Con đường huyền thoại – Thiền sư Nhất Hạnh

Thư ngày 05.12.2008

Thất Ngồi Yên, 05.12.08

Hôm nay có nắng ở xóm Thượng. Thầy đi thiền hành xuống chùa Sơn Hạ qua con đường Tùng. Từ thất Ngồi Yên tới đường Tùng, thầy đi qua những vùng có thảm lá sồi bao phủ, nhất là đoạn đường đi qua thất Phù Vân của thầy Giác Thanh. Thảm lá sồi dày lắm, có nhiều chiếc lá còn giữ được màu tươi, màu y của các vị khất sĩ Nam Tông. Cây trút lá làm cho đất thêm màu mỡ, đất và cây nuôi nhau, điều này thấy rất rõ. Thầy đi chậm để mỗi bước chân có thể tiếp xúc được với bản môn, nghĩa là với thời gian vô cùng và không gian vô biên. Đi cho mình mà cũng là đi cho cha mẹ, cho Thầy tổ, cho Bụt, cho các con. Thầy cảm thấy không có sự ngăn cách nào giữa mình với cha mẹ, Thầy tổ, Bụt và các con. Tất cả đều có mặt trong những bước thiền hành. Bài kệ “để Bụt thở, để Bụt đi” hay lắm, càng thực tập càng thấy hay, cho nên thầy rất thường trở về với bài ấy. Bài ấy cũng có thể được thực tập trong những tư thế khác như “để Bụt thở, để Bụt ngồi” hay “để Bụt thở, để Bụt làm”, hoặc “để Bụt thở, để Bụt chải răng”. Sự thực tập này giống y như là sự thực tập niệm Bụt, Bụt đây không chỉ là một danh hiệu mà là cả một con người thật, đang thở, đang đi, đang rửa bát, đang lau nhà…

Thầy nhớ trong chuyến đi Ấn Độ vừa rồi, thầy đã thực tập “đây là Ấn Độ, Ấn Độ là đây”, thay vì “đây là Tịnh Độ”… Hôm đi thiền hành tại đại lộ Rajpath ở thủ đô New Delhi, thầy đã thực tập theo bài ấy và cũng thực tập đi cho cha mẹ, cho Thầy tổ, cho các con. Thầy thực tập “Bụt đang tản bộ, Bụt đang rong chơi, Bụt đang hạnh phúc, Bụt đang thảnh thơi, mình đang tản bộ, mình đang rong chơi …”. Rồi “Cha đang tản bộ, cha đang rong chơi…”. Khi thực tập cho các con, thầy cũng mời các con đi bằng chân của thầy, “Con đang tản bộ, con đang rong chơi …”. Các con đã có mặt với thầy trong suốt chuyến đi Ấn Độ ấy.

Các con là những người xuất sĩ, các con cũng là những người cư sĩ. Xuất là đi ra, không phải để làm quan, mà để gia nhập vào Tăng đoàn những người xuất gia. Tăng thân cần mình đi đâu thì mình đi đến đó, mình không có một trú xứ duy nhất. Cư là ở lại, cư sĩ cũng có nghĩa là xử sĩ, các con chưa xuất gia (tiếng Anh là going forth) vì đang có bổn phận với gia đình với cha mẹ, nhưng vẫn có cơ hội để tham dự vào những sinh hoạt tu tập; có mặt các con thì mới có được tứ chúng (the fourfold community, the fourfold Sangha). Các chúng xuất sĩ và cư sĩ nương vào nhau, yểm trợ cho nhau, tu tập chuyển hóa và độ đời. Tăng thân là một đoàn thể đẹp, có đủ bốn chúng nam xuất gia, nữ xuất gia, nam tại gia, nữ tại gia. “Tăng là đoàn thể đẹp, cùng đi trên đường vui, tu tập giải thoát, làm an lạc cuộc đời”. Nhà tranh đấu cho Nhân quyền Martin Luther King rất ao ước xây dựng một đoàn thể đẹp như thế, một đoàn thể sống có hạnh phúc, có tình huynh đệ và có khả năng tranh đấu cho đời. Ông gọi tên đoàn thể ấy là “The Beloved Community”, mình tạm dịch là “Tăng thân yêu quý”. Rất tiếc là ông đã bị ám sát năm 39 tuổi tại Memphis, cho nên giấc mơ đẹp ấy chưa thực hiện được. Thầy trò mình may mắn hơn. Thầy trò mình đã xây dựng được Tăng thân khắp chốn, để rồi nơi nào cũng trở thành quê hương (Tăng thân khắp chốn, quê hương nơi này). Mình đã tiếp nối được chí nguyện của Martin Luther King và công phu tu tập hằng ngày của mình là để chế tác tình huynh đệ, niềm vui sống và khả năng giúp người độ đời. Đó là những thực hiện và tiếp nối cụ thể cho giấc mơ ấy.

Thầy nhớ lần cuối thầy gặp mục sư King tại Thụy Sĩ, trong một hội nghị do Hội đồng Thế giới của các Giáo hội (World Council of Churches) tổ chức, lấy tên là Pacem in Terris (Hòa bình trên Trái đất). Mục sư ở với các vị phụ tá trên lầu thứ 11 của một khách sạn lớn trong đó hội nghị đang xảy ra. Thầy ở tầng trệt và chỉ có một vị phụ tá cư sĩ. Đó là năm 1968. Mục sư đã mời thầy lên ăn sáng để đàm đạo; vì bận họp báo nên thầy lên trễ nửa giờ. Ông đã giữ thức ăn sáng cho nóng. Trong buổi gặp gỡ này thầy đã có dịp nói với ông là: các bạn ở Việt Nam rất yểm trợ ông và xem ông như một vị Bồ tát sống. Ông rất hoan hỉ khi nghe như thế và sau này mỗi khi nghĩ tới buổi họp mặt ấy, Thầy thấy rất hài lòng vì đã nói được với ông câu ấy, bởi vì chỉ mấy tháng sau ông đã bị ám sát.

Con đường Tùng đưa thầy xuống chùa Sơn Hạ là một trong những con đường thiền hành đẹp nhất ở Làng. Các con đã từng đi với thầy trên con đường ấy chưa? Thông được trồng thành rừng, thành hàng, đứng thẳng bên nhau như một Tăng thân, quanh năm xanh tốt. Có thể có tới 8.000 cây Thông trong khu rừng ấy. Vào mùa khô ráo, thầy hay dừng lại giữa đường Tùng, ngồi xuống trên thảm lá thông. Nếu có thị giả đi theo thì thầy trò cùng uống trà trước khi đứng dậy đi tiếp. Cái thất ở chùa Sơn Hạ, nơi Thầy hay đốt lửa trong lò sưởi để tiếp các vị Tôn túc về dự Đại Giới Đàn trong các khóa tu Kiết Đông, ngày xưa là nhà ở của gia đình tá điền. Bề ngoài ngó xấu xí nhưng bên trong đã được sửa sang lại rất xinh xắn và có đầy đủ tiện nghi, nhất là có lò sưởi đốt bằng củi nơi phòng khách. Phía trên lò sưởi có bức thư pháp “bois ton thé” nghĩa là “Uống trà đi con”, hoặc là “Uống trà đi thầy”. Đã có những ngày tuyết lạnh, thầy trò mình, đôi khi có tới hai ba chục người, quây quần bên lò sưởi ấy uống trà và kể chuyện bốn phương tám hướng cho nhau nghe, bởi vì mỗi người đã từ một phương trời đi tới. “Chúng ta là chim, bốn phương bay về đây…”

Cái thất ở Sơn Hạ ấy, Thầy định đặt cho nó một cái tên, bề ngoài có thể không chải chuốt, nhưng bề trong lại rất hay. Đó là cái tên “Thất Da Cóc”. Đúng rồi da của con cóc, peau de grenouille, hay là frog skin. Da cóc thì xù xì ngó không đẹp mấy, nhưng bên trong có thể là rất đẹp. Chú Dũng, ba của thầy Pháp Đôn, lần đầu được thầy đưa vào thất đã khen: “Ngoài da cóc, trong ngọc vàng”. Các con có biết câu ấy không? Đó là vế đầu của câu đố: Ngoài da cóc, trong ngọc vàng, đi ngoài đàng, thơm lừng lựng. Đó là trái gì? Đó là trái mít chín. Bên ngoài thì da mít xù xì như da con cóc. Nhưng bên trong có những múi mít chín vàng rực thơm lừng, đó là ngọc là vàng, và khi đi qua một quãng đường có một trái mít chín thì mình nghe “thơm lừng lựng”. Câu đó có thể đã xuất phát từ miền Huế, tại vì có ba chữ “thơm lừng lựng”.

Vậy thì cái thất của thầy ở Sơn Hạ, ngoài thì là da cóc, trong thì là ngọc vàng, đó là công phu của anh Hiếu, anh ruột của thầy Pháp Quán. Anh đã để ra mấy tuần lễ để trang điểm lại cho ngôi nhà, vốn là nhà của một vị tá điền nghèo khổ. Thầy đã bắt đầu ưa cái tên thất Da Cóc rồi đó, các con có thấy buồn cười chưa. Chuyện đời xưa: một chàng trai đi trên bờ ruộng thấy một con cóc liền bước qua. Vừa mới bước qua thì nghe sau lưng có tiếng đằng hắng rất thanh tao của một thiếu nữ. Chàng quay lại nhìn và ngạc nhiên thấy trước mặt mình một nàng công chúa diễm lệ. Cố nhiên là chàng trai đã cùng cô công chúa ân cần trò chuyện và sau hết, mời cô công chúa về nhà mình để giới thiệu với bố mẹ, và chàng đã không quên nhặt chiếc vỏ da cóc bỏ vào túi và đêm ấy đã xé nát cái da cóc đó, để nàng công chúa đẹp tuyệt trần kia không chui lại được vào cái vỏ da cóc xù xì kia nữa.

Thầy có cảm tưởng thầy cũng may mắn như chàng trai kia và trên bước đường thầy đi, Thầy đã từng gặp bao nhiêu con cóc xù xì. Nhưng tất cả những con cóc ấy sau khi trút bỏ ra được cái vỏ da cóc của mình đã trở nên những vị Hoàng tử tuấn tú, những cô Công chúa đẹp tuyệt trần. Mỗi khi trái tim Bồ đề của mình biểu hiện thì mình trở nên đẹp như một nàng Công chúa hay một vị Hoàng tử. Và khi Tăng thân của mình leo đồi thế kỷ thì cảnh tượng mầu nhiệm vô cùng.

Có những con đường thiền hành thân thương đã đi vào giấc ngủ của Thầy. Ở Tổ đình Từ Hiếu những con đường Thầy đã đi thời còn làm Sadi, và đã trở thành những con đường của huyền thoại, lâu lâu lại có mặt trong những giấc mơ tìm về tới quê nhà. Các con của Thầy ở Bát Nhã cũng đã tạo dựng được những con đường thân thương như thế và sỏi đá trên đường đã trở nên quen biết dưới những bước chân chánh niệm của các vị Hoàng tử, của các nàng Công chúa. Phương Bối ngày xưa cũng đã có những con đường như thế, Phương Vân am cũng đã có những con đường như thế, Lộc Uyển cũng đã có những con đường như thế, và hiện giờ tại Bích Nham, các con của thầy cũng đã dùng bước chân chánh niệm vạch ra những con đường như thế. Những con đường thiền hành ngày xưa tại Thanh Sơn và Rừng Phong cũng mầu nhiệm không kém, chúng đã đi cả vào thi ca. “Cùng nhau ta sẽ đi, sẽ đi thăm Thanh Sơn, leo đỉnh trời bao la. Ta sẽ qua nhà trà, sẽ đi quanh bờ hồ, sẽ đi lên Phật đường…” Tịnh độ chúng ta chắc chắn là có những con đường như thế mà ai đi xa cũng nhớ. Các con có nhớ con đường thiền hành bờ suối đi ngang qua rừng trúc ở nội viện Phương Khê?

Chiều hôm nay, lúc năm giờ chiều ngồi thiền ở thiền đường Nước Tĩnh, Thầy đã mời đức Thế Tôn thở bằng hai lá phổi của thầy. Thầy nói: đây là phổi của con, nhưng cũng là phổi của Ngài. Xin Ngài thở cho khỏe, phổi còn tốt lắm không sao đâu; và đức Thế Tôn thở rất hạnh phúc, hai thầy trò đã thở rất hạnh phúc.

Chùa Sơn Hạ được bao bọc bởi những khu rừng mà phần lớn là rừng thông. Sơn Hạ có suối và có hồ. “Sơn hạ hữu tuyền, trạc chi tắc dũ” là một câu văn trích trong bài tựa của kinh Thủy Sám, có nghĩa là “Dưới chân núi có dòng suối, lấy nước suối ấy mà rửa thì vết thương sẽ lành”. Chùa Sơn Hạ là chùa dưới chân núi. Có một cây cầu bắc qua suối, đầu cầu có tảng đá trên đó có khắc dòng chữ “Sơn hạ hữu tuyền…” bằng chữ Hán. Núi đây là núi Thệ Nhật, trên đó có chùa Pháp Vân, tức là xóm Thượng – Làng Mai. Thầy Nguyện Hải là trú trì chùa Pháp Vân, nhưng vì thầy đang đi dạy ở Việt Nam nên thầy Pháp Đôn hiện thời thay thế. Còn chùa Sơn Hạ thì do thầy Pháp Sơn làm trú trì; thầy là người Tây Ban Nha, thầy cũng có quốc tịch Anh và ngoài tiếng Tây Ban Nha, thầy còn nói tiếng Anh, tiếng Đức  và tiếng Pháp rất giỏi. Thiền sinh rất thích cảnh trí chùa Sơn Hạ. Mùa Đông này có 18 vị cư sĩ đang an cư với các thầy và các sư chú ở đấy.

Năm ngoái, trong mùa Kiết Đông an cư, có một lần thầy đóng vai người hướng dẫn viên đưa một cặp du khách đi từ Sơn Hạ lên chùa Pháp Vân, theo con đường Tùng. Cặp du khách này đâu phải ai xa lạ, đó là giáo sư Hoàng Khôi – Chân Đạo Hành và phu nhân Chân Tuệ Hương, cả hai đều là đệ tử giỏi của Thầy. Mùa đông năm ngoái, hai vị đã từ Sydney tới tham dự an cư Kiết Đông ở Làng Mai và cư trú ở xóm Thượng. Hai vị cư sĩ này đều đã là giáo thọ, đã từng phiên tả và biên tập nhiều sách của thầy bằng tiếng Việt; những cuốn sách như: Hạnh Phúc Mộng và Thực, Truyền sống sinh động của thiền tập v.v… đều là do các vị này thực hiện.

Sau khi mời các vị uống trà ở thất Da Cóc – Sơn Hạ, thầy đưa các vị lên xóm Thượng theo con đường Tùng. Thầy nói: các vị hãy tưởng tượng mình mới tới Pháp Vân lần đầu và tôi là người sẽ đưa quý vị lên gặp vị Thiền sư trên am lá, thất Ngồi Yên, ở mé rừng phía Đông núi Thệ Nhật, gần chùa Pháp Vân. Và nếu biết đi từng bước lên núi với chánh niệm thì quý vị sẽ có cơ hội được gặp vị thầy ấy nhiều hơn, bởi vì thầy thường hay đi thiền hành một mình vào núi, có khi đi hái rau rừng, có khi đi hái thuốc (Sư thê dược khứ) và có khi thầy ngồi cả ngày trong rừng, không ai biết thầy ngồi đâu, kể cả vị sa di thị giả…

Hôm ấy trời mưa mới tạnh, tuy nắng lên rất đẹp nhưng cành lá còn mang những giọt nước mưa đọng long lanh như những hạt ngọc, phản chiếu mầu nhiệm ánh nắng ban mai. Thầy đã dừng lại đưa cánh tay ra hứng lấy một giọt nước từ trên lá Thông và giọt nước đang long lanh như một viên ngọc đã được chuyền xuống ngón tay thầy nguyên vẹn. Thầy bảo giáo sư Chân Đạo Hành đưa bàn tay ra để nhận lấy viên ngọc và trút viên ngọc ấy xuống bàn tay của ông. Bàn tay để trong túi áo nên còn khô và ấm lắm cho nên viên ngọc gieo xuống vẫn lăn tròn nguyên vẹn. Thầy cũng “hái” cho cô Chân Tuệ Hương một viên ngọc như thế. Đất trời thật mầu nhiệm, mỗi phút giây là một viên ngọc quý, tóm thu đất nước trời mây và chỉ cần một hơi thở nhẹ có ý thức, thì hết bao nhiêu phép lạ hiển bày.

Đi thiền hành là như thế, mỗi bước chân là khám phá, mỗi bước chân là niềm vui, mỗi bước chân là nuôi dưỡng và trị liệu. Đến một khúc lên dốc, thầy dừng lại, chỉ lên một góc núi và nói với hai vị: đi một đoạn đường nữa, quý vị sẽ thấy thất Ngồi Yên hiện ra. Có thể là thầy đang ngồi trên ấy. Và khi thất Ngồi Yên hiện ra, thầy cũng dừng lại chỉ cho hai người thấy, và mời hai vị thở và mỉm cười. Thật ra hai vị đã từng thấy thất Ngồi Yên nhiều lần rồi, và cũng đã từng uống trà với thầy trong thất ấy, nhưng lúc này đây các vị đang dùng một cặp mắt mới để nhìn và để khám phá một cái gì mới. Cả ba người như đang sống trong một huyền thoại là họ đang đi tìm vị Thiền sư trên núi, mà không biết có cơ duyên được gặp hay không. Thiền sinh về xóm Thượng đã có hàng vạn người, tới từ bao nhiêu nước, nhưng có mấy ai đã được ông Đạo tiếp ở thất Ngồi Yên? Cũng như mấy ai đã được ông Đạo tiếp ở thất Lắng Nghe ở Tổ đình Từ Hiếu?

Năm ngoái trong mùa an cư Kiết Đông, sư chú Pháp Tri đã làm thị giả cho thầy ở thất Ngồi Yên với sự hướng dẫn của thầy Mãn Tuệ. Sư chú đi học lớp uy nghi về, không thấy thầy đâu, đang chuẩn bị vào núi để tìm. Ngay lúc ấy, thầy với hai vị khách cũng vừa tới; thầy vẫn đóng vai người hướng dẫn khách hành hương, hỏi sư chú: “Thầy có ở nhà không hả sư chú?” Sư chú bỡ ngỡ, chưa biết trả lời làm sao thì thầy hỏi tiếp: “hay là thầy đang bận hái thuốc trong núi chưa về?” Bây giờ thì sư chú đã hiểu, sư chú trả lời: “Thưa quý vị, thầy con vào núi chắc cũng sắp về tới, xin mời các vị vào Thất dùng trà trong khi đợi thầy”. Ở chùa Việt Nam, Los Angeles, có treo một bức thư pháp của thầy tặng Hòa thượng Mãn Giác, bản dịch một bài thơ của thi sĩ Giã Đảo đời Đường: Bên cội Tùng, chú bảo: thầy vừa đi hái thuốc, chỉ nội núi này thôi, mây mù không thấy được. Thật ra là vị thị giả dư biết thầy mình đang ngồi ở mé núi nào, nhưng vì không muốn thầy mình bị quấy rầy bởi ông khách nên trả lời như thế để mình khỏi đi tìm thầy, và để cho thầy được ngồi yên, thế thôi. Thệ Nhật Sơn thỉnh thoảng cũng có sương mù bao phủ, nhưng sương mù không nhiều bằng ở tu viện Kim Sơn miền Bắc California.

Con đường Tùng của thầy đã đi vào huyền thoại, các con thấy chưa? Nhưng con đường nào mà thầy trò mình đã đi lại không đi vào huyền thoại? Như con đường thiền hành xuống suối ở Bát Nhã đó. Thầy trò chúng ta đã đi trên con đường ấy nhiều lần với những bước chân như thế, các con nhớ không? Con đường lên núi Vạn Thạch Liên ở Lộc Uyển, thầy trò mình đã leo lên biết bao nhiêu lần? Và đã bao nhiêu lần thầy trò mình từng ngồi trên những tảng đá trên đỉnh núi nhìn xuống thung lũng Escondido sương mù phủ kín? Con đường mà thầy trò chúng ta đi khởi sự từ sân Phật đường Từ Hiếu, xuống hồ Bán Nguyệt, quanh hồ Sao Mai, vượt cổng tam quan, lên đồi Dương Xuân hay đi về Lăng Viện, con đường ấy đã đi vào huyền thoại, đã đi vào những giấc mơ của thầy trong gần bốn mươi năm xa cách quê hương. Những con đường thiền hành ở xóm Hạ và xóm Mới cũng đã mang dấu chân của thầy trò chúng ta cả mấy chục năm nay và mỗi khi đi xa, thầy trò mình đều rất nhớ. Chúng ta đã từng đem dấu chân của Bụt in xuống trên những con đường thiền hành ở công viên Estes trên dãy Rocky Mountains, ở khuôn viên trường đại học Stonehill, trường đại học UC Santa Barbara, ở công viên Mc Arthur tại Los Angeles, trên những đại lộ của các thành phố lớn như Frankfurt, Rome, Amsterdam, Paris, New York, New Delhi, Hà Nội, v..v… Thầy nhớ hôm đi thiền hành bên hồ Hoàn Kiếm, là một Tăng thân xuất gia và tại gia tới từ 41 quốc gia, chúng ta đã bước những bước chân an lạc thảnh thơi bên bờ hồ, qua cầu Thê Húc, vào đền Ngọc Sơn… Dân chúng thủ đô đã ngạc nhiên thấy đoàn người đi một cách thảnh thơi như những người vô sự, trong khung cảnh của một thành phố rộn ràng mà ai nấy đều có vẻ bận rộn, gấp gáp. Thấy một đoàn người đi như thế, có người bảo là đã tìm ra lại được gốc gác văn hóa và quê hương đích thực của chính mình.

Chúng ta cũng đã được đi như thế ở Trung Hậu, Đồng Đắc, Bằng A, Sóc Sơn, Văn Miếu, Hoa Lư, Phát Diệm, Diệu Đế, Thuyền Tôn, Linh Mụ, Linh Ứng, Tam Thai, Chúc Thánh, Mỹ Sơn, Cam Ranh, Thập Tháp, Nguyên Thiều, Giác Viên, Giác Lâm, Ấn Quang, Hoằng Pháp, Pháp Vân… Ở đâu đối với chúng ta cũng là thánh địa; chỉ cần biết dừng lại, chỉ cần có ý thức thì mảnh đất nào cũng là quê hương.

Chỉ còn mấy tuần lễ nữa là hết năm 2008, ngồi viết thư cuối năm cho các con, thầy cảm thấy ấm áp như đang ngồi chơi với tất cả các con. Năm nay xóm Mới sẽ tổ chức lễ Giáng Sinh, xóm Hạ tết Dương lịch và xóm Thượng tết Kỷ Sửu. Năm nay trong Đại Giới Đàn Mùa Sen Mới sẽ có khoảng 27 vị được truyền đăng trong đó có thầy Pháp Hữu. Bé Huỳnh Thế Nhiệm đã tới Làng lần đầu năm 7 tuổi và sau đó đã trở lại nhiều lần. Nhiệm đã được xuất gia năm 12 tuổi và vào tháng Giêng năm 2009, Nhiệm sẽ được truyền đăng làm giáo thọ. Đó là thầy Chân Pháp Hữu. Trong khóa an cư Kiết Đông này, Pháp Hữu làm y chỉ sư cho bảy vị thiền sinh Tây phương. Họ hạnh phúc lắm với một vị y chỉ sư trẻ như thế. Các baby monks của thầy bây giờ lớn hết rồi, bên cạnh đó là Pháp Chiếu, Mật Nghiêm, Đàn Nghiêm và Mẫn Nghiêm cũng đang làm y chỉ sư cho các thiền sinh. Mẫn Nghiêm đã được truyền đăng năm ngoái trong Đại Giới Đàn Thanh Lương Địa để trở thành vị giáo thọ trẻ nhất của Làng Mai. Sư cô Mẫn Nghiêm gặp thầy lần đầu hồi còn 5 tuổi; 12 tuổi qua Làng xin xuất gia. Hạ Thoại Mỹ Quyên là tên đời, năm 16 tuổi cô đã đọc “Nói với tuổi hai mươi” của thầy và lòng dặn lòng sẽ viết một cuốn sách tặng thầy năm thầy 80 tuổi, với đề sách là “Nói với tuổi tám mươi”. Và đến năm tròn 20 tuổi, Quyên đã viết được cuốn sách ấy, 300 trang, hiện giờ thầy còn giữ ở nội viện Phương Khê. Chỉ một mình thầy được đọc thôi, Mẫn Nghiêm đã dặn như thế.

Pháp Hữu cũng sẽ là một vị giáo thọ rất trẻ. Mười năm ở với thầy, thầy trò chưa bao giờ giận nhau, truyền thông giữa hai người rất tốt. Pháp Hữu đã là một trong những vị thị giả giỏi nhất, ý tứ nhất, không thua gì sư anh Pháp Niệm, rất chu đáo, biết thầy cần gì, không cần phải đợi thầy nói lên. Có lần thầy nói với Pháp Hữu: “Ngày xưa thầy Anan làm thị giả cho Bụt cũng chỉ giỏi như con đang làm thị giả cho thầy bây giờ là cùng”. Nhiệm khiêm cung trả lời: “Nhưng con đâu có trí nhớ siêu việt như thầy Anan?” Thầy cười: “Con không cần trí nhớ của thầy Anan tại vì con đã có một chiếc iPod, để trong túi kinh của thầy”. Và hai thầy trò nhìn nhau cười rất tâm đắc.

Viết tới đây thầy bỗng nghĩ đến tuyết, tuyết đang rơi ở Waldbröl nơi Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu. Tuần trước, sư cô Song Nghiêm điện thoại qua, nói tuyết đã rơi và đã cao lên tới 10 phân, cảnh tượng ở Waldbröl đang đẹp diệu kỳ và mời thầy sang bên ấy để chơi với các con của thầy. Thì thầy đang ở bên ấy, các con không thấy hay sao? Thầy cũng đang ở Bích Nham, Lộc Uyển, Cây Phong, Sen Búp, Mộc Lan, Bát Nhã, Từ Hiếu, Hohenau, Suối Thương và nhiều nơi nữa! Phải thấy thầy nơi mình đang ngồi, đang đứng. Các sư em ở Bát Nhã có nhớ bài thi đố của sư anh Pháp Lâm không? Thầy không phải đang ở Ấn Độ mà thôi đâu. Đã nghe Thiền sư Vô Ngôn Thông nói: “Đây là Ấn Độ, Ấn Độ là đây” (Tây thiên thử độ, thử độ tây thiên) chưa? Thầy nhớ tới chiếc võng treo ở rừng cây phía sau Học viện. Trước khi qua, thầy đã viết thư cho các con của thầy ở bên Đức. Thầy nói có vị nào có võng mang tới cho thầy mượn. Thầy sẽ treo võng ngoài vườn và sẽ ngồi võng chơi với các con, ăn mừng Trung Tâm mới. Không biết vị nào đã chuyền lá thư ấy đi và hôm thầy tới, 14.09.08, thì các vị thị giả báo cáo là có tất cả 149 cái võng đã được mang tới. Mùa hè tới thầy trò mình sẽ tha hồ thực tập thiền võng ở bên ấy.

Viết thư cho các con của thầy, viết mấy cho đủ, thầy tạm dừng ở đây. Thầy sẽ gặp lại các con trước giờ giao thừa năm Kỷ Sửu trong buổi bình thơ cuối năm. Thầy chúc tất cả các con của thầy thật hạnh phúc và chế tác được rất nhiều tình huynh đệ.

(Nguồn theo langmai.org)

Bạn có thể quan tâm tới các bài viết:

1. Dòng tu Tiếp Hiện và Con đường phụng sự

2. Mỗi người đều có tính Bụt trong lòng – Thiền sư Thích Nhất Hạnh

3. Thông điệp ngày Phật đản – Thiền sư Thích Nhất Hạnh

4. Nghệ thuật không nói – Thiền sư Thích Nhất Hạnh

5. Giấc mơ lớn nhất của đời anh là gì? – Thiền sư Thích Nhất Hạnh

6. Con đã về, con đã tới – Minh Dương

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *