Lão Tử họ Lý tên Nhĩ, tự Bá Dương, thuỵ là Đam, người làng Khúc Nhân, huyện Hỗ, nước Sở nay ở vào quãng Hào Châu phía tây bắc tỉnh An Huy. Ngài sinh năm 571 TCN tại nước Trần. Sau Sở diệt Trần, đặt Trần thành một huyện thuộc Sở.
Ngài là con trai của Lý Càn, đại tướng quân của nước Tống. Cuối thời Đông Chu, nhà Chu suy yếu, chư hầu nổi lên, tranh cướp đất đai, chiến tranh xảy ra liên miên. Năm 571 TCN, Sở đem quân sâm lược Tống. Đại tướng quân Lý Càn nhận lệnh đem quân cự địch. Trong một trận chiến với quân Sở, ông đã tử trận, khi đó Lão Tử vẫn còn ở trong bụng mẹ.
Khi hay tin con trai tử trận, Lý Thái công đã đem gia quyến chạy trốn sang nước Trần và ở nhờ một người cháu họ tại huyện Hỗ, làng Khúc Nhân. Ngay sau khi cất tiếng khóc chào đời thì cũng là lúc Lý phu nhân qua đời vì hậu sản. Lão Tử chào đời mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Ngài lớn lên dưới sự chăm sóc và dạy dỗ của ông nội và gia đình người nhà chú họ. Càng lớn lên Ngài lại càng biểu lộ tư chất thông tuệ hơn người. Hay hỏi ông nội các câu hỏi về bầu trời, về các vì sao, về các vấn đề của cuộc sống v.v… tuy nhiên vì muốn bảo vệ gia đình và cháu nội, ông đã không cho Ngài đi học và giao du với thế giới bên ngoài.
Trong huyện Hỗ có một vị tiên sinh tên là Thương Dung. Thầy Thương Dung chuyên dạy học cho các con em giới quý tộc trong huyện. Một lần tình cờ đi ngang qua làng Khúc Nhân, được nghe câu chuyện và biết Ngài tư chất thông minh và đoán rằng nếu được đào tạo, Ngài sẽ trở thành một người có ích cho xã hội. Thương Dung tiên sinh đã hỏi dò tìm đến nhà và thuyết phục được Lý Thái công cho Ngài theo học. Nhờ chăm chỉ hiếu học và sự truyền dạy của thầy, sau ba năm Ngài đã hiểu được rất nhiều tri thức về thiên địa và nhân sinh; thầy Thương Dung khuyên Ngài nên tìm thầy khác để học, bởi đã không còn đủ kiến thức để có thể giải đáp những thắc mắc của Ngài.
***
Vì quyết tâm muốn tìm hiểu nguồn ngốc của trời đất và vạn vật, Ngài một mình tìm đường lên núi Ẩn Sơn và theo học Bản Nguyên tiên sinh. Tại đây Ngài được học rất nhiều tri thức mà Thương Dung tiên sinh chưa từng giảng tới, đồng thời thông qua học tập, Ngài biết học thuyết đại đạo sâu xa, bí ẩn nhưng cũng vô cùng đơn giản, đây chính là bước ngoặt để sau này Ngài sáng lập học thuyết đạo đức. Từ đó Ngài đã bước vào con đường Ngộ đạo và truyền đạo.
Cuối thời Đông Chu, các nước chư hầu chiến tranh liên miên, xâm chiếm lẫn nhau. Nước Trần trong thì rối ren, ngoài thì thường xuyên bị Sở, Tống đem quân đe dọa xâm lược. Nghe tin Ngài học rộng tài cao, vua Trần cho mời gọi vào triều để hỏi chuyện chính sự. Nhà vua nói nước Trần tuy nhỏ nhưng luôn tuân thủ lễ pháp, cũng chưa từng xâm chiếm nước khác, nhưng hai nước Sở, Tống vẫn không ngừng xâm chiếm biên giới nước Trần, khiến dân chúng nước Trần chìm trong cảnh khổ cực, lầm than. Nếu cứ như vậy nước Trần sớm muộn cũng phải vong. Ngài trả lời nguyên nhân chính khiến cho nước Trần suy bại lại chính là lễ pháp. Dân chúng nước Trần đang bị trói buộc trong lễ pháp, khiến cho con người nhốt mình cho quy củ và đó không phải gốc của việc trị thế. Phương pháp trị thế phải thuận theo tự nhiên, vô vi mà trị, bằng cách cho dân chúng được sống yên ổn, không có sự cưỡng chế, áp bức. Dân chúng được an nhàn sẽ không quên ơn đức của nhà vua, nếu có quốc gia nào đó đến xâm lược, dân chúng sẽ vì ơn nghĩa mà bảo vệ quốc gia, bảo vệ nhà vua và bảo vệ bản thân mình.
Nghe Ngài luận thuyết, vua Trần rất ưng ý, muốn mời Ngài tham chính. Nhưng Ngài từ chối với lý do sự học vẫn còn nông cạn.
***
Nghe tin ở núi Thái Ất nước Chu có một cao nhân đắc đạo tên Tử Chân, Ngài quyết tâm lên đường tầm sư học đạo. Tại đây, Ngài đã lĩnh hội được thuật trị tâm, trị thân, trị thế, trị gia, trị thần và trị thế của Tử Chân tiên sinh. Đặc biệt là Ngài đã hiểu gốc rễ của mọi sự vật trên đời xuất phát từ chữa “Nhất” và đó chính là “Đạo”. Từ đó trở đi, học vấn của Ngài ngày càng uyên thâm. Tiếng tăm của Ngài vang dạy khắp nơi. Lúc này nước Trần bị nước Sở diệt, biến Trần thành một huyện của Sở. Vua Chu Cảnh Vương nghe được danh Ngài, mời Ngài về triều đình tham gia việc nước. Dù không muốn ra làm quan nhưng vì không muốn trái lệnh nhà vua nên Ngài đành phải lên đường yết kiến vua Chu.
Gặp Ngài, Chu Cảnh Vương hỏi ngài về học vấn và cách trị thế. Ngài trả lời liền mạch, Chu Cảnh Vương nghe rất lấy làm ưng ý, mời Ngài ra triều làm quan. Nhưng Ngài từ chối không nhận vì chỉ cầu học để phát huy học thuyết đại đạo chứ không muốn làm quan. Biết chí hướng của Ngài, muốn giữ chân Ngài, vua Chu liền phong cho Ngài làm Thủ tàng thất sử thuộc hàng đại phu (tương đương Giám đốc thư viện Quốc gia ngày nay) để Ngài có thể nghiên cứu và mở rộng học thuyết Ngài theo đuổi, đồng thời làm thầy dạy học cho Vương tử con vua.
Lúc này, Chu Cảnh Vương đau ốm liên miên, việc triều chính bị bê trễ, trong cung các Vương tử tranh chấp ngôi vị, khiến triều đình nhà Chu trở nên rối loạn. Các phe phái muốn tranh thủ học vấn và uy tín của Ngài nên lối kéo Ngài tham gia chính biến. Thấy tình thế Chu như vậy, khuyên can không được, Ngài từ quan trở về quê.
Sau khi Chu Cảnh Vương mất, triều đình nhà Chu xẩy ra cuộc tranh giành ngôi vua giữa các vương tử. Cuối cùng, vương tử Cơ Cái là học trò của Ngài lên làm vua, tức vua Chu Kính Vương. Chu Kính Vương cho người về quê mời Ngài ra làm quan.
Ngài tiếp tục ra làm quan cho nhà Chu, nhưng lâu ngày thấy nhà Chu suy nhược, không làm sao được, Ngài bèn bỏ đi về phía tây, đi đến Hàm Cốc quan gặp quan lệnh doãn tên là Hỷ mời ở lại mà bảo rằng “Ngài sắp đi ở ẩn, vậy nên gượng mà làm cho tôi ít sách”. Lão Tử bèn làm quyển sách nói về đạo và đức hơn 5.000 chữ. Làm xong rồi bỏ đi đâu mất, không biết về sau thế nào.
Con Lão Tử là Tôn làm tướng quốc nước Nguỵ, được phong ở ấp Đoàn Can. Con của Tôn là Chú, con của Chú là Cung, Chút của Cung là Giả làm quan đời Hiếu Văn đế nhà Hán; con Giả là Giải làm thái phó cho Giao Tây Vương tên là Ngang, do đó mà cư trú ở Tề.
Ngài có nhiều học trò nhưng hay nhắc đến có ba người đó là Đồng Tâm, Ngô Đồng và Canh Tang Sở. Đồng Tâm và Ngô Đồng là bạn từ thủa nhỏ với Ngài. Vì kính trọng đạo đức và trí hướng của Ngài nên đã bái Ngài làm thầy và đi theo Ngài trong suốt quá trình Ngài làm quan và hành đạo. Sau cả Đồng Tâm và Ngô Đồng đều tử vì đạo. Canh Tang Sở xuất thân là một sát thủ. Ban đầu Canh Tang Sở được thuê để giết hại Ngài, song được Ngài cảm hoá nên đi theo. Canh Tang Sở cảm thụ được đạo của thầy và sau trở thành một triết gia cuối thời Đông Chu.
***
Lão Tử là một triết gia lỗi lạc, một nhân vật kiệt xuất, là người mở đường và sáng lập ra Đạo giáo, là một trong ba tôn giáo có ảnh hưởng mạnh đến văn hoá Trung hoa và các nước Á đông.
Tác phẩm của Lão Tử, cuốn Đạo Đức Kinh, là một tác phẩm triết học kinh điển đáng chú ý nhất trong lịch sử triết học Trung Quốc. Nó là kiệt tác đụng chạm tới nhiều vấn đề của triết học trong quan hệ giữa con người và thiên nhiên, “người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”, rằng con người cần sống hòa hợp với thiên nhiên và tạo hóa, tuân theo quy luật của thiên nhiên, tu luyện để sống lâu và gần với Đạo.
Những vấn đề mà Lão Tử đưa ra cách đây hơn 2500 năm đến nay vẫn còn mang tính thời sự và tiêu tốn không biết bao giấy mực của hậu thế để bàn về tư tưởng cũng như cuộc đời của Ngài. Hậu thế kính trọng và tôn vinh Ngài như một bậc “thầy già cả”. Dưới thời Nhà Đường họ Lý, để tạo mối liên hệ với Lão Tử, nên đã coi Ngài là tổ tiên của Hoàng gia, truy phong Ngài làm hoàng đế. Đời Đường Cao Tông tôn là Thái Thượng Huyền Nguyên hoàng đế, đến đời Đường Huyền Tông lại gia phong là Đại Thánh tổ Cao thượng Đại đạo Kim khuyết Huyền nguyên Thiên hoàng Đại đế.
Cho đến ngày nay, cuộc đời của Ngài vẫn là một điều bí ẩn và vẫn đang còn được tranh cãi. Nhưng có một điều không ai có thể phủ nhận được đó là tấm gương về đạo đức sáng ngời, trí tuệ kiệt xuất mà Ngài đã để lại thông qua tác phẩm kinh điển Đạo Đức Kinh.
Tài liệu tham khảo
1. Lão Tử – Nguyễn Hiến Lê
2. Đạo giáo – Trần Trọng Kim
3. Lão Tử tinh hoa – Nguyễn Duy Cần
4. Lão Tử – Wikipedia tiếng Việt
Có thể bạn quan tâm tới các bài viết liên quan:
4. Lão Tử, Khổng Tử và Phật Thích Ca – Câu chuyện của ba vị thánh nhân sinh cùng thời đại