Nghĩa Hành bị cách hết các chức vụ. Mấy tháng không nhìn vào trang sách, suốt ngày chỉ giao du với phường du thủ du thực, rượu chè bê tha, ngày trêu hoa, đêm ghẹo nguyệt, quên bản thân, quên cả gia đình.
Minh Nhiên đến chơi thấy vậy, nói: “Tôi thường nghe, gió lốc không qua buổi sáng, mưa rào không suốt cả ngày. Ai làm nên những cái đó? Trời chứ ai. Trời còn không lâu được huống hồ là những cái khác. Nay ông chỉ vì cái chức tước tạm thời người ta phong cho, mà vứt bỏ những cái trời ban hay sao? Ở cảnh nào thì vui với cảnh đó, cái vui của chim sẻ khác với cái vui của đại bàng. Bởi vì sao? Vì giống nòi khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, chí hướng khác nhau. Ông đã có cái chí của đại bàng, sao lại chọn cái vui của chim sẻ? Nếu ông không tỉnh lại, rồi một ngày đến cái vui của chim sẻ ông cũng không còn cảm nhận được nữa đâu”.
Nghĩa Hành đáp: “Tôi đâu dám quên những điều ông nói. Chỉ là lâu nay tôi ở cao mà không biết thấp, ở sang mà không biết hèn. Cao sang của tôi chỉ như cành lá. Thấp hèn mới là gốc rễ. Cành lá thì rễ bị gãy rụng, thấp hèn mới lâu dài, bền vững”.
Minh nhiên nói: “Ông nói thế là biết một mà chưa biết hai. Nếu không có cành lá thì sao cây có thể hấp thụ ánh sáng, lấy dinh dưỡng để giúp cho rễ được sâu, gốc được to. Ngược lại, rễ không sâu, gốc không bền thì sao thân được chắc, cành được cao, tán lá được xum xuê. Người xưa nói cao lấy thấp làm nền, sang lấy hèn làm gốc là có cái ý như vậy. Nhưng ông đừng tưởng mình đã cao mà có thể ôm được thấp, đừng tưởng mình đã sang mà gần được hèn. Cái ông tưởng cao sang thì chưa thật cao sang, mà cái ông nghĩ thấp hèn thì chưa thật thấp hèn. Cuộc đời như một cơn say, thế nên cao sang, thấp hèn có khác chi nhau? Khi sang thì không quên lúc hèn mà giữ vẹn toàn cái đức, khi hèn thì giữ lấy cái đức mà đợi lúc sang đấy mới là điều người quân tử nên nghĩ nên làm. Ông nên quay về với chính mình chứ đừng vì thói đời mà quên bản thân, uổng công đọc sách thánh hiền./.