365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 11 tháng 12: Tự do thật sự – Phật Quang Tinh Vân

Tự do thật sự

Phật Quang Tinh Vân (1927 – 2023)

Con người vì tình ái trói buộc nên luân hồi trong sinh tử; con người vì có tình cảm cho nên gọi là “chúng sinh hữu tình”. Giả sử có thể khiến tình cảm nhạt đi một chút thì con người có thể đạt được tự do, tự tại trong cuộc đời.

Nếu chỉ trầm luân trong thế giới tình cảm hai người, ngày ngày sống với sự mê hoặc và trói buộc của tình cảm thì còn gì là cuộc đời độc lập?

Nếu có thể thăng hoa tình yêu thành lòng từ bi thì “tâm từ làm tắt được sân giận, lòng bi ngăn được ý hãm hại”. Còn trong Tăng nhất A hàm kinh nói rằng: “Chư Phật Thế Tôn thành đại từ bi, lấy đại từ làm năng lực đem đến lợi ích cho chúng sinh”, từ bi là nguyện lực độ chúng không biết mệt mỏi của chư Phật Bồ tát. Mọi người đều có thể đối đãi với nhau bằng lòng từ bi, thì tình yêu sẽ như ánh mặt trời mùa đông có thể làm tan chảy băng tuyết lạnh giá, có thể khơi gợi chân thiện mỹ của nhân tính. Tình yêu sẽ là một thứ sức mạnh tuyệt vời cổ vũ con người tích cực tiến lên, hướng thượng, hướng thiện.

Cho nên, học cách tịnh hóa thân tâm, mở rộng tấm lòng quan tâm nhiều hơn thì cuộc sống sẽ có thể an lạc, giàu có.

— Trích từ “Cách nhìn của Phật giáo đối với vấn đề thanh thiếu niên”

*

Chủ nhân của cuộc đời

Trong Tạp A hàm kinh cuốn 17 có ghi chép rằng, có một lần Đức Phật hỏi đệ tử rằng, “kẻ phàm phu và bậc Thánh hiền có cảm nhận khác nhau ra sao về khổ và vui?”

Kẻ phàm phu thân xác chịu khổ thì đầu óc đau khổ, hoảng loạn, khiến cho nội tâm cũng đau khổ theo; còn bậc Thánh hiền khi thân xác chịu khổ nhưng không ưu sầu phiền não, cho nên chỉ có thân xác chịu khổ, còn tâm không chịu khổ. Sự khác biệt chính nằm ở chỗ kẻ phàm phu bị nhiễm trước bởi năm dục, nên tạo ra ba độc tham sân si, còn bậc Thánh hiền thì không.

Bởi vậy, bình thường chúng ta dựa vào chính niệm, chính cần, chính đạo để xử thế, thông qua việc quán chiếu Bát nhã mà bồi dưỡng tâm nhẫn nại, tâm bao dung, tâm thành thật, tâm ngây thơ, tâm thanh tịnh, tâm từ bi, tâm khoan dung, tâm hoan hỷ, tâm bình đẳng, tâm nhẫn nhục, tâm tàm quý, tâm cảm ân, v.v. của bản thân thì không sinh ra các loại cảm xúc tiêu cực. Duy chỉ có quản lý tốt cảm xúc thì chúng ta mới có thể tìm về được với chủ nhân của tâm hồn, là chủ nhân của chính mình.

— Trích từ “Nhân gian Phật giáo luận văn tập”

Bài viết bạn có thể quan tâm: 

365 ngày cho cuộc lữ hành – Trải nghiệm từ kinh điển Phật giáo và văn học Trung Hoa- Lời tựa của Đại sư Tinh Vân

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *