365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 14 tháng 9: Đào Am mộng ức – Trương Đại

Trương Đại (Minh) (1597 – 1679)

Tựa Đào Am mộng ích (trích)

Nghĩ lại cuộc đời ta, phồn hoa mỹ lệ như mây khói thoảng qua. Năm mươi năm trôi qua như một giấc mộng. Nay bừng tỉnh giấc mộng thấy mình tay không, biết cam chịu làm sao?

Nhớ chuyện xưa mà ghi chép lại thành lịch sử, dâng lên trước Phật một lòng sám hối… “Liệu có phải là mộng ảo?” E rằng mộng, sợ không phải là mộng, lại sợ đó là mộng, thật khiến người ta si dại! Nay ta đại mộng sắp tỉnh, tuy chỉ là tài mọn nhưng đó lại là một giấc mộng.

*

Tìm mộng Tây Hồ

Ánh trăng như tuôn chảy, đổ bóng trên mặt nước, sóng nước cuộn dâng trào, hơi sương giăng mù khắp chốn nhuộm một màu trắng xóa giữa bầu trời. Ta thực sự bất ngờ vui thích. Khi thuyền đi đến chùa Kim Sơn, trống đã điểm canh hai. Ta qua điện Long Vương, bước chân vào đại điện thấy vạn vật vẫn còn im lìm trong bóng tối. Dưới rừng ánh trăng vàng rơi giống như tuyết cuối mùa lất phất bay.

*

Ra đình giữa hồ ngắm tuyết rơi

Tháng 12 năm Sùng Trinh thứ 5 (1632), ta sống ở ven Tây Hồ. Tuyết rơi mấy ngày liên tục, tiếng người và chim ở trên hồ đều im bặt. Hôm đó trời vừa tối, ta chèo con thuyền nhỏ, khoác áo lông, mang theo lò sưởi, chèo thuyền về hướng đình giữa hồ để ngắm tuyết.

Mặt hồ hoa tuyết mù mịt, trời và mây, núi và nước, đều thành một màu trắng xóa. Bóng trên mặt hồ chỉ còn là một vệt dài nhàn nhạt của đường đê. Đình giữa hồ chỉ còn một chấm nhỏ, cùng chiếc thuyền con tựa chiếc lá và bóng đôi ba người trong thuyền mà thôi.

Đến nơi, trông thấy hai người đã trải xong thảm ngồi đối diện với nhau, một đứa bé đang hâm rượu trong lò sôi sục. Họ nhìn thấy ta liền vui mừng nói: “Không ngờ trong hồ còn có người như ông!” Họ kéo ta cùng nâng chén rượu nồng. Ta vui mừng cạn ba cốc lớn sau đó từ biệt.

Ta xin hỏi tên họ, thì chỉ biết được họ là người Nam Kinh, ngụ tạm đất này. Đợi đến lúc lên thuyền, thì thuyền phu gửi đôi lời: “Đừng nói tướng công chỉ mình ngài si mê cảnh đẹp, vẫn còn có người si mê như ngài đấy!”

— Trích từ “Đào Am mộng ức”

Bài viết bạn có thể quan tâm: 

365 ngày cho cuộc lữ hành – Trải nghiệm từ kinh điển Phật giáo và văn học Trung Hoa- Lời tựa của Đại sư Tinh Vân

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *