Bí quyết sống lâu: “Hơi thở – Gốc rễ của sự sống” 

Mùa xuân bên thềm, đất trời rạng rỡ mới mẻ, tinh khôi. Trong cái mới mẻ, tinh khôi đó, con người không tránh khỏi nghĩ đến thời gian, đến tuổi, “mình lại thêm một tuổi”. Và một lẽ tự nhiên, con người mong muốn khỏe mạnh, có sức khỏe dồi dào. Làm thế nào để có sức khỏe. Xin chúng ta cùng khảo sát trước mùa xuân!

Nhìn quanh ta thấy: Cây cối bừng lên trồi non, lộc biếc, tươi xanh đến ngút ngàn. Trong cái tươi xanh ngút ngàn kỳ diệu đó, cây cối nhờ rễ tiếp nhận chất dinh dưỡng từ môi trường sống, từ đất. Cây cối sinh trưởng, tồn tại, phát triển được là nhờ rễ, rễ bám vào lòng đất thu hút những chất dinh dưỡng nuôi cây. Rễ bền chắc ăn sâu vào lòng đất thì cây càng tốt tươi, to khỏe!

Con người thì sao? Thức ăn của con người, nghĩa là những chất để duy trì sự sống của chúng ta là cái ăn, nước và không khí. Trong đó, không khí là quan trọng nhất. Bởi vì ta chỉ cần nhịn thở ít phút là chết liền, không ăn, uống hàng tuần, hàng tháng cũng không sao!

Khi cơ thể ở trạng thái tĩnh, mỗi phút sẽ hít thở 16 lần, mỗi lần hít thở không khí khoảng 500ml, và mỗi ngày nhu cầu thở của cơ thể sẽ là 10.000 lít không khí. Một con số đáng ngạc nhiên!

Như vậy, duy trì sự sống thiết yếu của con người là không khí, sự thở chính là gốc rễ tiếp cận với ngoại giới của quá trình đó.

Vậy sức khỏe đứng về mặt dinh dưỡng không khí mà nói, chỉ là thở, biết cách thở đúng, mà như ta đã nói sự thở là “gốc rễ”, làm cho “gốc rễ đó bền chặt, sâu rộng”!

Thứ nhất, về ngoại giới, không khí chúng ta hít thở phải trong sạch. Chúng ta tránh hít phải tạp chất xen lẫn khí độc, nhất là ở thành phố, lượng xe cộ gia tăng, khu công nghiệp dày đặc không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng… chúng ta cùng cần tránh khí “lục dâm” – “phong – gió độc, hàn – lạnh giá, thử – nắng, thấp – ẩm, táo – khô, hỏa – nóng nực”.

Và không khí chúng ta tiếp nhận vào cơ thể phải tươi lành, mới mẻ, loại không khí này chỉ có ở vùng núi, cây rừng, công viên,… tất nhiên, ta phải di chuyển để tiếp cận, đón nhận thứ không khí trong lành, tươi mới, tràn đầy năng lượng đó!

Thứ hai, bộ phổi của chúng ta, cơ quan tiếp nhận không khí phải chun giãn tốt, phải thông khí từ đỉnh phổi, giữa phổi đến đáy phổi. Cách thở, các bạn bắt đầu từ hơi thở ra cho hết không khí, chờ đến khi muốn hít vào ta mới hít vào bằng mũi êm nhẹ để mũi kịp điều chỉnh nhiệt độ, ngăn bụi và vi khuẩn trong không khí, lúc này ta chủ động hạ cơ hoành xuống, ép bụng dưới – phần bụng từ rốn xuống dưới, phình bụng trên – phần bụng từ rốn trở lên, khi cảm giác bụng – phần đáy, giữa và đỉnh phổi đầy hơi ta nín thở, giữ hơi tùy sức, chờ đến khi nào muốn thở ra thì thở ra cho đến hết khí cặn, ngừng thở và thư giãn toàn thân. Cần nhớ: Lưỡi phải để sát hàm răng trên, giữ thẳng người từ dưới lên trên, nghĩa là từ thắt lưng đến gáy thành một đường thẳng.

Như vậy, cách thở hợp tự nhiên của chúng ta là thở bụng, có vận dụng cơ hoành, thở vào đầy phổi – ngưng thở, thở ra hết – ngưng thở và thư giãn toàn thân.

Ta cần nhớ chỉ thư giãn lúc thở ra bởi vì âm (thở ra) đi với âm (ngưng thở, thư giãn). Thở như vậy, phù hợp với tự nhiên và tránh tai hại xấu.

Mặt trời, trái đất, ngày đêm, … đều vận động theo một nhịp điệu nhất định. Hơi thở cũng không ngoài, đó là quy luật, quy luật tự nhiên. Độ dài lý tưởng là thở ra lâu gấp đôi thời gian hít vào, tức là 1/3 cho giai đoạn hít vào và 2/3 cho giai đoạn thở ra. Tất nhiên, nhịp thở lý tưởng phải tương ứng với nhu cầu hiện tại của cơ thể, đồng thời phải hợp với hơi thở sâu, rộng mà không cần phải gắng sức cũng như căng thẳng. Điều đó cũng đúng thôi, bởi vì thở là một cách tự nuôi dưỡng, tức là nuốt và tiêu hóa, thở ra dài hơn biểu thị cùng một lúc giai đoạn tiêu hóa và phân phối năng lượng.

Thở như vậy ta cảm thấy ung dung tự tại, thoải mái tự nhiên, bởi vì hơi thở gắn chặt với trạng thái tâm lý, với tư tưởng, tình cảm của chúng ta. Ngược lại, tư tưởng, tình cảm thay đổi, hơi thở sẽ thay đổi. Thở sâu xuống tới bụng, vận dụng cơ hoành ép bụng, có lợi cho tiêu hóa. Đông y gọi là kiện tỳ, thông tâm thận, tim có lợi, nhịp đập của nó trở nên khoan thai, thư thả!

Ta thở ra càng chậm, càng rộng thì khí được hấp thụ sẽ rộng khắp lục phủ, ngũ tạng, tứ chi… Sức khỏe đơn giản chỉ là khí – huyết lưu chuyển khắp châu thân, tới tận tế bào. Đến đây, ta thấy rõ ích lợi của thở ra, rồi thư giãn trong việc “thở trong” – tế bào hấp thụ dưỡng khí.

Thở sâu xuống bụng rốn, có nghĩa là ta đã thở tới đan điền, gốc của hơi thở. Nhưng quan trọng, theo quan niệm của người xưa ta đã tiếp cận được với nguyên khí, làm giầu có nguyên khí. Nhưng theo tôi, thở sâu dưới rốn – đan điền có có ý nghĩa sâu xa nữa. Nếu hơi thở ra nhè nhẹ, hơi thở vào dài dài, càng ngày càng sâu, càng ngày càng đều, càng ngày càng định, và sau cùng tự nhiên sẽ “ngừng”. Ta bước vào thở thai – hơi thở ra vào như tơ vương, tựa có tựa không, hết sức dài, lâu. Quá trình này, chúng tôi gọi là thở thái cực, trong dương có sẵn âm, trong âm sẵn dương nên nó biến hóa, trẻ trung, non tơ. Có thể nói, ta như ở giữa lòng trời đất, lòng mẹ tự nhiên, chúng tôi gọi là trở về lòng mẹ tự nhiên. Cho nên “tức tức quy tề thọ dữ thiên tể” thở tới rốn thọ cùng trời đất là vậy!

Trang Tử nói: “Phàm nhân chi tức dĩ hầu, thánh nhân chi tức dĩ chủng” – Người thường thở đến họng, còn thánh nhân thở tới gót chân. Chính là người khuyên chúng ta phải làm cho gốc rễ hơi thở của mình bền chặt, sâu, dài.

Đến dây ta hiểu giá trị của hơi thở, gốc rễ của sự sống con người, hơi thở đó phải êm nhẹ, đều, chậm, sâu, dài. Và biết vậy, nhưng ta cần nhớ: “Hãy sống với hơi thở của mình, hơi thở tự nhiên, trong cái tâm an bình, thanh thản, sự kỳ diệu và huyền bí sẽ tới. Và nữa, ta là hơi thở, hơi thở là ta, ta là một với hơi thở. Có được như vậy, toàn thân ta mới thở, mọi lỗ chân lông đều thở, người xưa gọi lỗ chân lông là “khí môn” – cửa khí, “huyền phủ” – phủ kỳ diệu là vậy!

Với sự hiểu biết, chúng tôi xin kết thúc bài viết: Hãy luyện tập sao cho gốc rễ – hơi thở ta bền chặt. Một hơi thở thông thiên địa, một hơi thở dài, sâu, rộng khắp đến vô cùng. Và bệnh tật sẽ được đẩy lùi, tuổi già sẽ được khống chế.

Tác giả Vũ Huy Ba

Những bài viết bạn có thể quan tâm:

1. Bí quyết sống lâu trăm tuổi – Gs. Tề Quốc Lực

2. Làm sao để sống lâu, sống khỏe?

3. Bốn loại thức ăn – Thiền sư Nhất Hạnh

4. Tuệ Tĩnh thiền sư và bí quyết dưỡng sinh

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *