365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 24 tháng 11: Mong muốn – Hứa Địa Sơn

Mong muốn

Hứa Địa Sơn (1894 – 1941)

Tảng đá lớn trong chùa Nam Phổ Đà sau mưa cảm giác có phần sạch hơn, nhưng rêu lại mọc nhiều hơn. Ánh sáng nhàn nhạt ở chân trời giường như mang lại tín hiệu về một ngày nắng. Hơi nước trong rừng cây bị mặt trời chia thành bảy sắc. Vợ tôi ngồi trên tảng đá, thấy tôi bước đến, liền hỏi: “Anh từ đâu đến? em đã đợi anh lâu lắm rồi. Ngồi dưới tán cây này thật thoải mái! Chúng ta mỗi ngày đều đến đây thì thật tốt biết bao!”

“Tại sao không thể chứ?”

“Anh nên làm bóng mát chứ không nên chỉ ngồi để được che mát”.

“Em muốn anh làm bóng mát như thế cho em sao?”

“Bóng mát như thế có là gì! Em muốn anh làm chiếc lọng quý báu vô giá, có thể che mát cho chúng sinh hữu tình trên thế gian. Mong muốn anh làm viên minh châu như ý, có thể chiếu khắp chúng sinh hữu tình trên thế gian. Mong muốn anh là chùy kim cương hàng ma, có thể phá tan mọi chướng ngại trên thế gian. Mong muốn anh làm một đồ vật báu lớn, có thể chứa được trăm vị, nuôi dưỡng hết thảy người đói khát trên thế gian. Mong muốn anh có sáu tay, mười hai tay, trăm tay, ngàn vạn tay, vô số bàn tay như ý, có thể tạo ra nhiều chuyện tốt đẹp trên thế gian”.

Tôi nói: “Tốt thay, lành thay! Nhưng anh muốn làm muối để điều hòa hương vị, thẩm thấu vào trong các món ăn, lan tỏa hình hài của mình; sau đó quay về với diện mục khi vào trong biển cả, khiến hết thảy chúng sinh hữu tình đều nếm được vị mặn, chứ không nhìn thấy được hạt muối.”

Vợ tôi đáp: “Chỉ điều hòa hương vị thì có thể khiến hết thảy chúng sinh hữu tình thỏa mãn sao?”

Tôi trả lời: “Công dụng của muối nếu chỉ là điều hòa hương vị thì không xứng với muối?

— Trích từ “Hứa Sơn Địa tản văn”

*

Hứa Địa Sơn (許地山) (1893-1941) Học giả Phật giáo Trung quốc, người Yết Dương, tỉnh Quảng Đông, tên là Tán Khôn, cũng có tên là Thúc Sửu, tự Địa Sơn, bút hiệu Lạc Hoa Sinh.

Ông tốt nghiệp Đại học Yên Kinh, sau đến Đại học Colombia ở Hoa Kì để nghiên cứu về lịch sử tôn giáo, tỉ giảo tôn giáo học, ông đậu bằng Thạc sĩ văn học và nổi tiếng về các môn Nhân loại học, Dân tục học.

Năm 1925, ông chuyển đến Đại học Oxford, Anh quốc, chuyên nghiên cứu tiếng Phạn. Vì muốn biết rõ về nguồn gốc của tư tưởng Phật học, nên ông đến Ấn Độ để khảo sát. Về sau ông lần lượt làm giáo sư các trường Đại học Yên Kinh, Bắc Kinh, Thanh Hoa, Nam Khai và chủ nhiệm hệ Đại học Hương Cảng.

Các tác phẩm văn học của ông thường dung nhập tư tưởng Phật giáo, có phong cách riêng, nhất là bút pháp tả chân lãng mạn trong văn xuôi, đã chiếm một địa vị quan trọng trong văn học sử cận đại của Trung Quốc. Về sau, ông lại chuyên tâm nghiên cứu Phật giáo và Đạo giáo. Ông qua đời năm 1941, hưởng dương 49 tuổi.

Tác phẩm của ông gồm có: Trần na dĩ tiền Trung quán phái dữ Du già phái chi Nhân minh, Ấn Độ văn học, Phật tạng tử mục dẫn đắc, Trung Quốc Đạo giáo sử, Đạo tạng tử mục dẫn kiểm, Đạo giáo sử thượng biên, Phù ki mê tín để nghiên cứu, Không sơn linh vũ tản văn tập.

Bài viết bạn có thể quan tâm: 

365 ngày cho cuộc lữ hành – Trải nghiệm từ kinh điển Phật giáo và văn học Trung Hoa- Lời tựa của Đại sư Tinh Vân

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *