Chữ Nhân

Nhân là cái gốc lớn của sự sinh hoá trong trời đất. Thế gian nhờ đó mà đứng, vạn vật nhờ đó mà sinh, quốc gia nhờ đó mà còn, lễ nghĩa nhờ đó mà phát hiện ra. Đối với từng người một thì nhân là cái hành xích để biết việc phải trái, điều hay dở, sự ngôn luận, sự hành vi của người ta mà hợp với đạo Nhân là hay là phải, trái với đạo Nhân là dở là xấu.

Thế nào là Nhân? Các đệ tử hỏi Khổng Tử, thì Ngài tuỳ học lực, tư cách của từng người mà trả lời với mỗi người một khác.

Nhan Hồi hỏi Nhân, Ngài nói rằng: “Khắc kỷ phục lễ vi nhân: Sửa mình trở lại theo lễ là Nhân”. Theo lễ là theo thiên lý, bỏ hết tư dục.

Phàn Trì hỏi Nhân, Ngài nói rằng: “Xuất môn như kiến đại tân, sử dân như thừa đại tế, kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân: Ra cửa phải như tiếp khách lớn, trị dân phải như làm lễ tế lớn, điều gì mình không muốn ai làm cho mình, thì không nên làm cho ai”.

Tử Trương hỏi nhân, Ngài nói: “Có thể làm được năm điều ở trong thiên hạ là nhân vậy. Là cung, khoan, tín, mẫn, huệ. Cung thì không kinh nhờn, khoan thì được lòng người, tín thì người ta tin cậy được, mẫn thì có công, huệ thì đủ khiến được người”. 

Cứ theo ý mấy câu ấy, thì Nhân là nói sự hành động của người ta phải hợp thiên lý chí công và bỏ hết cái tư tâm tư ý, khiến cho đối với người cũng như đối với mình, lúc nào cũng kính cẩn và thân ái như một vậy.

Song đó mới là cái dụng của Nhân mà thôi. Nhân còn có cái nghĩa khác rộng hơn nữa, như Khổng Tử nói: “Trí giả nhạo thuỷ, nhân giả nhạo sơn, trí giả động, nhân giả tĩnh: Người trí giả thích nước, người nhân giả thích núi, trí giả động, nhân giả tĩnh”.

Tử Cống hỏi: “Quân tử thấy nước ở sông lớn thì xem là tại sao? Khổng Tử nói: Nước là quân tử ví như đức vậy. Cho khắp cả mà không tư, giống như đức; đến đâu thì đó sống, không đến đâu thì đó chết, giống như nhân; trôi chảy xuống chỗ thấp, chảy thẳng, chảy quanh đều theo lý, giống như nghĩa; ở trên cao trăm trượng chảy xuống khe mà không ngần ngại, giống như dũng; chỗ cạn thì lưu hành, chỗ sâu thì không lường được, giống như trí; yếu ớt, mờ nhỏ, mà đâu cũng thấm đến được, giống như sát (soi xét tinh tường); chịu cái xấu, không từ chối cái nào giống như bao dung; cái gì không sạch mà vào nước thì không mấy cái ra mà không tinh khiết, giống như khéo giáo hoá; đọng thì bằng phẳng, giống như chính; đầy thì không phải gạt, giống như có độ; đi chiết khúc nhưng bao giờ cũng chảy về đằng đông, giống như có ý. Vậy nên quân tử thấy nước ở sông lớn thì xem”.

Tử Trương hỏi rằng: “Bậc nhân giả sao mà thích núi? Khổng Tử nói rằng: Núi cao ngất! Núi cao ngất! Mà thích, là ở trên núi có cỏ cây sinh ra, có chim muông nảy nở ra, có của cải nhiều. Của cải sinh ra mà không để riêng, tây, bốn phương đều đến lấy mà không riêng ai. Mây gió ở đó mà ra để làm cho khoảng trời đất thông với nhau, âm dương hoà hợp với nhau. Cái ân trạch vũ lộ, muôn vật nhờ đó mà thành, trăm họ nhờ đó mà có ăn. Ấy thế cho nên nhân giả thích núi vậy”.

Nhân là một cái thể yên lặng như núi, trong thể yên lặng ấy có tính sáng suốt, cái sức mạnh mẽ, có điều gì cũng biết rõ ràng ngay, mà làm việc gì cũng điều hoà và trúng tiết, nó lại có tình cảm rất hậu, đối với vạn vật không bao giờ là không có hậu tình. Vậy nên chữ nhân hàm cả cái ý chữ ái. Vì có nhân mới có ái, có ái mới có lòng thương người, yêu vật, muốn cho vạn vật bao giờ cũng có cái khoái lạc mà sống ở đời. Bởi có lòng nhân nên người ta mới hợp quần với nhau, mới có lòng bác ái, mới coi nhau như anh em, xem cả đoàn thể như một người, cả vũ trụ như nhất thể.

Vậy đã nhân thì yêu người, yêu vật, muốn cho vạn vật đắc kỳ sở. Lòng yêu lòng muốn ấy đều xuất ư tự nhiên, không có miễn cưỡng chút nào, cho nên mới gọi là an. Nhân với an quan hệ với nhau rất mật thiết. An là cái đức tính tốt của người có nhân, lúc nào cũng tự nhiên nhi nhiên, mà làm việc gì cũng thung dung trúng đạo. Người có nhân, tự mình có trực giác sáng láng, ở trong bụng thì an lặng mà ứng ra ngoài thì việc gì cũng thích hợp với thiên lý chí công chí thiện, cho nên bao giờ cũng an. Người bất nhân thì hay vị tư tâm, tư trí, thành ra làm mờ tối mất cái trực giác, rồi cứ miễn cưỡng tìm cách làm những điều tàn ác, trái với thiên lý, cho nên không lúc nào an được. Vậy có an mới là nhân, mà đã nhân là an.

Kẻ nhân giả suốt cả người đầy những tình cảm chân thực, cho nên đã nhân thì bao giờ cũng Trung thứ

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *