Minh Dương
Trong đêm tìm về trốn tổ
Sau hành trình hơn 700 km với gần mười lăm giờ đồng hồ ngồi xe, chúng tôi có mặt tại thành phố Huế. Sau khi nhận phòng nghỉ và ăn tạm bát cơm với muối lạc mang theo, tôi hỏi Công Minh có muốn đi thăm nơi Thiền sư Nhất Hạnh ở không. Ngước lên tường, đồng hồ lúc này chỉ 22 giờ, Công Minh ngạc nhiên hỏi: “đi bây giờ á?”. Tôi trả lời: “đi bây giờ chứ sao không”. Thế là chúng tôi bước xuống đường và bắt đầu hành trình tìm đường đến Tổ đình Từ Hiếu. Nơi Thiền sư Nhất Hạnh, sau một chặng đường dài hoằng pháp trên khắp năm châu đã trở về.
Chúng tôi quyết định thuê hai chiếc xe đạp từ một cửa hàng cho thuê bên đường. Cô cho con hỏi đường tới tổ đình Từ Hiếu? tôi hỏi người chủ cửa hàng. Sau khi chỉ đường rất tận tình, cô chủ còn không quên dặn chúng tôi đi đường cẩn thận.
Cảnh thành phố về đêm thật yên tĩnh, cách một quãng lại thấy một ngôi đình, ngôi chùa. Bây giờ đã là 23 giờ đêm, ngoài đường đã vắng bóng người. Khi những ngôi nhà mỗi lúc một thưa dần cũng là lúc chúng tôi gần tới nơi. Dù đi theo công cụ chỉ đường, nhưng ở một nơi dân cư thưa thớt như trốn Tổ đình thì công cụ cũng không phát huy được hết tác dụng nên chúng tôi bị lạc.
Đường ngày càng hẹp, một tay cầm điện thoại soi đường, một tay cầm lái, tôi nói với Công Minh: “Minh ơi, lạc đường rồi, quay lại thôi”. Dừng lại nhìn khung cảnh xung quanh, một bầu trời tối đen như mực với vài ánh sáng phản chiếu từ những chiếc bia mộ gần xa không khỏi làm chúng tôi rùng mình.
Do có tu tập trước đó, nên chúng tôi liền quán chiếu hơi thở và đạp xe quay lại. Có hai chiếc xe máy đi ngược chiều bỗng rồ ga phóng đi. Tôi nghĩ thầm, 23 giờ đêm, họ sợ hai người mặc áo trắng đạp xe ở giữa nghĩa địa chăng?
Sau khi vòng đi vòng lại hai, ba lần cùng sự giúp đỡ của hai anh chị bán hàng ăn đêm, chúng tôi cũng tìm được Tổ đình. Nhìn đồng hồ trên tay lúc này là 23 giờ 15 phút, dựng xe ở cổng, chúng tôi tiến vào trong.
Không khí trong chùa tĩnh lặng như tờ, chỉ có vài ánh điện hắt ra từ phòng nghỉ của Thiền sư và tăng chúng. “Chúng mình đã thực sự có mặt ở trốn Tổ”, tôi vui mừng nói với Công Minh. Dường như cảm nhận được ý đồ của bạn, Công Minh dí dỏm nói với tôi: “Chẳng nhẽ cậu định đánh thức Sư ông vào lúc này. Giờ đã quá khuya, theo tớ, chúng ta nên quay về và sẽ trở lại vào sáng mai”. Tôi nhìn cánh cổng vào tịnh thất của Sư ông đã khóa, phía trên có tấm biển “không phận sự miễn vào” mà lòng nao nao.
Tôi đi đi lại lại trước cánh cổng, rồi quay ra nói: “Tớ biết cổng khóa, và bây giờ cũng đã khuya, nhưng có thể Sư ông còn thức. Hơn nữa, cổng khóa nhưng lòng ta đâu có khóa. Công Minh nhìn tôi mỉm cười, không nói gì, tỏ ý hiểu được tâm ý bạn. Nhưng rồi tôi nghĩ lại, mình còn cả một ngày cơ mà. Nghĩ vậy tôi quay ra bảo Công Minh: “Được rồi, sáng mai chúng ta sẽ quay lại bái kiến Sư ông”.
***
Dạo chơi vườn xưa
Sáng hôm sau, chúng tôi trở lại Tổ đình, vẫn bằng hai chiếc xe đạp. Cảnh vật ban ngày thật sôi động, người đi lại tấp nập, nhiều cửa hàng mở ra ven đường. Hôm nay là ngày rằm tháng mười, trước cửa sân nhà nào cũng có mâm cơm cúng thịnh soạn, điều này chứng tỏ đời sống tâm linh của người dân nơi đây rất phát triển.
Sau một giờ đạp xe, chúng tôi có mặt tại Tổ đình. Chùa nằm khuất trong rừng thông trên một vùng đồi. Cổng chùa được xây theo kiểu vòm cuốn, hai tầng có mái che. Ngay trước con đường lát gạch để vào chánh điện là hồ bán nguyệt với hương hoa sen ngào ngạt và đàn cá tung tăng bơi lội. Vào trong khuôn viên, phía trước có khe nước uốn quanh làm cho phong cảnh nơi đây trở nên thơ mộng. Xa xa thấp thoáng vài vị tăng chúng đi lại làm phật sự trong chánh niệm cùng lác đác vài phật tử đến vãn cảnh chùa và chiêm bái Thiền sư. Đứng trước sự trang nghiêm và yên bình nơi đây, chúng tôi cảm nhận như mình đang được dạo chơi ở một khu vườn xưa, một nơi rất đỗi thân thuộc.
Theo sử liệu, chùa ban đầu là “Thảo Am An Dưỡng” do Hòa thượng Nhất Định dựng để tịnh tu và nuôi dưỡng mẹ già vào năm 1843. Hoà thượng nổi tiếng là người con có hiếu. Tương truyền có lần mẹ bị bệnh rất nặng, hàng ngày Ngài lo thuốc thang nhưng bà vẫn không khỏi. Có người ái ngại khuyên Ngài nên mua thêm thịt cá để tẩm bổ thì mới mong bà mau chóng hồi phục. Nghe xong, mặc thiên hạ đàm tiếu chê bai, Hoà thượng vẫn chống gậy băng rừng, lội bộ xuống chợ cách đó hơn năm cây số để mua cá mang về nấu cháo cho mẹ ăn.
Câu chuyện vang đến tai vua Tự Đức. Vốn là người con hiếu thảo, vua rất cảm phục trước tấm lòng của Hoà thượng nên ban cho “Sắc tứ Từ Hiếu tự”. Chùa được mang tên Từ Hiếu từ đó. Trong tấm bia ghi lại quá trình xây dựng chùa giải thích: Từ là đức lớn của Phật, nếu không từ thì lấy gì tiếp độ tứ sanh cứu giúp vạn loại. Hiếu là đầu hạnh của Phật, nếu không hiếu thì lấy gì để đạt thông cõi nhiệm bao phủ đất trời.
Sau gần 200 năm kể từ ngày Hoà thượng Nhất Định khai sơn, chùa trải qua tám đời hoà thượng trụ trì. Thiền sư Nhất Hạnh là trụ trì đời thứ tám của Tổ Đình.
***
Thiền sư Nhất Hạnh
Thiền sư tên khai sinh là Nguyễn Xuân Bảo, sinh ngày 11 tháng 10 năm 1926. Ngài là nhà tu hành, là một giảng viên, nhà khảo cứu, nhà thơ, nhà văn với bút danh Nguyễn Lang đồng thời là nhà hoạt động xã hội và vận động cho hòa bình. Ngài xuất gia theo Thiền tông vào năm 16 tuổi ở chùa Từ Hiếu với pháp danh Trừng Quang, pháp tự Phùng Xuân, pháp hiệu Nhất Hạnh.
Năm 1966, Ngài lập Dòng tu Tiếp Hiện (“Tiếp” có nghĩa tiếp xúc, tiếp nhận, “Hiện'” có nghĩa thực hiện), và thiết lập các trung tâm thực hành, các thiền viện khắp trên thế giới. Nơi cư ngụ của Ngài là Tu viện Làng Mai ở vùng Dordogne thuộc miền Nam nước Pháp. Ngài du hành khắp thế giới thuyết giảng và tổ chức các khóa tu thiền. Ngày 30 tháng 10 năm 2018, Ngài về nước sau hơn 40 năm sống lưu vong tại Pháp.
Thiền sư được đánh giá là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma. Ngài là người đưa ra khái niệm “Phật giáo dấn thân” và đã viết hơn 100 cuốn sách, trong số đó hơn 70 cuốn bằng tiếng Anh. Những cuốn sách và bài giảng của Ngài đã khiến thế giới nói chung và đông đảo phật tử nói riêng có cái nhìn chân thực hơn về Phật giáo cũng như người khai sáng ra đạo Phật như: Đường xưa mây trắng, Đạo Phật của tuổi trẻ, Hạnh phúc đích thực, Con đường chuyển hoá…
Elizabeth M. Gilbert, nữ nhà văn, tác giả, tiểu thuyết gia, nhà phê bình văn học người Mỹ nhận xét: “Nhà sư vĩ đại người Việt Nam, nhà thơ và sứ giả hòa bình, người đàn ông Việt Nam nhỏ nhắn này đã thu hút chúng tôi từng người một vào tĩnh lặng của ông. Hay có lẽ chính xác hơn nếu nói thầy đã đưa từng người của chúng tôi vào trong yên tĩnh của chính mình, vào trong an tịnh mà mỗi người chúng tôi vốn đã sở đắc nhưng chưa khám phá hay khẳng định. Khả năng thầy đã phát khởi trạng thái này trong tất cả chúng tôi, chỉ bằng sự hiện diện của thầy – đây là một năng lực thiêng liêng. Và đấy là lý do ta tìm đến một Sư phụ: Với hy vọng là công đức của thầy sẽ soi rạng cho ta sự cao quý khuất lấp của chính mình“.
***
Gặp Sư cô Chân Không và bái vọng Sư ông
Đang thả hồn theo phong cảnh thơ mộng của Tổ đình, chúng tôi nghe phật tử thông báo thiền sư chuẩn bị đi thiền hành. Chúng tôi liền đi theo lối mà mọi khi thiền sư vẫn thiền hành qua. Đến nơi thì được biết không phải Ngài đi thiền hành mà chỉ có vài đệ tử đang từ nơi tịnh dưỡng của Ngài đi xuống.
Lúc này đồng hồ đã chỉ hơn mười một giờ trưa, số phật tử đến vãn cảnh chùa và chờ gặp Thiền sư đã thưa dần, chỉ còn hai chúng tôi và ba người nữa cũng từ phương xa đến. Định quay trở về khách sạn nghỉ ngơi thì chúng tôi gặp Sư cô Chân Không. Sư cô bước xuống từ nhà chính điện cùng hai đệ tử. Sư cô hỏi chúng tôi từ đâu đến, đã gặp được Sư ông chưa và đã dùng cơm trưa chưa. Sư cô mời chúng tôi ở lại dùng bữa và tiếp chuyện chúng tôi trên con đường xuống nhà ăn.
Chúng tôi cùng một số phật tử ở lại, xếp hàng lấy đồ ăn, ngồi khoanh chân theo vòng tròn, rồi chậm dãi dùng bữa trong tĩnh lặng. Tôi nhai kỹ từng thìa cơm, ngắm nhìn mọi người và cảnh vật xung quanh. Phía trên có tượng Đức Thế Tôn tay cầm bông sen trong tư thế toạ thiền. Giữa ban thờ là một bát hương to với duy nhất một cây nhang dài đang cháy, bên cạnh có một đĩa phật thủ. Hai bên ban thờ, có hai dòng chữ được khắc trên gỗ: “Gốc rễ tâm tinh xin bồi đắp. Suối nguồn huyết thống nguyện khai thông”. Trên bức tường trước và sau lưng chúng tôi là những dòng thư pháp của Sư ông được bố trí đơn giản mà rất dễ thương. Cảnh vật và tâm trạng của mọi người khiến cho không khí nơi đây trở lên trang nghiêm, thanh tịnh và đầm ấm.
Sau khi dùng bữa, chúng tôi tiếp tục dạo chơi quanh chùa. Sẵn có giấy bút mang theo mình, tôi chọn một phiến đá và ngồi viết thư cho Sư ông. Cách một quãng phía sau, Công Minh ngồi trên một phiến đá trong tư thế toạ thiền đang vươn vai hít thở.
Được biết năm 2014, thiền sư Nhất Hạnh trải qua một cơn xuất huyết não. Từ đó sức khoẻ của Ngài yếu dần. Nhưng, như có một sự kỳ diệu, những năm gần đây, sức khoẻ của Ngài như có khả năng bình phục. Ngài tỉnh táo và vẫn có thể ý thức được môi trường xung quanh. Năm 2018, Ngài trở về nước và có tâm nguyện cư ngụ tại chùa Từ Hiếu để tịnh dưỡng cho đến lúc ngài viên tịch như một ước nguyện lá rụng về cội.
Đang mải mê với những dòng thư, tôi nghe Công Minh nói Sư ông vừa được chúng đệ tử đưa đi thiền hành, nhưng không qua con đường chúng tôi đang có mặt. Vội vàng đến để gặp, nhưng Ngài đã được đưa quay trở lại tịnh thất của mình. Tôi trở lại hoàn tất lá thư và tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi để được gặp mặt Ngài.
Đợi đến cuối buổi chiều, nhưng không thấy Ngài đi thiền hành, chỉ thấy đệ tử đưa Ngài dạo quanh phía sân trước tịnh thất. Vì không được vào bên trong, nên chúng tôi đành bái vọng Ngài từ xa. Coi như là đã được yết kiến Ngài.
Hoàn thành xong lá thư, đang loay hoay không biết gửi đến Ngài bằng cách nào thì gặp một đệ tử của Ngài từ tịnh thất đi ra. Chúng tôi giới thiệu từ nơi xa đến, nhưng không ở lại được lâu và có lá thư muốn được gửi tới Sư ông và mong Ngài chứng giám. Vị đệ tử cảm động trước tấm lòng của chúng tôi và hứa sẽ gửi tận tay lá thư của chúng tôi tới Ngài.
***
Thư gửi Sư ông
Thưa Sư ông! Hồi trưa, khi đang tận hưởng sự an lành nơi chốn Tổ, trái tim chúng con như vỡ òa khi gặp Sư cô. Trong khoảnh khắc không cất được thành lời, chúng con chỉ ấp úng: “A Di Đà Phật, con chào Sư cô ạ”. Sư cô mỉm cười hiền từ nói: “Các con đến gặp Sư ông phải không? Hiện giờ Sư ông đang nghỉ trưa. Các con đã ăn cơm chưa? Nếu chưa thì đi vô đây ăn cơm. Sáng nay Sư ông có đi thiền hành…”.
Chúng con đi bên cạnh Sư cô trên con đường đến nhà ăn, bỗng Sư cô hỏi: “Các con đến từ đâu?”. Chúng con thưa: “Chúng con đến từ Bắc Giang, quê hương chốn tổ Vĩnh Nghiêm và thiền phái Trúc Lâm. Chúng con đã đọc và nghe rất nhiều cuốn sách và bài giảng của Sư ông và Sư cô”. Chúng con nói với Sư cô rằng, chúng con đã biết về Sư cô từ rất lâu rồi. Sư cô mỉm cười hỏi: “Sao lại nói là biết về Sư cô? Vậy Sư cô tên là gì nào?”. Chúng con trả lời: “Dạ! thưa Sư cô Chân Không ạ”. Và như vậy thầy trò chúng con đi trong thiền hành trong sự an lạc trên con đường có khe nước uốn quanh đến nhà ăn.
Thưa Sư ông! Sư ông thường nói, người ta chưa thương được là do chưa hiểu. Mà muốn hiểu được thì phải thường xuyên kết nối và thiết lập truyền thông. Ngoài ái ngữ và lắng nghe thì thơ cũng là một phương tiện rất hữu ích để làm điều đó. Có lần Sư ông hỏi chúng đệ tử, đã bao lâu rồi các con chưa viết thơ về cho gia đình? Đã bao lâu rồi các con chưa viết thơ hỏi thăm cha, hỏi thăm mẹ, hỏi thăm những người thương của mình? Và nếu lâu nay chưa viết thì tối nay về viết đi…
Chúng con đã có ý định viết thơ hỏi thăm Sư ông từ lâu. Nhưng không thể tin rằng, chúng con lại có thể làm được điều này, ngay chính bây giờ, nơi đây, nơi Tổ đình, nơi mà chúng con đang có mặt bên Sư ông và chúng đệ tử. Chúng con nghĩ mình thật may mắn và hạnh phúc.
Thưa Sư ông! Hàng ngày chúng con tu tập, chúng con thiết lập truyền thông với những người yêu thương trong hiện tại, trong quá khứ và cả trong tương lai. Chúng con mời mọi người về đây cùng thở với mình, cùng sống với mình trong từng nhịp đập của con tim: “Con mời cha con, con mời mẹ con, con mời tổ tiên gia đình huyết thống, gia đình tâm linh về đây cùng thở vào, cùng thở ra với con. Thở vào thấy an lạc, thở ra thấy thảnh thơi. Thở vào miệng mỉm cười, thở ra miệng mim cười…”.
Chúng con biết rằng quá khứ đã đi qua, tương lai thì chưa tới nên không để tâm mình chìm đắm trong tiếc thương quá khứ và lo lắng ở tương lai. Chúng con học Bụt, học Tổ, học Sư ông nên biết buông bỏ ưu sầu lo lắng, trở về an trú nơi hiện pháp và học nhận diện những điều kiện hạnh phúc đã có mặt trong chúng con và có mặt quanh chúng con. Mỗi khi dạo chơi trên núi hay làm những công việc thường ngày, chúng con được nghe tiếng chim hót và tiếng thông reo, được nhìn thấy núi xanh, thấy mây bạc trăng vàng. Thấy Tịnh độ đang có mặt trong giây phút hiện tiền và chúng con có thể thích ý rong chơi hàng ngày trong cõi Bụt. Mỗi hơi thở, mỗi bước chân chánh niệm đưa chúng con về Tịnh Độ và làm biểu hiện những mầu nhiệm pháp thân.
Thưa Sư ông! Chúng con nguyện buông bỏ nếp sống hối hả, đua đòi, bận rộn, ben chen. Quyết tâm không chạy theo danh vọng, quyền hành, giàu sang và sắc dục. Bởi chúng con biết những thức ấy không đưa về chân hạnh phúc mà chỉ đem lại cho chúng con bao điêu đứng khổ đau.
Nếp sống tri túc, nếp sống thiểu dục, chúng con xin nguyện học theo để có thì giờ sống sâu sắc trong cuộc sống hàng ngày, trong từng phút từng giây. Để thân tâm có cơ duyên trị liệu và để hộ trì chăm sóc cho những người mà chúng con đã nguyện thương yêu.
Chúng con cúi xin Bụt, Tổ, tổ tiên gia đình huyết thống, gia đình tâm linh bảo hộ, soi sáng và nâng đỡ chúng con trên bước đường thực tập. Để hàng ngày chúng con có thể sống an lạc, thảnh thơi mà hoàn thành được ước nguyện của mình.
Mong Bụt, Tổ, Sư ông, tổ tiên gia đình huyết thống, gia đình tâm linh chứng minh cho tấm lòng thành của chúng con.
***
Chúng tôi chia tay Huế vào sáng hôm sau. Từng bước đi chậm dãi trong chánh niệm của Sư cô Chân Không, nét mặt của Sư ông khi được chúng đệ tử đưa đi dạo quanh tịnh thất và những hình ảnh của Tổ đình lại ùa về trong chúng tôi.
Tạm biệt Ngài, tạm biệt Sư cô, tạm biệt Tổ đình, chúng tôi trở về tiếp tục tu tập và hành trì theo những điều mà Ngài dạy bảo qua những trang sách và bài giảng. Chúng tôi mong Ngài sức khoẻ được an khang. Mong Tổ đình sẽ luôn là trốn đã về, đã tới của nhiều chúng đệ tử và những người con có tâm hướng Phật, muốn làm những điều thiện, điều lành./.
Minh Dương
Tài liệu tham khảo
1. Chùa Từ Hiếu – Wikimedia tiếng Việt.
2. Thích Nhất Hạnh- Wikimedia tiếng Việt.
3. Thông tin mới về sức khỏe thiền sư Thích Nhất Hạnh – tác giả Phúc Đạt, báo Lao động
Bạn có thể quan tâm tới các bài viết:
1. Con đường huyền thoại – Thiền sư Nhất Hạnh
2. Mỗi người đều có tính Bụt trong lòng – Thiền sư Thích Nhất Hạnh
3. Thông điệp ngày Phật đản – Thiền sư Thích Nhất Hạnh
4. Nghệ thuật không nói – Thiền sư Thích Nhất Hạnh
5. Giấc mơ lớn nhất của đời anh là gì? – Thiền sư Thích Nhất Hạnh