông ta về việc phải làm sao để viết ra bài văn hay.

Doãn Sư Lỗ không chút che giấu, ông rất nhiệt tình và thẳng thắn nói với Âu Dương Tu: “Văn chương của ông có cách điệu cao, tuy nhiên, về bố cục phát triển nội dung văn chương có hơi yếu một chút, sự xúc tích mà tinh tế của từ ngữ vẫn còn chưa đủ”.

Âu Dương Tu nghe xong lời góp ý của Doãn Sư Lỗ, tâm trạng phấn chấn trở lại, ông nhớ kỹ những điểm quan trọng, rồi ngay lập tức viết ra một bài văn mới. Trong bài văn lần này, ông sử dụng số chữ ít hơn bài văn của Doãn Sư Lỗ 20 chữ, từ ngữ câu cú liên kết chặt chẽ, muốn tăng hoặc giảm bất cứ một chữ nào cũng khó, thể hiện được màu sắc tinh tế mà lại xúc tích trong văn chương.

Sau lần đó, Doãn Sư Lỗ nói với mọi người: “Âu Dương Tu tiến bộ rất nhanh, đúng là một ngày đi ngàn dặm!”.

(Theo Vison Times)

Bài viết bạn có thể quan tâm:

1. 365 ngày cho cuộc lữ hành – Trải nghiệm từ kinh điển Phật giáo và văn học Trung Hoa- Lời tựa của Đại sư Tinh Vân

2. “Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu, thoại bất đầu cơ bán cú đa” – Âu Dương Tu

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *